Cái giá Mỹ phải trả trong cuộc chiến với Taliban

Sau khi bị Mỹ gạt khỏi vị trí nắm quyền ở Afghanistan cách đây 20 năm, Taliban không bị tiêu diệt “tận gốc”. Tổ chức này âm thầm xây dựng lại lực lượng, học cách thích nghi, thay đổi chiến thuật khiến người Mỹ, từ thế thắng, chuyển sang sa lầy trong cuộc chiến tại Afghanistan.

Binh sĩ Mỹ tham gia huấn luyện cùng quân đội Afghanistan tại thành phố Herat năm 2019. Ảnh: EPA-EFE

Binh sĩ Mỹ tham gia huấn luyện cùng quân đội Afghanistan tại thành phố Herat năm 2019. Ảnh: EPA-EFE

Mỹ quyết định tham chiến ở Afghanistan

Mọi việc bắt đầu từ năm 2001 khi nước Mỹ và thế giới chấn động vì vụ tấn công khủng bố 11/9, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Giới chức Mỹ khi đó xác định tổ chức khủng bố al-Qaeda và trùm khủng bố Osama bin Laden phải chịu trách nhiệm.

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush năm đó yêu cầu Taliban giao nộp Osama bin Laden, người được cho là lẩn trốn ở Afghanistan, cùng các thủ lĩnh khác của al-Qaeda, nếu không sẽ phải chịu chung số phận. Taliban đã từ chối.

Hiện thực hóa tuyên bố và quyết tâm tiêu diệt khủng bố của mình, tháng 10/2001, Tổng thống Bush tuyên bố quân đội Mỹ bắt đầu tấn công ở Afghanistan với 2 mục đích chính. Thứ nhất là tước quyền kiểm soát ở Afghanistan của Taliban, tổ chức vốn được cho là cực đoan và tiếp tay cho al-Qaeda, đồng thời tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ được cho là ẩn náu ở Afghanistan.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối 7/10/2001, Tổng thống Bush tuyên bố rằng, quân đội Mỹ đang triển khai các hoạt động để nghiền nát năng lực quân sự của al-Qaeda và Taliban, với sự trợ giúp của quân đội các nước đồng minh như Anh, Canada, Úc, Đức, và Pháp. Ngoài ra, hàng chục quốc gia khác trên thế giới cũng cung cấp thông tin tình báo, cũng như tạo điều kiện để Washington triển khai các hoạt động quân sự.

Sau vụ khủng bố 11/9, Tổng thống Bush thề sẽ "giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố" và diệt tận gốc tổ chức al-Qaeda cũng như Osama bin Laden ở Afghanistan.

Ông Bush tuyên bố, nỗ lực đa quốc gia như một bằng chứng cho thấy nước Mỹ “được hỗ trợ bởi ý chí tập thể của thế giới.” 

Người đứng đầu nước Mỹ thời điểm đó cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục thực hiện cái mà ông gọi là “chiến tranh chống khủng bố” với các nước bảo trợ, nuôi dưỡng, hoặc đào tạo các lực lượng khủng bố.

Cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan

Ngày 7/10/2001, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích các cơ sở của Taliban và al-Qaeda ở Afghanistan. Các mục tiêu gồm thủ đô Kabul, thành phố Kandahar và thành phố Jalalabad. Hệ thống phòng không và các phi đội máy bay nhỏ của Taliban nhanh chóng thất thế và bị tiêu diệt. 

Liên minh phương Bắc, một nhóm nổi dậy chống lại Taliban và được lực lượng liên quân nước ngoài hậu thuẫn, đã tràn vào thủ đô Kabul, trong khi các lực lượng của Taliban tháo chạy khỏi thành phố này. 

Ngày 13/11/2001, Kabul chính thức thất thủ. Toàn bộ các tay súng của Taliban ở đây bị vô hiệu hóa hoặc bỏ trốn. Các thành phố khác nhanh chóng sụp đổ theo. 

Tháng 1/2004, sau các cuộc đàm phán kéo dài tại đại hội đồng Afghanistan, hiến pháp mới của nước này được thành lập và có hiệu lực. Hiến pháp mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10/2004. 

Ông Hamid Karzai, thủ lĩnh Popalzai - tộc lớn và có ảnh hưởng nhất ở Afghanistan, trở thành Tổng thống Afghanistan đầu tiên theo hiến pháp mới từ ngày 7/12/2004. Ông Karzai đảm nhiệm cương vị tổng thống trong 2 nhiệm kỳ (5 năm/nhiệm kỳ). 

Trong 5 năm (2004-2009), Taliban vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Các lực lượng của tổ chức này dần khôi phục và thực hiện nhiều cuộc tấn công nguy hiểm ở Afghanistan. 

Binh sĩ Mỹ được điều động tới Afghanistan năm 2009. Ảnh: Getty

Binh sĩ Mỹ được điều động tới Afghanistan năm 2009. Ảnh: Getty

Ngày 17/2/2009, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã phê duyệt việc tăng cường số lượng binh sĩ Mỹ tới Afghanistan. Có lúc đỉnh điểm, quân số binh sĩ Mỹ ở quốc gia Nam Á lên tới khoảng 14 vạn người. 

Theo BBC, đợt "tăng cường" này được mô phỏng theo chiến lược của Mỹ tại Iraq, nơi các lực lượng của Mỹ tập trung vào việc bảo vệ dân thường cũng như tiêu diệt các tay súng nổi dậy. Đợt tăng cường này của Mỹ giúp chính phủ Afghanistan đẩy lùi Taliban nhưng không kéo dài lâu.

Ngày 2/5/2011, trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ vào khu nhà ở thành phố Abbottabad, Pakistan. Xác trùm khủng bố được chuyển đi và thủy táng ở biển. Chiến công này chấm dứt cuộc săn lùng kéo dài 10 năm do Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) dẫn đầu. 

Ngày 23/4/2013, Mullah Mohammed Omar, người sáng lập Taliban, chết. Cái chết của Omar được giữ kín trong hơn 2 năm. Theo tình báo Afghanistan, người sáng lập Taliban chết vì một số vấn đề sức khỏe tại một bệnh viện ở thành phố Karachi của Pakistan. Tuy nhiên, Pakistan phủ nhận thông tin Omar trú ngụ ở nước này. 

NATO quyết định chấm dứt việc tham chiến ở Afghanistan vào ngày 28/12/2014. Cùng lúc, Mỹ cũng rút hàng nghìn binh sĩ về nước. Phần lớn những binh sĩ ở lại tập trung vào huấn luyện và hỗ trợ quân đội Afghanistan. 

Trước việc NATO và Mỹ có động thái giảm số binh sĩ hiện diện ở Afghanistan, Taliban nhận thấy thời cơ trỗi dậy. Các tay súng thuộc tổ chức này đã thực hiện một loạt vụ tấn công liều chết, đánh bom xe ở quốc gia Nam Á trong năm 2015. Tòa nhà quốc hội ở Kabul và thành phố Kunduz bị tấn công. Năm 2015 cũng là thời điểm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) mở rộng địa bàn sang Afghanistan. 

Nhận thấy IS có ý định tranh giành địa bàn, Taliban quyết ngăn chặn bằng mọi giá. Hai tổ chức liên tục đối đầu, tranh giành địa bàn ở Afghanistan. IS sau đó thất thế. 

Ngày 25/1/2019, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết, hơn 45.000 binh sĩ Afghanistan đã thiệt mạng kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2014. Con số cao hơn nhiều so với các phỏng đoán trước đó. 

Cuối tháng 2/2020, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump ký với Taliban một "thỏa thuận mang đến hòa bình cho Afghanistan" tại thủ đô Doha, Qatar. Mỹ và các đồng minh ở NATO đồng ý rút toàn bộ binh sĩ trong vòng 14 tháng nếu Taliban không vi phạm thỏa thuận. 

Ngày 15/8/2021, Taliban tiến vào thủ đô Kabul sau khi đã nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phải rời khỏi đất nước và nói rằng phải làm như vậy để “tránh đổ máu” ở Kabul. Vài ngày sau khi tiến vào Kabul, Taliban đơn phương tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Taliban thích nghi với cuộc chiến

Các tay súng Taliban ở thủ đô Kabul hôm 15/8. Ảnh: New York Times

Các tay súng Taliban ở thủ đô Kabul hôm 15/8. Ảnh: New York Times

4 năm sau khi bị Mỹ loại khỏi Kabul, Taliban "tái xuất" bằng các chiến thuật mới dựa trên chiến thuật được sử dụng bởi các nhóm nổi dậy ở Iraq, khiến tình trạng bạo lực gia tăng ở Afghanistan. 

Giai đoạn đầu của cuộc chiến, Taliban tập trung vào việc đối phó với các lực lượng của Mỹ và NATO trong các cuộc giao tranh công khai - một chiến lược phần lớn thất bại. Sau này, Taliban sử dụng các vụ đánh bom liều chết và bom chôn (IED). 

Giữa tháng 1/2005 đến tháng 8/2006, Afghanistan hứng chịu 64 vụ tấn công liều chết - một chiến thuật hầu như chưa được biết tới trong lịch sử Afghanistan. 

Ban đầu, các vụ tấn công kiểu này gây ra thương vong nhỏ do mọi thứ còn khá mới. Sau khi rút ra kinh nghiệm và thuốc nổ được tăng cường sức công phá, số thương vong tăng cao. Một trong những vụ tấn công liều chết nguy hiểm xảy ra vào tháng 11/2007. Ít nhất 70 người, nhiều trong số này là trẻ em, thiệt mạng trong vụ tấn công liều chết khi một phái đoàn quốc hội tới thăm thị trấn Baghlan. 

Chưa đầy một năm sau, một vụ đánh bom đẫm máu lại xảy ra tại đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul, khiến 50 người thiệt mạng. 

Một người đàn ông bị thương nằm trên đất sau một vụ đánh bom lớn ở trung tâm Kabul vào ngày 31.5.2017, khiến ít nhất 90 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ảnh: Reuters

Một người đàn ông bị thương nằm trên đất sau một vụ đánh bom lớn ở trung tâm Kabul vào ngày 31.5.2017, khiến ít nhất 90 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ảnh: Reuters

Sự trỗi dậy của Taliban xảy ra cùng thời điểm người dân Afghanistan  mất niềm tin vào người Mỹ và phương Tây bởi tốc độ tái thiết chậm chạp, có nhiều cáo buộc bạo hành tù nhân ở các cơ sở giam giữ của Mỹ ở Afghanistan và đặc biệt là tình trạng tham nhũng trong chính phủ Afghanistan cũng như con số thương vong lớn của dân thường do các đợt không kích của Mỹ, NATO.

Tháng 5/2006, một xe quân sự Mỹ đâm chết nhiều người Afghanistan. Sự việc như giọt nước tràn ly làm dấy lên các cuộc bạo động chống Mỹ ở Kabul - được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu ở Afghanistan. Cuối năm đó, NATO nắm quyền chỉ huy cuộc chiến ở Afghanistan. Các quan chức Mỹ cho rằng, Washington sẽ giữ vai trò thấp hơn và cục diện cuộc chiến sẽ mang tính quốc tế hơn. 

Sự thay đổi này phản ánh thực tế, Mỹ có nhu cầu lớn hơn về quân đội và nguồn lực ở Iraq, trong khi Washington vẫn cho rằng cuộc chiến ở Afghanistan là tương đối thành công. 

Nhưng các chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan cho rằng, rõ ràng Taliban không hề suy yếu mà còn có ý định leo thang xung đột bằng cách thực hiện nhiều cuộc tấn công hơn và tăng cường huy động vốn từ các cá nhân và tập thể lắm tiền nhiều của ở vịnh Ba Tư.

Một nguồn tiền khác của Taliban tới từ ngành công nghiệp thuốc phiện đang hồi sinh ở quốc gia Nam Á. Áp lực quốc tế buộc Taliban phải ngừng trồng cây thuốc phiện trong năm cầm quyền cuối cùng.  Tuy nhiên, sau khi Taliban mất quyền lực năm 2001, ngành công nghiệp ma túy lại phục hồi, và góp phần giúp tổ chức này có đủ tiềm lực để "trở lại lợi hại" hơn. 

Các chiến dịch, do phương Tây hậu thuẫn, nhằm loại bỏ việc trồng cây thuốc phiện hoặc khuyến khích nông dân trồng cây khác, không hiệu quả. Afghanistan nhanh chóng trở thành nhà cung cấp hơn 90% thuốc phiện trên thế giới thời điểm đó. 

Cái giá phải trả cho cuộc chiến ở Afghanistan

Theo ước tính, khoảng 51.000 dân thường Afghanistan thiệt mạng trong cuộc chiến tranh ở quốc gia này kể từ khi Mỹ tham chiến năm 2001. Ảnh: New York Times

Theo ước tính, khoảng 51.000 dân thường Afghanistan thiệt mạng trong cuộc chiến tranh ở quốc gia này kể từ khi Mỹ tham chiến năm 2001. Ảnh: New York Times

Nghiên cứu của Đại học Brown (Mỹ) ước tính, hơn 170.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Afghanistan, bao gồm khoảng 69.000 binh sĩ quân đội Afghanistan, 51.000 dân thường Afghanistan, 51.000 tay súng Taliban và 3.500 binh sĩ liên quân nước ngoài. Hơn 20.000 binh sĩ Mỹ bị thương khi tham chiến ở Afghanistan.

Theo Liên Hợp Quốc, Afghanistan là nước có dân số di cư lớn thứ 3 trên thế giới.

Kể từ năm 2012, khoảng 5 triệu người Afghanistan đã rời bỏ quê hương ra nước ngoài hoặc phải tới khu vực khác ở Afghanistan để sinh sống.

Dự án Chi phí chiến tranh của Đại học Brown ước tính, kể từ năm 2001, Mỹ đã chi hơn 2,2 nghìn tỷ USD vào cuộc chiến ở Afghanistan. Con số trên bao gồm 800 tỷ USD đổ vào tham chiến trực tiếp, 85 tỉ USD để huấn luyện quân đội chính phủ Afghanistan. Ngoài ra, Mỹ cũng chi 750 triệu USD mỗi năm để trả lương cho binh sĩ Afghanistan.

Có một mặt khác ít được nhắc đến, đó là cái giá về tinh thần. Hình ảnh sức mạnh Mỹ bị sứt mẻ trong mắt cộng đồng quốc tế. Các đồng minh có thể cảm thấy không còn thật sự tin tưởng vào Mỹ. Cuộc chiến ở Afghanistan cũng sẽ để lại vết thương sâu sắc không thể phai trong lòng nước Mỹ, nhất là ở những người từng trực tiếp tham chiến và gia đình họ.

Mỹ cũng có thể cần tới 20 năm để nhận ra bài học rằng, "xuất khẩu dân chủ" ra các nước khác không phải là một việc dễ dàng. Mỹ có thể nhanh chóng dùng bom đạn để áp đặt mô hình dân chủ của mình vào một quốc gia nào đó, nhưng những yếu tố như văn hóa, tôn giáo, địa chính trị, con người... ở quốc gia đó có thể sẽ dần dần khiến những giá trị Mỹ bị lung lay. Và trong trường hợp đó, khi Mỹ rút đi, sẽ để lại một sự tan hoang, chia rẽ và xung đột, để lại những thù hận, căm ghét, không giảm bớt mà có khi còn lớn hơn lúc đầu khi Mỹ chưa đến.

____________________

Năm 2015, khi IS mở rộng địa bàn hoạt động sang Afghanistan, Taliban đã lệnh cho các tay súng của mình bằng mọi giá phải ngăn chặn IS. Taliban thậm chí còn lập riêng một lực lượng đặc nhiệm, gồm hơn 1.000 tay súng có kỹ năng, kinh nghiệm, chỉ với mục tiêu duy nhất là tiêu diệt IS. Điều gì khiến cả hai tổ chức liên quan đến Hồi giáo không thể "đội trời chung"? Bài tiếp theo đăng trên mục Thế giới rạng sáng 23/8 sẽ giải đáp câu hỏi này.

Nguồn: [Link nguồn]

Từ ”một nhúm” người, Taliban thâu tóm quyền lực và lớn mạnh ra sao?

Khởi đầu chỉ với 50 thành viên, Taliban dần dần thâu tóm quyền lực và niềm tin của người dân Afghanistan, để rồi nắm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN