Trung Quốc họp báo, đặt ra 3 điều cần làm cho Hong Kong

Trung Quốc họp báo lần thứ 4 về biểu tình Hong Kong, cảnh báo có thể triển khai quân trong trường hợp khẩn cấp.

Quang cảnh cuộc họp báo của Văn phòng phụ trách Các vấn đề Hong Kong Macau tại Hong Kong chiều nay 3-9. Ảnh: SCMP

Quang cảnh cuộc họp báo của Văn phòng phụ trách Các vấn đề Hong Kong Macau tại Hong Kong chiều nay 3-9. Ảnh: SCMP

3 giờ chiều nay 3-9 (giờ địa phương) tại Hong Kong, Văn phòng phụ trách Các vấn đề Hong Kong Macau (HKMAO) tổ chức họp báo về tình hình biểu tình. Đây là phiên họp báo thứ tư liên quan đến biểu tình ở Hong Kong trong vòng hai tháng qua.

Phiên họp báo này do hai người phát ngôn Yang Guang và Xu Luying của văn phòng HKMAO chủ trì, báo SCMP cho biết.

Tại cuộc họp báo, người phát ngôn HKMAO mô tả tình hình bạo lực ở Hong Kong vẫn rất phức tạp, chưa được kiểm soát hoàn toàn và tiếp tục leo thang. Bà Xu công nhận tình hình Hong Kong lúc này ở mức trầm trọng nhất kể từ khi TP này được Anh chuyển về Trung Quốc năm 1997.

Ông Yang chỉ trích người biểu tình phong tỏa giao thông, tấn công cảnh sát, đập phá 32 trạm tàu điện và nhiều công trình công cộng. Cuối tuần rồi, cảnh sát thống kê mình hứng ít nhất 100 quả bom xăng từ người biểu tình.

Theo ông Yang, thể theo bất kỳ hệ thống luật pháp hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, các hành động của người biểu tình đều bị xem là “các hành động bạo lực, tội ác”. Ông Yang cho rằng mục tiêu của người biểu tình là tách Hong Kong ra khỏi Trung Quốc và hủy hoại chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

3 điều Hong Kong cần làm

Ông Yang đưa ra ba điều cần làm cho Hong Kong. Thứ nhất, chính quyền và người dân Hong Kong phải phản đối bạo lực và ủng hộ Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và cảnh sát. Các hành động bạo lực là đe dọa lớn nhất với TP, vì thế cần thiết phải đưa người biểu tình ra công lý, đặc biệt các lãnh đạo biểu tình hay thành phần tổ chức biểu tình.

Thứ hai, cần tách nhiệt các cuộc tuần hành hòa bình với các cuộc biểu tình thách thức chủ quyền quốc gia. Nếu cuộc tuần hành tuân theo chính sách “một đất nước, hai chế độ” thì nên được cho phép. Và ngược lại với các hành động đe dọa an ninh quốc gia và trật tự công cộng. Các hành động này phải bị trừng trị thẳng tay theo luật pháp. 3 cơ quan – văn phòng liên lạc, cơ quan phụ trách ngoại giao, đơn vị quân đội địa phương – hiện diện ở Hong Kong là đại điện cho đất nước và không thể bị tấn công.

Người phát ngôn Yang Guang tại cuộc họp báo. Ảnh: SCMP

Người phát ngôn Yang Guang tại cuộc họp báo. Ảnh: SCMP

Thứ ba, cần phải có giải pháp giải quyết các vấn đề ăn sâu liên quan đến kinh tế Hong Kong, chẳng hạn vấn đề nhà ở. Điều này sẽ cần bà Lâm đối thoại với mọi tầng lớp xã hội Hong Kong, đặc biệt giới trẻ. Trung Quốc đại lục sẽ tiếp tục thực hiện nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và Luật Cơ bản cho Hong Kong nhằm nâng cao đời sống cho dân.

Biểu tình nhuốm màu “khủng bố chính trị”

Một nhà báo hãng tin TASS của Nga hỏi chính phủ trung ương Trung Quốc có quan điểm thế nào đối với 5 điều kiện của người biểu tình (chính thức rút bỏ dự luật dẫn độ, lập ủy ban điều tra độc lập hành động của cảnh sát với người biểu tình, cải cách bầu cử…).

Ông Yang cho rằng trong một xã hội có luật pháp, mọi yêu cầu đều phải dựa trên quy định luật pháp. Ông Yang lên án các phần tử cực đoạn đã cố tình gây rối loạn cuộc sống người dân và sự thịnh vượng của Hong Kong phục vụ mục đích của mình. Ông Yang mô tả các hành động của các phần tử cực đoan này là sự “khủng bố chính trị”, khi chúng không còn liên quan đến dự luật dẫn độ mà giờ lại nhắm tới chính quyền Hong Kong.

Trung Quốc cho rằng biểu tình nhuốm màu “khủng bố chính trị”. Ảnh: SCMP

Trung Quốc cho rằng biểu tình nhuốm màu “khủng bố chính trị”. Ảnh: SCMP

Về cải cách bầu cử, ông Yang nói hệ thống dân chủ Hong Kong đã phát triển từ sau năm 1997, và Luật Cơ bản nói rằng vị trí đặc khu trưởng và cơ quan lập pháp được bầu theo hình thức bầu cử phổ thông.

Một nhà báo Hong Kong đặt câu hỏi liệu chính quyền TP có cần phải áp dụng Sắc lệnh Khẩn cấp hay không, và liệu có một thời hạn cuối cùng để chấm dứt biểu tình. Bà Xu cho biết chuyện áp dụng Sắc lệnh Khẩn cấp vẫn được chính quyền Hong Kong bàn bạc. Trung Quốc ủng hộ Đặc khu trưởng sử dụng mọi hình thức luật pháp để bảo vệ quy định luật pháp Hong Kong. Bà Xu không nói cụ thể về thời hạn chấm dứt biểu tình, chỉ nói người dân Trung Quốc đại lục và Hong Kong hy vọng sự hỗn loạn sớm kết thúc.

Khi được hỏi về chuyện học sinh, sinh viên Hong Kong bãi khóa, bà Xu cáo buộc thành phần cực đoan đã “sử dụng người trẻ như quân bài đàm phán trong cuộc đấu với chính quyền”.

Có thể triển khai quân

Một nhà báo Nhật Bản hỏi liệu chính quyền Hong Kong có thể ban hành Điều 18 và triển khai đơn vị quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc ở Hong Kong đối phó biểu tình hay không. Bà Xu nói Trung Quốc đại lục kiên quyết ủng hộ cảnh sát và chính quyền Hong Kong trong trừng phạt các cá nhân liên quan bạo lực.

Tuy nhiên, bà Xu cũng cảnh cáo nếu tình hình tiếp tục leo thang tới mức chính quyền địa phương không thể đối phó, chính phủ trung ương sẽ không làm ngơ và có thể trợ giúp, theo điều khoản được quy định trong Luật Cơ bản. Theo Điều 18, luật pháp quốc gia có thể được áp dụng ở Hong Kong một khi TP lâm vào tình trạng khẩn cấp.

Hàng ngàn học sinh sinh viên bãi khóa ngày 2-9. Ảnh: SCMP

Hàng ngàn học sinh sinh viên bãi khóa ngày 2-9. Ảnh: SCMP

HKMAO từng mở 3 cuộc họp báo trước vào các ngày 12-8, 6-8 và 29-7.

Phiên họp báo thứ ba tổ chức trong thời điểm người biểu tình tiến hành đợt phong tỏa sân bay quốc tế Hong Kong khiến gần cả ngàn chuyến bay bị hủy. Trong phiên họp báo này HKMAO cảnh cáo tình hình leo thang bạo lực của người biểu tình là dấu hiệu của khủng bố.

Tuy nhiên kể từ sau đó biểu tình ở Hong Kong vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Đỉnh điểm bạo lực biểu tình diễn ra trong 2 cuối tuần vừa rồi, khi người biểu tình đập phá cửa hàng, trạm tàu điện, phóng hỏa trên đường phố, đốt cờ quốc gia, tấn công cảnh sát bằng gạch đá, bom xăng. Cảnh sát đã phải huy động đạn cay, vòi rồng và cả nổ súng chỉ thiên cảnh cáo, giải tán biểu tình. Ngày 2-9, cảnh sát cho biết có 1.117 người biểu tình bị bắt kể từ khi làn sóng biểu tình bắt đầu hồi tháng 6.

Ở hai cuộc họp báo trước, HKMAO vẫn nói mình tự tin chính quyền và cảnh sát địa phương có khả năng khôi phục trật tự ở Hong Kong.

Giữa căng thẳng ở Hong Kong, Trung Quốc gửi cảnh báo lạnh gáy

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc phương Tây đang cố “bắt cóc” Hong Kong khỏi chủ quyền của nước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THIÊN ÂN ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN