Số phận Huawei báo trước tương lai của Trung Quốc?

Huawei, một trong những doanh nghiệp toàn cầu nổi bật nhất của Trung Quốc, là một phần quan trọng trong chiến lược vươn lên...

Số phận Huawei báo trước tương lai của Trung Quốc? - 1

Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ 2 thế giới

Huawei, một trong những doanh nghiệp toàn cầu nổi bật nhất của Trung Quốc, là một phần quan trọng trong chiến lược vươn lên trở thành một cường quốc công nghệ của Bắc Kinh. Do vậy, những gì xảy ra với Huawei có thể dự báo trước tương lai của cường quốc châu Á, đó là nhận định của tờ The Atlantic (Mỹ).

Dấu hỏi lớn cho sự phát triển Huawei

Cây bút Michael Schuman của The Atlantic cho rằng, tai họa đang xảy ra với Huawei là do văn hóa doanh nghiệp “bí ẩn” của công ty này, nó đã khiến các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia an ninh Mỹ nghiên cứu về nền tảng và ý định của tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ đã xác định Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, từ đó, họ đề ra những chính sách và chiến dịch cản trở việc kinh doanh các mặt hàng thiết bị viễn thông chính và những thương vụ mua lại các công ty công nghệ khác của tập đoàn Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Một trong những mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh là biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ có thể đổi mới và kiểm soát bí quyết quan trọng mang lại sức mạnh cho các ngành công nghiệp trong tương lai và từ đó thách thức Hoa Kỳ. “Huawei, một trong những doanh nghiệp toàn cầu nổi bật nhất của Trung Quốc sẽ là một phần quan trọng trong sứ mệnh đó. Do vậy, vấn đề của Huawei là vấn đề của Trung Quốc và số phận của công ty có thể báo trước tương lai của cường quốc châu Á này”, ông Schuman lập luận.

Tất cả những điều này, theo Schuman, bắt nguồn từ việc Huawei nổi lên quá nhanh, quá mạnh trong thị trường cung cấp thiết bị viễn thông toàn cầu.

Thậm chí, nhiều người Mỹ ví von rằng, sự lớn mạnh của Huawei giống như “một phép màu” của tinh thần kinh doanh hiện đại hay “một câu chuyện cổ tích” về chàng trai trẻ xây dựng đế chế kinh doanh từ hai bàn tay trắng.

Nhìn vào những dòng ngắn gọn về lịch sử hình thành được đăng tải trên trang web của công ty, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi là một cựu kỹ sư làm việc trong quân đội Trung Quốc.

Sau khi ra quân, ông bắt đầu thành lập Huawei năm 1987 mà không có bất kỳ kết nối Chính phủ, viện trợ Nhà nước, tài sản cá nhân hay kinh nghiệm về viễn thông.

Bằng cách nào đó, mặc dù thiếu chuyên môn và nguồn lực, ông Nhậm đã cho ra mắt thị trường một hệ thống kỹ thuật phức tạp chỉ trong một vài năm, một thành tích ấn tượng so với một nền tảng công nghệ thấp của Trung Quốc thời điểm đó.

Hơn nữa, dù chỉ là cổ đông kiểm soát 1,4% vốn sở hữu, ông Nhậm được bầu giữ chức Giám đốc điều hành Huawei trong 30 năm qua và con gái của ông, bà Mạnh Vãn Châu cũng giúp vị doanh nhân này điều hành công ty tới trước thời điểm bị bắt tại Canada.

Và khi Huawei đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, ông Nhậm Chính Phi vẫn luôn “bí ẩn” và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Nhà báo bình luận Schuman chỉ ra rằng, trong một lần hiếm hoi gặp các thành viên Quốc hội Mỹ năm 2012, doanh nhân này đã khiến họ thất vọng vì những câu trả lời thiếu thông tin.

Hay như trong một lần trả lời câu hỏi phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2015, khi được hỏi rằng, Huawei có liên kết với Chính phủ hay quân đội Trung Quốc hay không, ông Nhậm không xác nhận hay phủ nhận bằng câu trả lời: Các vị không cần phải cố gắng tìm hiểu chúng tôi là ai.

Eric Harwit, Giáo sư nghiên cứu châu Á, Đại học Hawaii tại Manoa lập luận rằng, vận mệnh của Huawei đã bị hủy hoại bởi sự kém cỏi của Nhậm Chính Phi.

Tác giả của cuốn sách Cách mạng viễn thông của Trung Quốc cho rằng: “Huawei cần một người như Jack Ma, một doanh nhân có thể đứng cạnh và bắt tay với Tổng thống Mỹ và khiến ông Donald Trump phải thốt lên rằng, đó là một chàng trai tuyệt vời”.

Báo hiệu tương lai cho Trung Quốc?

Nhìn ở một lăng kính rộng hơn, những gì xảy ra với Huawei không chỉ là vấn đề của một doanh nghiệp, mà điều này rất quan trọng đối với Trung Quốc và thế giới.

Huawei khẳng định, họ tuân thủ tất cả quy định ở các thị trường mà công ty đang có mặt và con số doanh thu gần 93 tỷ USD trong năm 2017 cho thấy công ty đã kinh doanh thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, sự hoài nghi đối với Huawei đang lan rộng. New Zealand và Australia gần đây đã cấm Huawei cung cấp thiết bị cho các mạng di động 5G của nước họ.

Trong khi đó, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đang đưa ra các chính sách mới để xem xét kỹ lưỡng hơn các khoản đầu tư nước ngoài, một nỗ lực rõ ràng nhằm mục đích giữ bí quyết công nghệ cao khỏi rơi vào tay người Trung Quốc.

Tại Malaysia, Thủ tướng Mahathir bin Mohamad gần đây đã tạm dừng các dự án cơ sở hạ tầng lớn được Bắc Kinh hậu thuẫn trong khi cảnh báo về một “chủ nghĩa thực dân” kiểu mới.

Do đó, khó khăn lớn nhất của Trung Quốc và Huawei là sự mất niềm tin leo thang.

Những khó khăn mà Huawei đang phải đối mặt ở Mỹ và nhiều quốc gia khác là những dấu hiệu cho thấy lãnh đạo cấp cao nhất của Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn để xoa dịu nỗi sợ hãi đối với sự vươn lên và tham vọng của Trung Quốc.

“Còn nếu không, cả Trung Quốc lẫn Huawei đều sẽ thấy các cánh cửa đóng lại với họ”, ông William Reinsch, cố vấn cấp cao về kinh doanh quốc tế tại Trung tâm CSIS của Mỹ cảnh báo.

Mỹ tung chứng cứ buộc tội giám đốc tài chính Huawei

Vào tháng 8-2013, bà Meng Wanzhou - Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) - gặp một quan chức ngân hàng HSBC, làm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Dương ([Tên nguồn])
Giám đốc Huawei bị bắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN