5 năm cai trị "sắt máu" của Taliban khiến thế giới bàng hoàng

Trong 5 năm cầm quyền ở Afghanistan (1996-2001), Taliban khiến dư luận thế giới bàng hoàng vì cai trị theo luật Hồi giáo hà khắc, tước bỏ quyền của phụ nữ, thi hành các vụ xử tử ở nơi công cộng.

Taliban tiến vào Kabul năm 1996 và lần thứ hai năm 2021.

Hai ngày sau khi chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul, Afghanistan, Taliban tuyên bố sẽ không nhắm vào những quan chức chính phủ Afghanistan, thúc giục họ quay trở lại làm việc.

“Quyết định ân xá đã được ban bố. Vì thế, mọi người nên hoàn toàn tự tin để trở lại cuộc sống thường nhật”, Taliban ngày 17.8 tuyên bố.

Đây là lần thứ hai Taliban nắm quyền ở Afghanista, sau khi đánh bại quân chính phủ và tiến vào thủ đô Kabul hôm 15.8.

Sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 do các thành viên al-Qaeda có liên hệ với Taliban gây ra, Mỹ đã phát động chiến dịch quân sự ở Afghanistan. Chỉ trong 2 tháng, quân đội Mỹ đã đánh bật Taliban khỏi Kabul, buộc các thủ lĩnh Taliban phải sống lưu vong.

Kiểm soát Kabul, Taliban điên cuồng trả thù

Phụ nữ Afghanistan từng có cuộc sống bình thường. Ảnh chụp ở Kabul năm 1988.

Phụ nữ Afghanistan từng có cuộc sống bình thường. Ảnh chụp ở Kabul năm 1988.

Cuối tháng 9.1996, sau 4 năm nội chiến Afghanistan, Taliban chiếm thủ đô Kabul. Cựu Tổng thống Afhganistan Mohammad Najibullah đã không còn nắm quyền từ năm 1992, khi đó đã ở trụ sở Liên Hợp quốc tại Afghanistan trong 4 năm.

Các tay súng Taliban bất chấp quy ước quốc tế, xông vào trụ sở Liên Hợp quốc kéo Najibullah khỏi tòa nhà, tra tấn đến chết, kéo lê thi thể bị thiến của cựu Tổng thống Afghanistan trên đường phố bằng xe tải. Em trai Shahpur Ahmadzai cũng chịu chung số phận.

Thi thể ông Najibullah và Shahpur được treo trên cột đèn giao thông bên ngoài phủ tổng thống Afghanistan vào ngày hôm sau, để cảnh báo dân chúng về một giai đoạn mới do Taliban lãnh đạo.

“Chúng tôi sát hại họ vì họ tàn sát người của chúng tôi”, Noor Hakmal, một chỉ huy Taliban, khi đó nói.

Các tay súng Taliban cũng lùng sục khắp thành phố, truy tìm Tổng thống Burhanuddin Rabbani, Thủ tướng Gulbuddin Hekmatyar và Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Shah Masood.

Thi thể ông Najibullah và Shahpur bị Taliban treo ở nơi công cộng "để làm gương".

Thi thể ông Najibullah và Shahpur bị Taliban treo ở nơi công cộng "để làm gương".

Ở thời điểm đó, ông Rabbani và các thành viên trong chính phủ đã sơ tán đến nơi khác, cách Kabul khoảng 25km.

Các lãnh đạo Afghanistan sau đó chạy lên phía bắc, thành lập Liên minh phương Bắc chống lại Taliban. Năm 1998, Liên minh phương Bắc kiểm soát khoảng 10% lãnh thổ Afghanistan.

Nhưng Taliban vẫn điên cuồng săn lùng các lãnh đạo Afghanistan. Liên Hợp quốc ước tính Taliban đã tiến hành 15 vụ thảm sát nhằm vào dân thường ở những nơi ủng hộ Liên minh phương Bắc.

Taliban từng có thời điểm sẵn sàng trao chức Thủ tướng, miễn là Masood hạ vũ khí ngừng chiến đấu. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan đã thẳng từng từ chối đề nghị này.

Năm 2001, hai ngày trước vụ khủng bố 11.9, Masood bị các thành viên al-Qaeda và Taliban cải trang làm phóng viên, kích nổ bom tự sát ở cự ly gần. Masood qua đời khi đang được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng. 10 năm sau, đến lượt ông Rabbani thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát khác của Taliban.

Áp đặt luật Hồi giáo hà khắc

Phụ nữ Afghanistan che kín mặt mũi theo luật Hồi giáo do Taliban áp đặt năm 1996.

Phụ nữ Afghanistan che kín mặt mũi theo luật Hồi giáo do Taliban áp đặt năm 1996.

Một tháng sau khi chính thức kiểm soát Kabul, Taliban thành lập một lực lượng gọi là “cảnh sát đạo đức”. Lực lượng có vũ trang này liên tục tuần tra trên đường phố, buộc phụ nữ và nam giới Afghanistan phải thay đổi trang phục theo đúng quy định.

Nam giới phải đội khăn xếp, để râu dài nắm được bằng lòng bàn tay. Phụ nữ phải đeo mạng che kín mặt, mỗi khi ra đường phải có nam giới đi cùng.

Vào mỗi buổi cầu nguyện, tất cả các cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa. Có mặt tại Kabul vào cuối tháng 10.1996, một phóng viên nước ngoài chứng kiến cảnh thành phố thay đổi hoàn toàn, theo Nation World News.

Phóng viên này chứng kiến cảnh một người đàn ông bị phạt roi không rõ lý do. Sau này, anh ta mới biết người đàn ông bị phạt do để lộ mắt cá chân. Nói chuyện với người lạ ngoài đường cũng bị cấm.

Cảnh tượng phụ nữ bị “cảnh sát đạo đức” đánh đập trên đường phố Kabul trở thành chuyện thường xảy ra. Phụ nữ còn đối mặt án tử hình nếu cố ý ra ngoài mà không có nam giới là người thân đi cùng.

Ở thời điểm đó, các trường học vẫn đóng cửa, người dân không được xem tivi. Các bức tranh cổ treo tại bảo tàng Kabul biến mất. Các bức họa vẽ người và động vật treo tại các tòa nhà chính phủ cũng bị phá hủy.

Đàn ông Afghanistan phải quấn khăn trùm đầu và để râu.

Đàn ông Afghanistan phải quấn khăn trùm đầu và để râu.

Taliban ra lệnh cấm âm nhạc, chỉ được nghe/phát nhạc truyền thống Afghanistan. Âm nhạc địa phương được thay thế bằng bài tarana (quốc ca) và bài giảng của Taliban.

Taliban khiến công chúng lo sợ sau khi bổ nhiệm Mullah Kalamuddin, một người có tư tưởng cực đoan, làm phó chỉ huy lực lượng “cảnh sát đạo đức”.

Phóng viên nước ngoài giấu tên có cơ hội gặp Kalamuddin tại văn phòng làm việc. Đó là một người đàn ông cao lớn, trên 1m8, có sở thích ngồi trên ghế tình yêu ở văn phòng khi chỉ đạo cấp dưới.

Kalamuddin bày tỏ sự khinh thường đối với những người bày tỏ sự quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ. Ông ta cho rằng một người phụ nữ chỉ có hai nơi ở, một là trong nhà và hai là bên dưới nấm mồ.

Tại khách sạn InterContinental ở Kabul, Kalamuddin từng có lần dùng rìu đập tan một tượng phật đặt ở sảnh khách sạn.

Lực lượng Taliban đốt phim tại rạp chiếu phim ở Kabul, một phần của việc thực thi luật Hồi giáo nghiêm ngặt (ảnh: BI)

Lực lượng Taliban đốt phim tại rạp chiếu phim ở Kabul, một phần của việc thực thi luật Hồi giáo nghiêm ngặt (ảnh: BI)

Tại một tòa nhà của ngân hàng quốc gia Afghanistan, nơi có nhiều phụ nữ làm việc, Taliban đã cho đóng cửa, trừng phạt phụ nữ, biến tòa nhà thành nơi bỏ hoang.

Nhiều doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ không còn nhân viên nữ làm việc vì lệnh cấm theo luật Hồi giáo Sharia.

Đối với những người địa phương cố gắng bắt kịp với sự thay đổi, Taliban lập kênh radio Sharia để tuyên truyền về luật Hồi giáo hà khắc, ví dụ như “một người đàn ông nhìn một người phụ nữ hoặc ngược lại là ngoại tình bằng mắt”.

Lời hứa về sự thay đổi

Năm 2020, Mỹ ký thỏa thuận hòa bình với Taliban về việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan. Đổi lại, Taliban sẽ chấm dứt hợp tác với các nhóm khủng bố, cam kết đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan.

Trong các cuộc đàm phán, lãnh đạo Taliban đã khẳng định sẽ “tôn trọng quyền phụ nữ” theo nguyên tắc đạo Hồi.

Sau khi taliban chiếm Kabul ngày 15.8, phụ nữ Afghanistan lo lắng về giai đoạn đen tối sắp tới.

Sau khi taliban chiếm Kabul ngày 15.8, phụ nữ Afghanistan lo lắng về giai đoạn đen tối sắp tới.

Nhưng các phụ nữ trả lời phỏng vấn trên tờ The Conversation nói rằng, Taliban vẫn sẽ không chấp nhận chuyện bình đẳng giới.

“Cải tổ Taliban là điều không thể. Hệ tư tưởng cốt lõi của họ là chủ nghĩa Hồi giáo hà khắc, đặc biệt là đối với phụ nữ”, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ 40 tuổi, ở Kabul, nói.

“Taliban có thể đã học cách đánh giá cao Twitter và các mạng xã hội để phục vụ mục đích tuyên truyền, nhưng hành động của họ trên thực tế cho chúng tôi thấy rằng họ sẽ không thay đổi”, Meetra, một luật sư, nói.

Trong phái đoàn đàm phán của Taliban không có nữ giới. Ở những nơi tổ chức nắm quyền kiểm soát, quyền của phụ nữ bị giới hạn.

Ở tỉnh Mazar-e-Sharif, Taliban vẫn yêu cầu phụ nữ phải đeo mạng che kín mặt, không được ra ngoài nếu không có đàn ông đi cùng. Các trường học, thư viện và trung tâm máy tính đều bị thiêu rụi.

“Chúng tôi phá hủy các cơ sở trên để lấy chỗ xây dựng các trường dạy tín ngưỡng, đào tạo các chiến binh Taliban”, một tay súng địa phương, nói trên tờ France 24 vào tháng 6.2021.

Sau khi chiếm thủ đô Kabul, Taliban được cho là muốn thể hiện bộ mặt ôn hòa hơn, theo Reuters. Tổ chức đưa ra một số lời hứa hẹn như sẽ bảo vệ sinh mạng, tài sản, và danh dự của công dân, đồng thời xây dựng môi trường hòa bình và an ninh.

“Chúng tôi sẽ tôn trọng quyền phụ nữ. Chính sách của chúng tôi là phụ nữ sẽ được tiếp cận giáo dục và việc làm”, phát ngôn viên Taliban, Suhail Shaheen nói.

Trong buổi họp báo đầu tiên sau khi kiểm soát Afghanistan, Taliban thậm chí nói phụ nữ sẽ được đi học đại học, được sẵn sàng đón chào trong chính phủ mới.

Nhìn chung các phát ngôn của Taliban cho thấy dường như họ đã có sự thay đổi về tư duy. Nhưng cộng đồng quốc tế và nhiều người Afghanistan vẫn lo sợ và nghi ngại việc thực hiện có thể sẽ không giống như những gì được tuyên bố. Chỉ thời gian mới đưa lại câu trả lời chính xác.

Mỹ cũng muốn Taliban xây dựng chính phủ có sự tham gia của nữ giới trong nội các.

--------------------

Theo ước tính của đại học Brown (Mỹ), cuộc chiến ở Afghanistan đã cướp sinh mạng của rất nhiều người ở tất cả các phe, và “nướng” của Mỹ một số tiền khổng lồ. Bài tiếp theo đăng trên mục Thế giới vào rạng sáng 22.8 sẽ đưa ra cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ và phần nào sự thích nghi của Taliban trong cuộc chiến này.

Nguồn: [Link nguồn]

Lỗ hổng chí mạng khiến quân đội “kiểu Mỹ” của Afghanistan sụp đổ tan tác trước Taliban

Trong 20 năm ở Afghanistan, Mỹ đã đào tạo một quân đội Afghanistan chiến đấu “theo kiểu Mỹ”, với các chiến dịch có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN