Trung Quốc: Đẻ ít, già nhanh… và nay tinh trùng xuống cấp

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Các thống kê mới nhất cho thấy chất lượng tinh trùng của nam giới Trung Quốc đang giảm sút rõ rệt

Phải chăng Trung Quốc đang trượt vào một cuộc khủng hoảng tinh trùng? Các thống kê mới nhất đang củng cố thêm mối lo ngại này, đó là cánh mày râu Trung Quốc đang gia nhập thế giới phát triển ở mặt sản xuất ít "tinh binh" hơn – một xu hướng làm dấy lên nhiều câu hỏi về sinh sản ở quốc gia đang cố gắng gia tăng tỉ lệ sinh.

Trung Quốc: Đẻ ít, già nhanh… và nay tinh trùng xuống cấp - 1

Chất lượng tinh trùng của nam giới Trung Quốc đang giảm sút rõ rệt. Ảnh: Shutterstock

Truyền thông Trung Quốc tuần qua cho biết tại ngân hàng tinh trùng Fudan ở Thượng Hải, mở cửa hồi tháng 6, trong số 10 người hiến tinh trùng ở độ tuổi dưới 35, chỉ có 10% tinh trùng đạt tiêu chuẩn chất lượng của ngân hàng này.

Chất lượng cũng giảm sút rõ rệt ở các tinh trùng tại Ngân hàng Tinh trùng người Thượng Hải (đã được thành lập 15 năm) thuộc Bệnh viện Renji. Tại đây, 25% tinh trùng từ người hiến tặng ở mức độ chấp nhận được, giảm so với mức hơn 40% năm 2013.

Ngân hàng tinh trùng ở Bệnh viện Đại học Bắc Kinh số 3 ở Bắc Kinh cũng diễn ra tình trạng tương tự, chưa đầy 20% mẫu tinh trùng thu thập được từ tháng 9-2015 tới tháng 5-2016 đạt chuẩn.

Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc dường như cùng xu hướng với phát hiện của các nhà nghiên cứu ở thế giới các quốc gia phát triển. Hồi năm ngoái, một nghiên cứu cho thấy số tinh trùng của đàn ông các nước phương Tây đã giảm 50% trong gần 40 năm. Phát hiện này đã làm nổ ra một cuộc tranh luận nóng bỏng trên toàn cầu.

Theo đó, một phân tích quy mô lớn thực hiện với hơn 180 nghiên cứu công bố từ năm 1973 tới 2011 cho thấy nồng độ tinh trùng giảm 52,4%, và tổng số tinh trùng giảm xuống 59,3% ở nam giới từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc và New Zealand.

Những thống kê nêu trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc đối mặt với những thách thức lớn vì tỉ lệ sinh nở suy giảm và 1/4 dân số nước này dự kiến sẽ vượt quá tuổi 60 vào năm 2030. Vấn đề già hóa dân số nhanh chóng đã thúc đẩy Bắc Kinh kết thúc chính sách một con gây nhiều tranh cãi được đưa ra vào năm 1979 để kiểm soát tăng trưởng dân số. Chính sách này đã chấm dứt năm 2016 và nay các cặp đôi có thể được phép có hai con.

Tuy nhiên, bất chấp chính sách mới đã nới lỏng hơn, chỉ có 17,6 triệu em bé chào đời ở Trung Quốc đại lục trong năm 2017, so với 241 triệu người trên tuổi 60, Tân Hoa xã dẫn con số từ Ủy ban Sức khỏe Quốc gia đưa tin hồi tháng 6.

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã hủy hoại chất lượng của các tinh binh? Nghiên cứu của các nhà khoa học trên toàn cầu đã xác định hơn một chục "nghi phạm".

Giáo sư Wang Guomin – một chuyên gia về hệ sinh sản nam giới tại Bệnh viện Zhongshan ở Thượng Hải nói rằng hóa chất, bức xạ ion hóa, nhiệt, hút thuốc và uống rượu nằm trong số những "nghi phạm" thường thấy.

"Trong thời đại công nghiệp hóa nhanh chóng mặt, chúng ta phơi nhiễm với lượng lớn hóa chất trong cuộc sống hằng ngày từ việc tiêu thụ các dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm…"- ông Wang nói. Những hóa chất này có thể làm gián đoạn hệ nội tiết - liên quan đến các tuyến tiết ra kích thích tố hoặc các sản phẩm khác trực tiếp vào máu - hoặc tạo ra "sự thay đổi di truyền".

Các yếu tố ô nhiễm diệt tinh trùng khác có thể xuất phát từ việc đốt chất thải, sử dụng thuốc trừ sâu và phát thải sản xuất công nghiệp - các yếu tố liên quan đến cả sự phát tác của bệnh ung thư, vị chuyên gia cho biết thêm.

Quốc gia cấm cửa mỹ nam ”cỗ máy tinh trùng” vì phụ nữ quá chuộng

Một công dân Mỹ được mệnh danh “cỗ máy tinh trùng” mới đây bị chính phủ một quốc gia cấm cửa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Quyên ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN