Vắc-xin mới: Thêm hy vọng trong cuộc chiến chống Covid-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Nếu vắc-xin Sanofi-GSK được phê chuẩn trong 3 tháng cuối năm 2021, nó có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển

Hãng dược Sanofi (Pháp) ngày 17-5 thông báo kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với vắc-xin Covid-19 do họ phát triển cùng đối tác GlaxoSmithKline (GSK, trụ sở ở Anh).

Một tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc-xin Sanofi-GSK tại Trường ĐH George Washington (Mỹ) Ảnh: George Washington Today

Một tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc-xin Sanofi-GSK tại Trường ĐH George Washington (Mỹ) Ảnh: George Washington Today

Theo Sanofi, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ở 722 tình nguyện viên cho thấy vắc-xin "tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ" ở tất cả nhóm tuổi trưởng thành. Quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối sẽ được tiến hành trong vài tuần tới với sự tham gia của hơn 35.000 tình nguyện viên trên toàn thế giới. Xuyên suốt giai đoạn này, Sanofi và GSK sẽ thử nghiệm 2 công thức của vắc-xin: Một là nhằm ngăn chặn thể thông thường của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, một là nhằm chống lại biến thể B.1.351 dường như có khả năng làm giảm hiệu quả một số vắc-xin hiện hành.

Vắc-xin Sanofi-GSK là 1 trong 6 ứng viên được tài trợ từ chương trình phát triển vắc-xin thần tốc "Operation Warp Speed" của chính phủ Mỹ. Vào hè năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đồng ý cung cấp cho 2 công ty này 2,1 tỉ USD để phát triển và sản xuất vắc-xin, với điều kiện họ phải bàn giao cho Mỹ 100 triệu liều khi vắc-xin được chứng minh an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, Sanofi còn có thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) và Canada. Hãng dược này cũng đồng ý cung cấp 200 triệu liều cho COVAX (Cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu).

Sanofi và GSK năm ngoái đặt mục tiêu sản xuất 1 tỉ liều vắc-xin Covid-19 mỗi năm. Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 17-5, ông Thomas Triomphe, Trưởng Bộ phận Vắc-xin toàn cầu của Sanofi, nói rằng lượng vắc-xin được sản xuất trong năm nay sẽ phụ thuộc nhu cầu của thế giới nếu sản phẩm của họ được phê duyệt.

Theo báo The New York Times (Mỹ), nếu vắc-xin Sanofi-GSK được phê chuẩn trong 3 tháng cuối năm 2021 như mong muốn của các nhà phát triển, nó có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển - nơi tốc độ tiêm chủng đang tụt lại phía sau. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 44% trong tổng số 1,4 tỉ mũi tiêm vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới được thực hiện tại các quốc gia giàu có đang chiếm 16% dân số toàn cầu. Trong khi đó, tỉ lệ này chỉ là 0,3% ở nhóm 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, nơi chiếm 9% dân số toàn cầu.

Khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ đã gây tác động tiêu cực đến COVAX, khiến tình trạng bất bình đẳng vắc-xin gia tăng. Viện Serum Ấn Độ (SII), nhà cung cấp vắc-xin lớn nhất của COVAX, đã đặt mục tiêu bàn giao 1 tỉ liều cho cơ chế này trong năm nay. Tuy nhiên, kể từ khi hoạt động xuất khẩu của SII bị hoãn vào tháng 3 để bảo đảm nhu cầu sử dụng trong nước, COVAX không nhận được bất cứ lô hàng nào từ nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới này.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nguồn cung vắc-xin dành cho cơ chế COVAX sẽ bị thiếu hụt khoảng 140 triệu liều vào cuối tháng 5 và khoảng 190 triệu liều vào cuối tháng 6 vì khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ. Trích dẫn nghiên cứu của Công ty Airfinity (Anh), Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore ngày 17-5 khẳng định nếu EU và G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) chịu chia sẻ 20% nguồn cung vắc-xin có sẵn của mình trong các tháng 6, 7 và 8; họ có thể đóng góp khoảng 153 triệu liều cho COVAX mà vẫn thực hiện được các mục tiêu tiêm chủng trong nước.

Đông Nam Á tiếp tục lao đao

Thái Lan hôm 17-5 thông báo số ca Covid-19 mới tại nước này đạt mức cao kỷ lục 9.635, trong đó có 6.853 ca tại các nhà tù. Số trường hợp tử vong là 25, nâng tổng số lên 614 kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 đang hoành hành, Thái Lan dự kiến thực hiện chương trình tiêm chủng rộng rãi vào tháng tới với mục tiêu tiêm vắc-xin cho 70% người trưởng thành. Trước đó, nước này đã tiến hành tiêm 2,2 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho các nhân viên tuyến đầu chống dịch và nhóm có rủi ro cao.

Một quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore cũng đang lao đao vì sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Nước này dự kiến cho đóng cửa hầu hết trường học từ ngày 19-5 và học sinh chuyển sang học trực tuyến tại nhà cho đến khi năm học kết thúc vào ngày 28-5. Ngoài ra, theo Reuters, Singapore còn lên kế hoạch tiêm phòng cho người trẻ tuổi sau khi cảnh báo các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ em. "Một số biến thể này độc hại hơn nhiều và chúng dường như tấn công trẻ nhỏ" - Bộ trưởng Giáo dục Singapore Chan Chun Sing cho biết. Bộ Y tế Singapore hôm 17-5 thông báo nước này có thêm 28 ca Covid-19 mới, trong đó có 21 ca trong cộng đồng.

Cùng ngày, Malaysia ghi nhận kỷ lục buồn khi có thêm 45 người tử vong vì Covid-19, cao hơn con số 44 hôm 15-5. Ngoài ra, số ca Covid-19 mới là 4.446, nâng tổng số lên 474.556. Theo Reuters, Bộ Y tế Malaysia cho biết có thể thúc đẩy phong tỏa toàn bộ bang Selangor đông dân nhất nước nếu các biện pháp hạn chế hiện nay không thể ngăn dịch bệnh lan rộng tại đó.

Hoàng Phương

Nguồn: [Link nguồn]

Nghịch lý vắc-xin Covid-19

Một số quốc gia giàu có từng được khen ngợi kiểm soát hiệu quả đại dịch đang tụt hậu về tiêm phòng vắc-xin Covid-19.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Lực ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN