Thụy Điển "nổi cáu" với Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đang đòi hỏi quá nhiều, bất chấp Thụy Điển đã nhiều lần nhượng bộ, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.

Ông Kristersson đưa ra bình luận trong một cuộc họp an ninh ngày 8/1. Ông chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên NATO, đưa ra nhưng yêu cầu bất khả thi để đồng ý cho phép Thụy Điển gia nhập NATO, theo RT.

"Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận rằng Thụy Điển sẽ thực hiện theo đúng cam kết. Nhưng sau đó họ lại yêu cầu cả những thứ mà chúng tôi không thể và không muốn làm", Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson phát biểu trong một hội nghị an ninh ở Thụy Điển.

Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn chưa chấp nhận đồng ý cho Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự NATO. Hồi tháng 6, Thổ Nhĩ Kỳ khi đó nói đã "đạt được mong muốn, trong đó Thụy Điển cam kết hợp tác toàn diện chống khủng bố".

Nhiều thành viên đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang tị nạn ở Thụy Điển. Tổ chức này bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển leo thang từ cuối tháng trước, khi Tòa án Tối cao Thụy Điển chặn việc dẫn độ Bulent Kenes - người Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa về nước xét xử.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cáo buộc Thụy Điển không thực sự hỗ trợ dẫn độ các nghi can khủng bố, đặc biệt là trường hợp của Bulent Kenes.

Tòa án Tối cao Thụy Điển cho rằng, Kenes không vi phạm pháp luật Thụy Điển và vụ dẫn độ có yếu tố chính trị. Kenes là nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ được cấp quyền tị nạn ở Thụy Điển vào năm 2016, sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất thành. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Kenes là thành viên tổ chức khủng bố.

Người Thụy Điển cho đến nay ủng hộ chính phủ duy trì hệ thống tư pháp độc lập, trong đó chính phủ không can thiệp vào quyết định của Tòa án Tối cao, kể cả khi điều này khiến nỗ lực gia nhập NATO bị chậm trễ.

Một cuộc khảo sát vào tháng trước cho thấy 79% người dân Thụy Điển muốn chính phủ "bảo vệ luật pháp" trong khi chỉ có 10% nói rằng chính phủ nên ưu tiên gia nhập NATO càng sớm càng tốt.

Việc Thụy Điển căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến quốc gia láng giềng Phần Lan chưa thể gia nhập NATO. Phần Lan cũng khẳng định nước này không vội gia nhập NATO và muốn chờ để gia nhập cùng Thụy Điển, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói ngày 8/1.

Nguồn: [Link nguồn]

Thụy Điển tuyên bố nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ, mục tiêu chính là gia nhập NATO

Ngoại trưởng Thụy Điển tuyên bố, nước này sẽ chấm dứt hoàn toàn liên hệ với đảng công nhân Kurd (PKK) và các nhóm có liên quan đến tổ chức này theo đề nghị từ phía Thổ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo MINH AN - RT ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN