Vị hoàng đế nhẫn tâm sát hại con ruột chỉ để lấy lòng mỹ nhân
Trái với những kỳ vọng của bậc tiên đế, Lưu Ngạo lại trở thành kẻ chỉ đắm chìm trong sắc dục mà bỏ bê triều chính, là mối họa cho vương triều nhà Hán.
Nhà Tây Hán (202 TCN – 9) là một trong những triều đại giàu có và hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Hoa. Các hoàng đế nổi danh thời kỳ này có thể kể đến Hán Cao Tổ Lưu Bang, Hán Văn Đế Lưu Hằng, Hán Cảnh Đế Lưu Khải hay Hán Vũ Đế Lưu Triệt.
Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi việc có những hoàng đế bất tài, góp phần trực tiếp làm suy yếu nhà Tây Hán. Một trong số đó là Hán Thành Đế Lưu Ngao.
Một tạo hình của Hán Thành đế. Ảnh minh hoạ
Hán Thành Đế Lưu Ngao sinh năm 51 TCN, là hoàng đế thứ 12 nhà Tây Hán, con trai trưởng của Hán Nguyên Đế và hoàng hậu Vương Chính Quân. Cái tên Lưu Ngạo được chính Hán Tuyên đế ưu ái tặng cho cháu mình. Chữ Ngạo hàm nghĩa tuấn mã phi ngàn dặm, Thái Tôn ý chỉ người kế thừa của thái tử.
Khi còn nhỏ, Lưu Ngạo dường như không làm người ông nội của mình thất vọng. Lưu Ngạo thích đọc kinh thư, biết nhiều và rất khiêm tốn, cẩn thận. Tuy nhiên, Lưu Ngạo lớn lên, Hán Tuyên Đế đã mất thì Lưu Ngạo bỗng dưng biến chất.
Cha của Lưu Ngạo là Nguyên Đế cảm thấy Lưu Ngạo không thể đảm đương trọng trách là người kế thừa ngôi báu được, nhiều lần muốn phế bỏ ngôi thái tử. Tuy nhiên, vì nhiều quan lại nói tốt cho Lưu Ngạo, lại thêm Lưu Ngạo là thái tử đã được Tuyên Đế lựa chọn nên Nguyên Đế lại từ bỏ ý định.
Tới năm Canh Nguyên thứ nhất, tức năm 33 TCN, Hán Nguyên Đế mắc bệnh qua đời, Lưu Ngạo trở thành người kế vị, lên ngôi Hoàng đế, sử gọi là Hán Thành Đế.
Dưới thời trị vì của Hán Thành Đế, nhà Tây Hán lâm vào tình cảnh khủng hoảng và thoái trào. Bên trong thì triều thần kết bè, kết đảng đấu đá lẫn nhau, bên ngoài thì nông dân đói khổ, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên ở khắp nơi.
Không màng chuyện chính sự, càng chẳng bận tâm tới cuộc sống cùng cực khốn khổ của bách tính muôn dân, Thành đế truyền lệnh cho xây liên tiếp các cung điện để phục vụ chuyện ăn chơi hưởng lạc của mình.
Ban đầu, Hán Thành Đế chỉ sủng ái Hứa Hoàng hậu. Tuy nhiên, khi vị hoàng hậu tuổi cao, nhan sắc kém đi, Hán Thành Đế lại chuyển sự sủng ái của mình sang Ban Tiệp dư. Do cả Hứa Hoàng hậu và Ban Tiệp dư đều không con, với sự khuyến khích của Vương Thái hậu cùng quần thần, Hán Thành Đế ra lệnh bắt đủ 3.000 mỹ nữ đưa vào hậu cung để có người nối dõi.
Triệu Phi Yến sau này được Hán Thành Đế phong làm hoàng hậu. Ảnh minh hoạ
Sau đó, trong một lần đến phủ của chị gái là Dương A Công chúa, Hán Thành Đế đã gặp được một ca nữ tuyệt sắc, đó là Triệu Phi Yến cùng với người em là Triệu Hợp Đức. Trước nhan sắc tuyệt trần của cả hai, Hán Thành Đế đã đưa vào cung và phong làm phi tần. Kể từ đó, Hứa Hoàng hậu và Ban Tiệp dư đều bị thất sủng.
Triệu Phi Yến được coi là một trong những mỹ nhân đẹp nhất thời nhà Hán. Mỹ nhân này nổi tiếng có dung mạo tuyệt thế, nhất là thân thể nhẹ nhàng tựa như là chim yến, nên được gọi là Phi Yến. Trong khi đó, người em gái Triệu Hợp Đức thì cũng xinh đẹp diễm lệ, duyên dáng và quyến rũ. Cả hai chị em họ Triệu đều rất được Hán Thành Đế sủng ái.
Kể từ khi gặp gỡ chị em Triệu Phi Yến, Triệu Hợp Đức, Hán Thành Đế suốt ngày đắm chìm trong tửu sắc ở chốn hậu cung, thậm chí còn thường xuyên quên cả việc thiết triều vào buổi sáng. Sau khi phế truất Hứa Hoàng hậu, Hán Thành Đế thậm chí còn lập Triệu Phi Yến làm hoàng hậu, em gái Triệu Hợp Đức làm Chiêu nghi.
Trong hai chị em, sau khi Triệu Phi Yến lên ngôi hoàng hậu, Triệu Hợp Đức lại được Hán Thành Đế sủng ái hơn. Triệu Hợp Đức do ỷ sủng mà sinh kiêu nên ra đã ra sức giết hại các cung tần có thai với Hán Thành Đế.
Việc không có con nối dõi là một trong những tội bất hiếu lớn nhất của người đàn ông phong kiến, với các Hoàng đế, điều này càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, để đảm bảo có con nối dõi, Hán Thành Đế đã phụ lời hứa với hai chị em họ Triệu, vụng trộm sủng hạnh phi tần khác.
Năm Nguyên Đình thứ nhất, năm 12 trước Công nguyên, một phi tần họ Tào sinh cho Hán Thành Đế một đứa con trai. Sau khi sự tình bị tiết lộ, Triệu Hợp Đức lập tức phái người hạ độc sát hại Tào thị.
Để giết người diệt khẩu, Triệu Hợp Đức còn hạ lệnh nhốt 5 người hầu gái của họ Tào vào ngục tối, rồi ngấm ngầm giết chết. Tiếp đó, đứa con được Tào thị sinh ra mới mười mấy ngày bị Triệu Hợp Đức phái người tới bế đi, cuối cùng không ai biết tông tích ở đâu.
Hán Thành Đế biết chuyện này nổi giận đùng đùng, tuy nhiên, lại sợ chị em Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức nên chỉ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Song, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.
Triệu Phi Yến sở hữu dung mạo tuyệt thế khiến Hán Thành Đế say đắm ngay từ lần gặp đầu tiên. Ảnh minh hoạ
Một năm sau đó, Hán Thành Đế lại “vụng trộm” sủng hạnh một phi tần khác là Hứa thị. Tới tháng 11, Hứa thị sinh ra một đứa con trai. Hán Thành Đế sợ mọi chuyện lại bị lộ, tới tai chị em họ Triệu thì sẽ phiền phức nên chỉ phái vài ngự y tới chăm sóc riêng cho Hứa thị. Cuối cùng, tới năm 41 tuổi, Hán Thành Đế cũng có được một đứa con trai.
Tuy nhiên, trong lúc vui mừng quá đà, Hán Thành Đế lại đem chuyện có con trai ra nói với Triệu Hợp Đức. Triệu Hợp Đức biết chuyện, lập tức khóc lóc nói với Hán Thành Đế rằng: “Lần nào hoàng thượng cũng nói là từ chỗ Triệu Phi Yến tới, vậy làm sao Hứa thị lại có con được? Lẽ nào hoàng thượng muốn họ Hứa làm hoàng hậu”.
Tiếp đó, Triệu Hợp Đức dọa sẽ bỏ về quê để đe dọa Hán Thành Đế. Một là khóc, hai là làm loạn lên, ba là tự sát, bốn là đòi chia tay. Đó là bốn thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm của phụ nữ đã được Triệu Hợp Đức vận dụng tới mức “lâm li bi đát”. Hán Thành Đế cuối cùng phải thề trước mặt Triệu Hợp Đức sẽ giữ lời hứa, không lập họ Hứa làm Hoàng hậu, để thiên hạ không có ai đứng trên họ Triệu.
Để thể hiện mình là người biết giữ lời hứa, Hán Thành Đế tự tay viết một bức thư gửi cho Hứa thị. Nhìn thấy bức thư do chính tay Hoàng đế viết, Hứa thị trao đứa con trai mới sinh cho sứ giả. Khi đứa trẻ được bế vào trong cung, Hán Thành Đế ra lệnh cho mọi người lui hết ra ngoài, chỉ còn lại mình mình và Triệu Hợp Đức. Tới khi cửa được mở ra, mọi người bước vào thì đứa trẻ đã tử vong.
Đến năm 7 TCN, Hán Thành Đế đột ngột qua đời ngay trên giường của mỹ nhân Triệu Hợp Đức. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân Hán Thành Đế đột tử là do dùng thuốc cường dương quá liều.
Tuy nhiên, Vương Thái hậu, mẹ đẻ của Hán Thành Đế, lại đổ lỗi cho Triệu Hợp Đức là nguyên nhân khiến hoàng đế băng hà. Sau cùng, mỹ nhân họ Triệu đã phải tự sát.
Trong lịch sử Trung Hoa, có một hoàng đế hoang dâm vô độ, ngày đêm vui vẻ cùng hai mỹ nhân tuyệt sắc thời bấy giờ, đến mức phải dùng thuốc kích dục thường xuyên, dẫn đến...
Nguồn: [Link nguồn]