Rào cản của ông Trump sau tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ

Chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump được dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn do uy tín giảm sút và cựu chủ nhân Nhà Trắng không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đảng viên Cộng hòa.

Ngày 15-11, tại dinh thự Mar-a-Lago (bang Florida), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khởi động chiến dịch tái tranh cử vào Nhà Trắng, theo đài CNN.

“Để làm cho nước Mỹ vĩ đại và huy hoàng trở lại, tối nay, tôi tuyên bố ứng cử tổng thống Mỹ” - ông Trump phát biểu.

Tuy nhiên, cuộc đua cho ghế tổng thống của ông Trump được dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn khi uy tín của ông giảm sút do nhiều cuộc điều tra pháp lý và kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ không như mong đợi. Và quan trọng hơn, cựu chủ nhân Nhà Trắng đang không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đảng viên và nhà tài trợ của đảng Cộng hòa.

Rào cản của ông Trump sau tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khởi động chiến dịch tái tranh cử vào Nhà Trắng tại dinh thự Mar-a-Lago (Florida). Ảnh: REUTERS

Hàng loạt điều tra

Cựu tổng thống Donald Trump đang bị điều tra trên nhiều lĩnh vực, từ việc xử lý các tài liệu tuyệt mật cho đến cáo buộc liên quan vụ bạo loạn tại Điện Capitol hồi tháng 1. Bên cạnh đó, ông còn phải đối mặt nhiều vụ kiện.

Theo đài BBC, những cuộc điều tra cấp cao có thể có tác động lớn đến ông Trump, cả về mặt cá nhân lẫn chính trị, nhưng trước hết là ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ ba của ông.

Hồi tháng 8, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida. Tại đây, nhà chức trách đã thu giữ 11.000 tài liệu, trong đó có khoảng 100 tài liệu được đánh dấu mật và tuyệt mật.

Với việc mang các tài liệu này về tư gia, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng ông Trump có thể đã vi phạm Đạo luật gián điệp thông qua việc giữ thông tin an ninh quốc gia "có thể được sử dụng để gây tổn hại cho Mỹ".

Tuy nhiên, ông Trump phủ nhận các cáo buộc và chỉ trích cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, coi đó là hành động mang "động cơ chính trị". Ông cũng lập luận rằng một số tài liệu ông mang về Mar-a-Lago được bảo vệ theo đặc quyền dành cho tổng thống Mỹ.

Không chỉ trong hoạt động chính trị, hoạt động kinh doanh của ông Trump cùng gia đình cũng đang bị vướng vào những cuộc điều tra pháp lý.

Các công tố viên ở New York đang điều tra Trump Organization - công ty gia đình của cựu tổng thống - về các cáo buộc gian lận trong kinh doanh.

Tổng chưởng lý New York Letitia James đã dành gần 3 năm tiến hành cuộc điều tra dân sự để xem xét liệu công ty của ông Trump có gian lận trong nhiều thập niên kinh doanh ở bang này hay không.

Các cáo buộc được đưa ra bao gồm việc công ty của ông Trump nâng giá trị bất động sản để có được các khoản vay thuận lợi hơn và có mức thuế tốt hơn. Ngoài ra, một cuộc điều tra hình sự về vấn đề trên cũng đang được tiến hành.

Rào cản của ông Trump sau tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ - 2

Người biểu tình xông vào Điện Capitol hôm 6-1-2021.Ảnh: REUTERS

Không chỉ vậy, cựu Tổng thống Trump cũng bị cáo buộc đóng vai trò tác động dẫn đến vụ bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6-1-2021.

Hạ viện Mỹ cũng đã thành lập một ủy ban điều tra về vụ việc. Dù không có quyền truy tố, nhưng nếu ông Trump từ chối làm chứng trước Hạ viện hoặc không giao nộp tài liệu được yêu cầu, ủy ban có thể chuyển vấn đề lên Bộ Tư pháp. Điều này có khả năng kích hoạt thủ tục tố tụng hình sự.

Cho đến nay, cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ về vụ bạo loạn ngày 6-1-2021 đã khiến hàng trăm người xông vào Điện Capitol bị buộc tội.

Tuy nhiên, ông Trump phủ nhận trách nhiệm liên quan vụ bạo động và chỉ trích ủy ban của Hạ viện là "ủy ban giả không được chọn". Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại các lập luận của mình về gian lận trong bầu cử năm 2020.

Liên quan cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, một cuộc điều tra hình sự cũng đang được tiến hành với cáo buộc ông Trump tìm cách lật ngược kết quả bầu cử tổng thống ở bang Georgia.

Trả lời tờ The Washington Post, bà Fani Willis - công tố viên trưởng của quận Fulton, bang Georgia - cho biết: "Các cáo buộc rất nghiêm trọng. Nếu bị truy tố và kết án, người phạm tội sẽ phải đối mặt án tù”.

Các chuyên gia cho biết Bộ Tư pháp và các công tố viên không bắt buộc phải điều chỉnh hồ sơ khi ông Trump tuyên bố tham gia tranh cử. Tuy nhiên, hành động này của ông Trump có thể khiến các cuộc điều tra này mang yếu tố chính trị nhiều hơn.

Theo đài ABC News, một khi ông Trump khởi động chiến dịch tranh cử của mình, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland có thể bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt để đảm bảo các cuộc điều tra này sẽ không bị ảnh hưởng dù Nhà Trắng có đổi chủ.

Ông Dan Weiner, giám đốc bộ phận nghiên cứu bầu cử và chính phủ của Trung tâm Brennan, cho rằng: “Từ trước đến nay, Bộ Tư pháp có phần do dự trong việc điều tra các ứng cử viên. Tuy nhiên, việc ông Trump tranh cử không giống những ứng viên khác vì ông ấy là một cựu quan chức và có nhiều yếu tố khác ở đây. Tôi nghĩ điều đó khiến việc điều tra ông Trump trở nên phức tạp hơn, nhưng chắc chắn không có trở ngại pháp lý nào".

Rào cản của ông Trump sau tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ - 3

Một phiên làm việc của Ủy ban điều tra Hạ viện về vụ bạo loạn tại Điện Capitol. Ảnh: REUTERS Bất tín nhiệm

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới, ông Trump không chỉ gặp khó khăn từ những hồ sơ pháp lý của mình mà còn từ những người vốn từng là đồng minh của cựu Tổng thống Mỹ.

Ngày 16-11, người sáng lập công ty Blackstone Stephen Schwarzman - một trong những nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa - cho biết ông sẽ không ủng hộ ông Trump trong cuộc đua giành ghế tổng thống Mỹ sắp tới.

“Nước Mỹ làm tốt hơn khi các nhà lãnh đạo là những người bước ra từ hiện tại và tương lai, chứ không phải từ hiện tại và quá khứ. Đã đến lúc đảng Cộng hòa tìm đến một thế hệ lãnh đạo mới và tôi dự định ủng hộ một trong số họ trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống” - ông Schwarzman nói.

Trước đó, ông Ken Griffin - tỷ phú sáng lập tập đoàn Citadel - đã công khai ủng hộ Thống đốc Florida Ron DeSantis đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống vào năm 2024. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Griffin đã gọi cựu Tổng thống Trump là "kẻ ba lần thất bại", theo tờ Financial Times.

Ngoài ra, phát ngôn viên của tỷ phú Ronald Lauder cũng cho biết ông Lauder sẽ không ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử.

Cả ông Griffin và ông Lauder đều là những nhà tài trợ kỳ cựu của đảng Cộng hòa.

Không chỉ những nhà tài trợ, những thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa cũng không mấy mặn mà với chiến dịch tái tranh cử của cựu tổng thống.

Trong cuộc phỏng vấn quảng cáo cuốn sách mới xuất bản của mình hồi giữa tháng 11, dù không đề cập trực tiếp, cựu Phó Tổng thống Mike Pence tiết lộ ông sẽ không ủng hộ ông Trump trong đợt bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, theo tờ The New York Times.

Theo tờ The Hill, phần lớn nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng đang hoài nghi về khả năng giành chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Dù ca ngợi bài phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử của ông Trump và cho rằng ông là một đối thủ “khó bị đánh bại”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham - một đồng minh thân cận của ông Trump - cũng không tán thành việc ông Trump ra ứng cử.

Thẳng thắn hơn, Thượng nghị sĩ Mitt Romney cho biết gần như toàn bộ thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện không muốn ông Trump công bố chiến dịch tranh cử của mình. Ông cho rằng việc ông Trump tuyên bố tranh cử vào ngày 15-11 có thể ảnh hưởng kết quả bầu cử giữa kỳ vòng hai ở bang Georgia.

“Trong cuộc họp, một thượng nghị sĩ đã hỏi: 'Có bao nhiêu người trong phòng này muốn thấy cựu Tổng thống Trump tuyên bố tranh cử tổng thống trong hôm nay?'. Không ai giơ tay cả", ông Romney kể về cuộc họp của đảng Cộng hòa hôm 15-11.

Rào cản của ông Trump sau tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ - 4

Dù không khẳng định trực tiếp, cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (phải) tiết lộ ông không ủng hộ ông Trump tái tranh cử tổng thống Mỹ. Ảnh: REUTERS

Dù vậy, ông Trump vẫn nhận được sự tín nhiệm từ một bộ phận đảng viên đảng Cộng hòa. Sau khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử, Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville cho biết ông sẽ ủng hộ cựu tổng thống và ca ngợi những thành tựu của ông Trump khi còn đương nhiệm.

Tuy nhiên, ông Tuberville cũng thừa nhận rằng cựu Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt một cuộc đua khó khăn.

“Tôi ủng hộ các chính sách của ông Trump. Tất cả chúng ta đều hiểu đôi khi những lời hoa mỹ đằng sau các chính sách này khiến mọi người hoài nghi nhưng tôi từng là một huấn luyện viên bóng đá, tôi hiểu tất cả điều đó. Đôi khi bạn phải đứng lên vì những gì bạn tin tưởng” - ông nói.

Thượng nghị sĩ Tuberville cho biết lợi thế lớn nhất của ông Trump so với ông DeSantis là kinh nghiệm trong vai trò tổng tư lệnh và từng quản lý nền kinh tế Mỹ. Ông cũng nhắc lại rằng vào thời điểm ông Trump nắm quyền, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3,6% trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ.

Ngày 25-11, tỷ phú Elon Musk cho biết ông sẽ ủng hộ Thống đốc bang Florida Ron DeSantis nếu nhân vật này tranh cử tổng thống Mỹ, theo hãng tin Reuters. Cụ thể, trong một bài đăng trên Twitter, ông Musk viết: “Ưu tiên của tôi cho nhiệm kỳ tổng thống năm 2024 là một người nhạy cảm và trung dung. Tôi đã hy vọng điều đó ở chính quyền ông Biden, nhưng cho đến nay tôi vẫn thất vọng”. Khi được một người dùng Twitter hỏi có ủng hộ ông DeSantis tranh cử tổng thống hay không, vị tỉ phú công nghệ đã trả lời: “Có”.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiến dịch tranh cử của ông Trump gặp sóng gió vì ”bữa tối thảm họa”

Nhà Trắng ngày 28-11 chỉ trích quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump về việc mời một số nhân vật gây tranh cãi đến dùng bữa tối tại khu nghỉ dưỡng của ông ở bang...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN