Tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 ở Nhật Bản: Quá muộn và ít hiệu quả?

Một số chuyên gia y tế cho rằng, việc Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 hôm 7.4 đã là quá muộn và cho thấy sự kém hiệu quả trong các biện pháp chống dịch mà nước này thực hiện suốt vài tháng qua.

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, Nhật Bản đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi thông báo số ca nhiễm Covid-19 tương đối thấp và không áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt như nhiều quốc gia khác.

Vì vậy, khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, động thái này đã đến quá muộn do virus đã âm thầm lây lan từ lâu dẫn đến tình trạng bùng phát trở lại như hiện nay.

Hôm 7.4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại Tokyo và 6 khu vực khác và cho biết, việc hạn chế tiếp xúc xã hội của người dân tại các khu vực này có thể khiến số ca nhiễm Covid-19 giảm trong vòng 2 tuần.

Theo các chuyên gia, tuyên bố này đã ngầm xác nhận cách tiếp cận chống dịch trước đó mà Nhật Bản áp dụng không mang lại hiệu quả.

Ngày 7.4, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 3.906 ca nhiễm Covid-19, gấp đôi số người nhiễm virus một tuần trước đó.

Người dân Nhật Bản tại một trung tâm thương mại (ảnh: NY Times)

Người dân Nhật Bản tại một trung tâm thương mại (ảnh: NY Times)

“Các trường hợp nhiễm virus được xác nhận tại Nhật Bản hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Tokyo có nguy cơ sụp đổ nếu số ca nhiễm tiếp tục gia tăng nhanh chóng”, ông Kenji Shibuya, Giám đốc Viện Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học hoàng gia London, nhận xét.

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức thực hiện các biện pháp chống dịch của người dân Nhật Bản. Ông Abe nhấn mạnh rằng, tình trạng khẩn cấp không phải là phong tỏa và các phương tiện công cộng vẫn hoạt động như bình thường. Thống đốc các tỉnh cũng chỉ đề nghị người dân nên làm việc tại nhà và tránh ra ngoài.

Một ngày trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ông Abe khẳng định Nhật Bản có thể thực hiện 20.000 xét nghiệm virus mỗi ngày. Tuy nhiên, cho đến nay, Nhật Bản mới chỉ thực hiện được tối da 7.500 xét nghiệm Covid-19/ngày.

Nhiều chuyên gia quốc tế đang lo ngại rằng, Nhật Bản có thể sắp bước vào thời điểm bùng phát Covid-19 mạnh như Mỹ và Italia – những nước đang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong một chia sẻ trên Twitter vào hôm 5.4, ông Hitoshi Oshitani – cố vấn y tế chính của Nhật Bản cho rằng, nguy cơ lây lan virus vẫn là rất thấp và người dân vẫn có thể tiếp tục các hoạt động sống thường ngày, trừ khi họ từng lui tới các điểm nóng lây nhiễm.

Tàu điện ngầm chật chội tại Nhật Bản trong dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)

Tàu điện ngầm chật chội tại Nhật Bản trong dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)

Giống như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, số ca nhiễm Covid-19 tại Tokyo đã gia tăng nhanh chóng lên hơn 1.000 trường hợp vào hôm 7.4, tăng gấp đôi so với tuần trước.

“Tokyo có thể đang bước vào thời điểm bùng phát Covid-19 và số ca nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân”, ông Hiroshi Nishiura, một cố vấn y tế của chính phủ Nhật Bản trả lời phỏng vấn của tờ Nikkei.

Ông Hiroshi Nishiura cũng cho biết thêm rằng, điều cần làm hiện nay tại Nhật Bản là phải đưa ra một lệnh hạn chế tiếp xúc xã hội mạnh mẽ hơn thay vì chỉ khuyến cáo người dân không nên đi ra ngoài.

Hiến pháp Nhật Bản không cho phép Thủ tướng Abe ra lệnh cấm người dân ra đường hoặc buộc các doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Ông Abe chỉ có thể yêu cầu Thống đốc các tỉnh đóng cửa trường học hoặc trưng dụng những tòa nhà vì mục đích y tế.

Các quan chức Nhật Bản giải thích rằng, chính phủ chỉ đang thực hiện việc kiểm soát Covid-19 thông qua các biện pháp như đóng cửa trường học, kêu gọi hoãn các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn, khuyến cáo mọi người tránh tụ tập và tới quán karaoke, quán bar… những nơi đông người và ngột ngạt. Ngoài ra, cuộc sống của người dân vẫn sẽ tiếp diễn như bình thường.

Trái ngược với những quốc gia khác như Đức và Hàn Quốc, Nhật Bản không tiến hành mở rộng xét nghiệm Covid-19.

Đường phố tại Nhật Bản vẫn rất tấp nập người qua lại (ảnh: NY Times)

Đường phố tại Nhật Bản vẫn rất tấp nập người qua lại (ảnh: NY Times)

Theo các quan chức y tế Nhật Bản, việc đáp ứng nhu cầu nhập viện của tất cả những người dương tính với virus sẽ nhanh chóng khiến hệ thống y tế bị quá tải. Chính phủ đã chuẩn bị 10.000 phòng khách sạn ở Tokyo và 3.000 phòng ở khu vực Kansai để điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Trong và xung quanh thủ đô Tokyo, các ổ dịch Covid-19 lớn nhỏ đã bắt đầu xuất hiện. Một ổ dịch mới đây đã được phát hiện tại bệnh viện đại học Keion, nơi 18 bác sĩ thực tập nhiễm virus sau khi tham dự một bữa liên hoan.

Trong 2 ngày cuối tuần trước, Thống đốc Tokyo – bà Yuriko Koike, đã lên tiếng kêu gọi người dân ở trong nhà và chỉ ra đường nếu có nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, rất ít người làm theo khuyến cáo này. Khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 1/8 số người tại Tokyo được hỏi cho biết họ lựa chọn ở nhà để hạn chế nguy cơ lây lan Covid-19.

Nhiều người Nhật Bản được hỏi cho rằng, họ không cảm thấy lo lắng và không cần hạn chế tiếp xúc xã hội vì số người tử vong do Covid-19 tới nay vẫn chưa vượt quá 100. Điều này cho thấy tuyên bố tình trạng khẩn cấp không có ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ của người dân.

Đến ngày 8.4, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 4.257 ca nhiễm virus với 93 người tử vong.

Một con hẻm yên tĩnh hiếm có tại Tokyo (ảnh: NY Times)

Một con hẻm yên tĩnh hiếm có tại Tokyo (ảnh: NY Times)

Một số chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại rằng những khu vực được ban bố tình trạng khẩn cấp vẫn còn quá hẹp. Nhiều ca nhiễm Covid-19 mới tại Nhật Bản không xác định được nguồn lây lan. Tình trạng này thể hiện quy mô dịch bệnh tại Nhật Bản có thể lớn hơn nhiều so với dự báo và việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp thôi vẫn là chưa đủ.

Theo Hiệp hội Y tế Nhật Bản, nước này chỉ có 5 giường điều trị đặc biệt/100.000 dân, trong khi con số này ở Đức và Italia là 30/100.000.

Nhiều người dân tại Nhật Bản đã thực hiện việc đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng, nhưng số ca nhiễm tăng đột biến trong thời gian gần đây cho thấy việc đeo khẩu trang không có nghĩa là sẽ được bảo vệ tuyệt đối.

“Đeo khẩu trang thôi cũng chưa đủ. Điều quan trọng là việc đeo khẩu trang phải kết hợp với nhiều biện pháp khác, ví dụ như hạn chế tiếp xúc xã hội, giữ khoảng cách với mọi người”, tiến sĩ Peter Rabinowitz, Giám đốc của Đại học Washington MetaCenter, nhận xét.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Vũ Hán vừa hết phong tỏa, thành phố khác lại yêu cầu dân ở trong nhà

Thành phố Vũ Hán - nơi đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc, đã chính thức dỡ lệnh phong tỏa kéo dài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN