Trung Quốc "đau đầu" vì lối sống mới của phụ nữ trẻ

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Đối với thế hệ Z (gen Z) ở Trung Quốc, cuộc sống thành công không có nghĩa là phải kết hôn hay có con, bất chấp việc cha mẹ hay chính phủ mong muốn như thế nào.

Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc sống vì bản thân, không muốn lập gia dình hay sinh con. Ảnh minh họa.

Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc sống vì bản thân, không muốn lập gia dình hay sinh con. Ảnh minh họa.

Các cô gái thuộc thế hệ Z nghĩ về việc “sống cho bản thân” nhiều hơn, theo Janet Song, 25 tuổi, một nhân viên làm việc tại quán cà phê thú cưng ở Quảng Châu. Cô nói việc có chồng hay con không giúp mình trở nên thành công hơn.

“Hai chị họ và tôi đều là con một trong gia đình. Cả hai đều đã kết hôn nhưng bây giờ khuyên tôi không nên kết hôn nếu không muốn. Họ nói rằng sinh con không phải là điều bắt buộc”, Song nói.

“Cuộc sống đô thị hiện tại ngày càng thuận tiện với những người độc thân. Việc kết hôn và sinh con chỉ kéo theo những căng thẳng trong cuộc sống, đặc biệt với người trẻ tuổi”, cô nói.

Các phụ nữ trẻ ở Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ thuộc thế hệ Z, sinh trong giai đoạn năm 1995-2010, ngày càng có lối sống riêng, đa dạng và mang tính cá nhân hơn. Với họ, kết hôn không còn là ưu tiên hàng đầu, chưa kể đến việc sinh con. 

Nhiều người cảm thấy được an ủi phần nào khi ngày càng có những người khác dám lên tiếng về quan điểm sống giống như mình.

Có một sự phản kháng mạnh mẽ trong xã hội Trung Quốc về việc những người trẻ kết hôn và sinh con, trong bối cảnh chính phủ khuyến khích các gia đình có 3 con.

Để chính sách thúc đẩy sinh đẻ có hiệu quả, nhà chức trách cần phải khiến phụ nữ cảm thấy quyền của họ được tôn trọng và chất lượng sống sẽ tốt hơn nếu sinh con, Shen Jiake, một nhà văn nổi tiếng, nói. Nếu không, những chính sách đơn thuần như cho phép sinh 3 con sẽ không thể giúp Trung Quốc tăng dân số.

Theo số liệu chính thức, tỉ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,3 vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn là 2,1 để duy trì sự tăng trưởng dân số.

Đối với phụ nữ trẻ, ngày càng ít người quan tâm đến việc kết hôn và sinh con, Liu Xin, giám đốc sáng tạo của một công ty quảng cáo, nói.

“Sống cho bản thân” đang là chủ đề mà các nhãn hàng tập trung trong chiến dịch quảng cáo thu hút các khách hàng là nữ giới, vì một số lượng lớn các phụ nữ dưới 35 tuổi chỉ muốn làm hài lòng bản thân trong cách tiêu dùng và lối sống, Liu nói. “Kết hôn hay sinh con không làm họ cảm thấy hạnh phúc hơn”.

“Nhiều người trong số họ là con một ở nhà, họ muốn có cuộc sống thảnh thơi. Trào lưu ‘nằm thẳng’ ở Trung Quốc còn bao gồm việc phụ nữ né tránh chuyện lập gia đình, sinh con”, Liu nói thêm.

Thep một cuộc khảo sát vào tháng 10.2021, trong số 2.905 người trong độ tuổi từ 18-26 được hỏi về việc kết hôn, 43,9% nữ giới nói không có ý định lập gia đình. Tỉ lệ này với nam chỉ là 19,3%.

Trong khi đó, thế hệ Z có tỉ lệ bất bình đẳng giới lớn nhất ở Trung Quốc, với số nam giới nhiều hơn nữ giới đến 18,27 triệu.

Trong danh sách những tiểu thuyết hàng đầu dành cho phụ nữ năm 2021, những cuốn sách bán chạy nhất tập trung vào sự nghiệp của phụ nữ và tinh thần độc lập, thay vì tiểu thuyết lãng mạn truyền thống về tình yêu.

“Trong hàng thập kỷ, các gia đình thành thị ở Trung Quốc giàu lên nhanh chóng. Các gia đình này bị ràng buộc bởi chính sách một con, dẫn đến việc tài sản tập trung vào các cô gái trẻ là con một trong nhà”, Shen nói. “Điều này dẫn đến xu hướng phụ nữ sống cho bản thân nhiều hơn, không muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân hay sinh con”.

“Bên cạnh đó, tỉ lệ phụ nữ có học vị cao, tài chính tốt đã cân bằng, thậm chí lớn hơn nam giới cùng độ tuổi. Kết quả là thái độ và giá trị của phụ nữ trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội”, Shen nói thêm.

“Nhìn chung, phụ nữ có học vấn cao, sự nghiệp thành đạt ngày càng nhiều hơn đàn ông ở Trung Quốc. Trong khi đó, các chính sách đang tụt hậu so với những quan điểm ngày càng thay đổi về hôn nhân và sinh đẻ của giới trẻ”, Huang Wenzheng, một nhà nhân khẩu học từng viết các báo cáo về tỷ lệ sinh của Trung Quốc, nói. “Mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn trong tương lai”.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc sắp bị ”soán ngôi” quốc gia đông dân nhất thế giới?

Trong năm 2022, dân số thế giới sẽ tăng thêm khoảng 74 triệu, nâng tổng số dân toàn cầu lên hơn 7,8 tỷ người, Cục điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN