Sự nguy hiểm của các radar TQ xây trái phép ở Biển Đông

Với hệ thống radar trái phép kết hợp thiết bị truyền dẫn vệ tinh, Trung Quốc đủ khả năng tấn công chính xác các mục tiêu tầm xa bằng hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm, kể cả tàu sân bay đang di chuyển.

Sự nguy hiểm của các radar TQ xây trái phép ở Biển Đông - 1

Trạm radar Trung Quốc xây dựng trái phép tại đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

“Cuộc chiến công nghệ thông tin trên biển sẽ diễn ra bất ngờ, tàn bạo và chóng vánh…”. Đây là nhận định mà quân đội Trung Quốc đưa ra hồi đầu tháng này trong một cuộc tập trận hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Cuộc tập trận diễn ra ở biển Hoa Đông nhằm tăng cường “cường khả năng chiến đấu, độ chính xác, sự vững vàng và tốc độ tham chiến trong tầm ảnh hưởng tác chiến điện tử đối phương”.

Hiện nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang chuẩn bị cho cuộc chạy đua không khoan nhượng về tác chiến điện tử ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Một trong những hoạt động gần đây nhất của Trung Quốc là xây dựng trái phép trạm radar ở một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sự nguy hiểm của các radar TQ xây trái phép ở Biển Đông - 2

Địa điểm đặt trạm radar trái phép ở đá Ga Ven.

Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của trung tâm CSIS (Mỹ), Trung Quốc đã ngang ngược xây dựng nhiều loại radar khác nhau ở đá Chữ Thập, đá Ga Ven, đá Vành Khăn, đá Xu Bi. Mỗi radar trên các đảo nhân tạo bồi lấp trái phép sẽ có tác dụng khác nhau.

Chẳng hạn, radar trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi sẽ định hướng hàng không cho máy bay trên các đảo này. Ngoài ra, radar có thể mở rộng khả năng cảnh báo thời gian thực và kiểm soát một diện tích rộng lớn tại Biển Đông.

Sự nguy hiểm của các radar TQ xây trái phép ở Biển Đông - 3

Đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Nếu lắp đặt radar, Trung Quốc sẽ dễ bề ngụy biện trong việc sử dụng hệ thống này vào việc tìm kiếm và cứu nạn thay vì triển khai tên lửa đất đối không hay xây đường băng trái phép. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là radar của phía Trung Quốc được quân đội nước này sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau và gây lo ngại thực sự cho các quốc gia trong khu vực.

Với hệ thống radar xây dựng trái phép ở Biển Đông, cùng với mạng lưới vệ tinh tình báo ngày một phát triển, Trung Quốc sẽ đủ khả năng kiểm soát tàu bè theo thời gian thực và các thực thể quân sự khác trong khu vực.

Ngoài ra, thiết bị truyền dẫn vệ tinh cũng được xây dựng trái phép. Với hệ thống đồng bộ này, Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng tấn công chính xác các mục tiêu tầm xa bằng hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm hiện đại. Tàu sân bay đang di chuyển cũng là một mục tiêu dễ dàng bị Trung Quốc bắn chìm.

Sự nguy hiểm của các radar TQ xây trái phép ở Biển Đông - 4

Địa điểm đặt trái phép tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc.

Sự kết hợp các phương tiện tàu bè trên Biển Đông, chẳng hạn như lực lượng tàu cá sẽ gia tăng khả năng cảnh báo khu vực của Trung Quốc. Tàu cá hiện nay được xem là một lực lượng chiến lược mà chính quyền Bắc Kinh sử dụng ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông. Với hệ thống định vị GPS Bắc Đẩu “cây nhà lá vườn” dùng trong các hạm đội tàu cá, khả năng Bắc Kinh triệu tập những đơn vị này trong tình thế khẩn cấp sẽ ngày một được nâng cao.

Trang thiết bị hiện có giúp quân đội Trung Quốc có thể gây nhiễu chủ động cho cảm biến điện tử và radar các quốc gia khác. Năm ngoái, Trung Quốc từng gây nhiễu thiết bị trên tàu và cản trở truyền dẫn tín hiệu GPS từ máy bay do thám RQ-4 Global Hawk của Hải quân Mỹ.

Tháng 6 vừa qua, 4 máy bay tác chiến điện tử hiện đại của Hải quân Mỹ - EA-18G Growler – đã được điều tới Philippines. Lí do điều động này được cho là “sứ mệnh huấn luyện song phương” giữa hải quân hai nước, tuy nhiên máy bay Growler hoàn toàn đủ sức thực hiện nhiệm vụ do thám và tình báo. Chưa kể đây là bước đi chiến lược đầy toan tính của Mỹ ở Biển Đông nhằm khắc chế Trung Quốc.

Sự nguy hiểm của các radar TQ xây trái phép ở Biển Đông - 5

Máy bay do thám Growlers của Mỹ từng được điều tới Biển Đông.

Máy bay Growlers có khả năng làm nhiễu radar Trung Quốc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Lúc này, Mỹ sẽ tăng cường hoạt động nhằm trực diện vào radar Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ mở rộng thêm hệ thống tác chiến điện tử cũng như khả năng bảo vệ những thiết bị tối tân.

Tăng cường hoạt động tác chiến điện tử ở Biển Đông là một cách khá mềm mỏng của Mỹ để đảm bảo hỗ trợ cho các đồng minh khu vực như Philippines hay Nhật Bản trước sự càn quấy của Trung Quốc.

Nếu các hoạt động tác chiến điện tử nở rộ trong tương lai, rất có khả năng cuộc chiến không tiếng súng trong lĩnh vực này giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày một căng thẳng. Kéo theo đó, diễn biến Biển Đông sẽ phức tạp hơn và nguy cơ đụng độ quân sự hoàn toàn có thể xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - NI ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN