Úc có động thái chọc giận Trung Quốc giữa căng thẳng

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã có thêm quyền mới, có thể phủ quyết hoặc hủy bỏ các thỏa thuận mà chính quyền các bang đã đạt được với các nước khác. Động thái có thể gây cản trở lớn tới sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh đang gia tăng. 

Úc có động thái chọc giận Trung Quốc giữa căng thẳng. Ảnh: AAP

Úc có động thái chọc giận Trung Quốc giữa căng thẳng. Ảnh: AAP

Theo hãng Bloomberg, các luật mới được nghị viện Úc thông qua hôm 8/12 sẽ cho phép chính phủ khả năng dừng các thỏa thuận mới hoặc các thỏa thuận đã ký trước đó giữa chính phủ nước ngoài với 8 bang và vùng lãnh thổ của Úc, cũng như với các chính quyền địa phương và trường đại học. 

Chính quyền của ông Morrison sẽ có thể ngăn chặn hoặc cắt giảm sự liên quan của nước ngoài trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hợp tác thương mại, du lịch, văn hóa, khoa học, y tế và giáo dục.  

Mục tiêu ban đầu của việc thông qua các luật mới này có thể là một thỏa thuận mà chính quyền bang Victoria ký năm 2018 để tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc BRI của Trung Quốc. 

Daniel Andrews, thủ hiến bang Victoria, chia sẻ với phóng viên hồi tuần trước rằng, chính quyền bang không xem xét việc rút khỏi thỏa thuận BRI do mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa 2 nước, theo hãng AAP. 

Sự hợp tác của Trung Quốc với bang Victoria ở BRI mang lại lợi ích cho cả 2 bên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, nói hồi tháng 8. "Úc nên có cái nhìn khách quan về sự hợp tác như vậy và không nên gây trở ngại cho hợp tác Trung Quốc - Úc", ông Triệu tuyên bố. 

Luật mới có thể cho phép chính phủ liên bang xem xét và lật lại các biên bản ghi nhớ giữa Bắc Kinh và chính quyền Tây Úc, Nam Úc và khu vực Tasmania trong các lĩnh vực từ hợp tác đầu tư, khoa học và tiếp cận Nam Cực. 

Các bang và vùng lãnh thổ của Úc có ít nhất 130 thỏa thuận với 30 quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi các luật mới, theo Thủ tướng Úc. Luật mới sẽ thiết lập một sổ đăng ký công khai để cung cấp sự minh bạch cho các quyết định của chính phủ Úc. Các bang và vùng lãnh thổ sẽ có 3 tháng để kiểm tra lại các thỏa thuận hiện có. 

Quan hệ đối tác giữa các đại học Úc và các nhà tài trợ Trung Quốc có thể bị hủy bỏ. Lo ngại xuất hiện ngày càng nhiều trong giới tình báo về ảnh hưởng của Trung Quốc với các trường đại học Úc. 

Theo luật mới, ông Morrison không thể hủy bỏ các giao dịch giữa chính quyền các bang và các công ty thương mại hoặc doanh nghiệp nhà nước. Điều đó có nghĩa là chính phủ Úc không thể can thiệp vào hợp đồng cho thuê một cảng chiến lược ở thành phố Darwin năm 2015, giữa chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc và một công ty Trung Quốc. 

Việc Úc thông qua các luật mới có thể chọc giận Trung Quốc và khiến quan hệ 2 nước xấu thêm. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra xảy ra khi Thủ tướng Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19, xuất phát từ Trung Quốc. Bắc Kinh kể từ đó đã thực hiện một loạt động thái thương mại được cho là để trả đũa gồm áp đặt thuế quan lên lúa mạch, rượu của Úc và chặn các chuyến hàng chở than đá của Canberra. 

Quan hệ giữa 2 nước chạm mức thấp nhất hồi tuần trước khi một nhà ngoại giao Trung Quốc đăng trên Twitter hình ảnh một binh sĩ Úc đang cầm dao kề vào cổ một trẻ em Afghanistan. Sau khi ông Morrison kêu gọi một lời xin lỗi vì bài đăng "đáng trách" này, một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc bác bỏ yêu cầu này của phía Úc. 

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc ”tung đòn”, Úc thiệt hại nặng nề

Bộ trưởng Tài chính Úc cho rằng quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang ở giai đoạn "đầy thách thức" sau khi Bắc Kinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN