Tình hình "căng như dây đàn" ở Kazakhstan

Trong khi văn phòng thị trưởng Almaty – thành phố lớn nhất Kazakhstan – và dinh thự tổng thống nước này được cho là đang bốc cháy, những vụ đụng độ liên tiếp giữa đám đông bạo loạn và cảnh sát khiến số người thương vong ở quốc gia láng giềng với Nga tăng lên đáng lo ngại.

Cảnh sát chống bạo động chặn người biểu tình trên một con đường lớn ở Almaty, Kazakhstan (ảnh: AP)

Cảnh sát chống bạo động chặn người biểu tình trên một con đường lớn ở Almaty, Kazakhstan (ảnh: AP)

Hàng chục người bên phe biểu tình và ít nhất 13 cảnh sát đã chết trong cuộc bạo loạn lớn chưa từng có ở Kazakhstan, chính phủ nước này thông báo hôm 6.1. Trong số cảnh sát thiệt mạng, có ít nhất 2 người bị chặt đầu. Nhiều trụ sở chính quyền ở Kazakhstan cũng bị đám đông xông vào đập phá, thiêu rụi trong cơn phẫn nộ.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ Y tế Kazakhstan cho biết, có ít nhất 400 người ở Kazakhstan đã phải nhập viện do bị thương nặng trong vụ bạo loạn.

“Hàng chục kẻ tấn công đã bị loại bỏ”, Saltanat Azirbek – phát ngôn viên lực lượng cảnh sát Kazakhstan – nói với TASS.

Tất cả các sân bay ở Almaty và 2 thành phố lân cận đã bị đóng cửa. Mạng viễn thông và internet ở Almaty đã bị cắt từ hôm 5.1 khiến việc cập nhật thông tin về tình hình bạo loạn ở Kazakhstan trở nên khó khăn.

Quân đội Nga lên đường tới Kazakhstan (ảnh: CNN)

Quân đội Nga lên đường tới Kazakhstan (ảnh: CNN)

Tổng thống Kazakhstan – ông Tokayev – cam kết sẽ có biện pháp nghiêm khắc để dập tắt tình trạng bất ổn do “các băng khủng bố” gây ra và kêu gọi người dân giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, sự phẫn nộ của công chúng dường như hướng vào Nursultan Nazarbayev – người đã từ chức Tổng thống Kazakhstan hồi tháng 3.2019 sau 29 năm cầm quyền.

Theo RT, những cuộc biểu tình ở Kazakhstan đang thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Nhiều người mang theo gậy, khiên và sẵn sàng giao tranh với cảnh sát. Đây là tình trạng bất ổn chính trị lớn nhất xảy ra ở Kazakhstan sau khi nước này tách khỏi Liên Xô. Hôm 6.1, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu cho biết họ sẽ gửi quân đội tới Kazakhstan để “gìn giữ hòa bình” theo yêu cầu của Tổng thống Tokayev.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ các cơ sở quân sự và hành chính quan trọng cũng như hỗ trợ lực lượng thiết lập trật tự, ổn định ở Kazakhstan”, Maria Zakharova – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – cho biết.

Xe tăng được triển khai ở Almaty (ảnh: SCMP)

Xe tăng được triển khai ở Almaty (ảnh: SCMP)

Hôm 5.1, nhiều gương mặt quan trọng thuộc chính phủ Kazakhstan đồng loạt nộp đơn từ chức và được Tổng thống Tokayev chấp nhận. Tuy nhiên, ông tuyên bố các bộ trưởng của mình vẫn sẽ làm việc cho tới khi nội các mới được thành lập.

Việc gửi quân đội tới Kazakhstan là hành động quân sự đầu tiên của CSTO – dấu hiệu cho thấy Nga đặc biệt lo ngại tình trạng bất ổn có thể lan rộng ở quốc gia láng giềng. Nga và Kazakhstan có quan hệ gần gũi và có đường biên giới dài 7600 km.

Trong số những nước tách khỏi Liên Xô, Kazakhstan là nước lớn và giàu có bậc nhất. Trải dài trên lãnh thổ có diện tích bằng cả khu vực Tây Âu, nước này sở hữu trữ lượng khổng lồ về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, uranium và kim loại quý. Sự giàu có về khoáng sản khiến Kazakhstan trở nên quan trọng với Nga về chiến lược cũng như kinh tế.

Người biểu tình xông vào đốt phá một tòa nhà hành chính ở Almaty (ảnh: SCMP)

Người biểu tình xông vào đốt phá một tòa nhà hành chính ở Almaty (ảnh: SCMP)

Baikonur Cosmodrome – cơ sở phóng tàu vũ trụ lớn của Nga – đặt tại Kazakhstan. Sary Shagan – khu vực thử nghiệm quốc phòng quan trọng của Nga – cũng nằm ở Kazakhstan. Đây là địa điểm đầu tiên và duy nhất ở khu vực Âu - Á thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM). Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã nỗ lực thuê Sary Shagan từ Kazakhstan. Khu vực này được cho là đóng vai trò quan trọng đối với năng lực phòng thủ của Nga.

Ngoài ra, sự an toàn của cộng đồng người Nga đông đảo ở Kazakhstan cũng là mối quan tâm lớn của Moscow.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga cấp tốc điều đơn vị tinh nhuệ tới quốc gia láng giềng dẹp loạn?

Nga được cho là đã điều động các đơn vị tinh nhuệ thuộc sư đoàn đổ bộ đường không số 76, lữ đoàn đặc nhiệm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – SCMP, AP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN