Tàu TQ ồ ạt đến Scarborough: Mưu đồ xây căn cứ quân sự?
Tàu Trung Quốc xuất hiện với số lượng bất thường ở Bãi cạn Scarborough, vào đúng thời điểm diễn ra hội nghị G20 đươc cho là hành động có tính toán, chuẩn bị cho hoạt động cải tạo, xây dựng căn cứ quân sự phi pháp.
Máy bay ném bom tầm xa chiến lược HK-6 của Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough.
Bộ Quốc phòng Philippines mới đây công bố bức ảnh 11 tàu Trung Quốc gần Bãi cạn Scarborough, bao gồm các tàu phục vụ hoạt động nạo vét. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh coi thường lời kêu gọi của Mỹ và cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt việc xây đảo trái phép ở Biển Đông.
Tàu Trung Quốc xuất hiện ồ ạt ở Bãi cạn Scarborough vào đúng thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể là dấu hiệu đáng lo ngại, thách thức trực tiếp đến Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
Lầu Năm Góc cho đến nay giám sát chặt chẽ mọi hoạt động ở Bãi cạn Scarborough. Tình báo Mỹ lần đầu biết đến kế hoạch cải tạo là vào tháng 12 năm ngoái. Khi đó, công ty Trung Quốc được giao hợp đồng xây dựng một sân bay, tòa nhà chính phủ, tòa nhà chung cư, cảng và khu resort.
Trung Quốc tăng cường hoạt động xung quanh Bãi cạn Scarborough từ tháng trước, khi hàng chục tàu hải cảnh bị phía Philippines phát hiện. Trong quá khứ, Trung Quốc chỉ thường điều một tới ba tàu đến khu vực, kể từ khi chiếm bãi cạn này vào năm 2012.
Quan chức Lầu Năm Góc tin rằng Trung Quốc có kế hoạch xây dựng vùng tam giác căn cứ quân sự từ đá Xu bi, đá Chữ Thập, đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam) và thậm chí cả Bãi cạn Scarborough.
Bởi vì vị trí gần Vịnh Subic, nơi các tàu chiến Mỹ sẽ được triển khai trong tương lai, Lầu Năm Góc cương quyết phản đối bất cứ hoạt động cải tạo nào của Trung Quốc trên Bãi cạn Scarborough.
Quân sự hóa Scarborough, năng lực không quân và hải quân Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể, chống lại khả năng tiếp cận của lực lượng Mỹ trong khu vực. Căn cứ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Nhà hoạt động Philippines giương cờ trước tàu cảnh sát biển Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough.
Mối quan tâm của Mỹ về khả năng Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Biển Đông, đe dọa tuyến đường vận tải với lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD mỗi năm buộc quân đội Mỹ phải có những hành động đáp trả.
Hồi tháng 6, khi được hỏi về khả năng Trung Quốc xây căn cứ quân sự ở Bãi cạn Scarborough, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói: “Tôi hy vọng diễn biến này không xảy ra bởi điều này sẽ chỉ khiến Mỹ và các quốc gia trong khu vực buộc phải hành động, không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn cô lập Trung Quốc”.
“11 tàu Trung Quốc xuất hiện trong bức ảnh do Bộ Quốc phòng Philippines công bố, chỉ cách Bãi cạn Scarborough gần 5 km là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đã quyết định cải tạo đảo”, tư lệnh đã về hưu Jim Fanell, cựu giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) nói.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ nên khởi động chiến dịch trinh sát hàng không và hàng hải, nhằm xác định rõ mục đích điều tàu của Trung Quốc. “Kết quả trinh sát cần phải được công bố trước công chúng ngay lập tức. Nếu như đúng là Bắc Kinh cải tạo Bãi cạn Scarborough thì Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nên triển khai tàu chiến và máy bay đến can thiệp, theo hiệp ước đồng minh ký với Philippines”, ông Fanell nhận định.
Phản ứng của Mỹ cho đến nay chỉ giới hạn ở các tuyên bố bày tỏ quan ngại và ủng hộ đồng minh, rất ít khi phô diễn sức mạnh quân sự.
Sự hiện diện của tàu Trung Quốc, thậm chí là tàu nạo vét gần Bãi cạn Scarborough cần đến những phản ứng mạnh mẽ hơn, bao gồm triển khai các máy bay trinh sát P-8 và tàu ngầm đến khu vực. Đây cũng là lời cảnh báo với Bắc Kinh, rằng Washington sẽ không đứng ngoài trước chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc trong khu vực.