Rạn nứt bên trong nội các chiến tranh Israel

Các thành viên nội các chiến tranh Israel có nhiều bất đồng về vấn đề cuộc chiến với Hamas, thỏa thuận thả con tin, quản lý Gaza hậu xung đột.

Sáu tháng sau khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra, người dân Israel bị chia rẽ sâu sắc về cách giới cầm quyền nước này điều hành cuộc chiến ở Dải Gaza. Sự chia rẽ này xuất hiện ngay bên trong nội các chiến tranh Israel – cơ quan hoạch định chiến lược thời chiến của nước này, theo tờ The Wall Street Journal.

Bất đồng dai dẳng từ lâu

Những bất đồng và tranh cãi kéo dài về cách chống lại Hamas đã làm xấu đi mối quan hệ giữa 3 nhân vật cấp cao trong nội các chiến tranh Israel, gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và lãnh đạo đảng đối lập Xanh và Trắng (Blue and White) – ông Benny Gantz.

Quá khứ cho thấy cả 3 người trong nội các chiến tranh Israel có quan hệ không tốt với nhau từ trước.

Ông Gantz đã tranh cử đối đầu với ông Netanyahu trong 5 cuộc bầu cử. Năm 2023, ông Netanyahu đã tìm cách sa thải ông Gallant, sau khi nghe tin ông Gallant nói với những người thân cận rằng các chính sách về Gaza trước đây của ông Netanyahu đã thất bại.

Về mối quan hệ giữa ông Gantz và ông Gallant, họ hầu như không nói chuyện với nhau trong hơn một thập niên, trước khi cùng nhau tham gia nội các chiến tranh Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (ngồi), Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo đối lập Benny Gantz. Ảnh: JNS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (ngồi), Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo đối lập Benny Gantz. Ảnh: JNS

Những bất đồng lớn nhất giữa 3 người gồm làm thế nào để phát động một cuộc tấn công quân sự mang tính quyết định vào Hamas, làm sao để cứu các con tin, và quản lý Dải Gaza thời hậu chiến thế nào.

Quan điểm khác nhau về cuộc chiến tại Gaza

Theo The Wall Street Journal, những diễn biến gần đây cho thấy ông Netanyahu dường như muốn tự mình chỉ đạo cuộc chiến ở Gaza. Trong khi đó, ông Gallant và ông Gantz được cho là đang cố gắng loại ông Netanyahu khỏi quá trình ra quyết định.

Ông Gantz trước đây đã bày tỏ mong muốn phế truất ông Netanyahu khỏi cương vị thủ tướng. Đầu tháng 4, ông đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào tháng 9, trong bối cảnh hàng chục ngàn người biểu tình phản đối cách xử lý của ông Netanyahu đối với cuộc chiến ở Gaza.

Ông Gallant (thứ hai, từ trái sang) rời Bộ Ngoại giao Mỹ sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 3. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Ông Gallant (thứ hai, từ trái sang) rời Bộ Ngoại giao Mỹ sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 3. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Vào ngày 8-4, ông Netanyahu cho biết ông đã ấn định ngày tiến vào TP Rafah – thành trì cuối cùng của Hamas ở nam Gaza và là nơi có hơn một triệu người dân Gaza đang trú ẩn. Tuy nhiên, The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin cho biết ông Gallant đã phản đối kế hoạch này.

Các nguồn tin này cho biết do Mỹ đã cảnh báo Israel không nên tiến hành chiến dịch đổ bộ Rafah, nên ông Gallant lo ngại cuộc tấn công có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa Israel với Mỹ và khiến Israel có thể mất đi sự hỗ trợ tài chính, quân sự của Mỹ.

Các thành viên trong nội các chiến tranh cũng có quan điểm khác nhau về Gaza thời hậu chiến. Ông Netanyahu cho rằng Chính quyền Palestine ở Bờ Tây không nên quản lý Gaza và dự kiến cho phép quân đội Israel làm việc với các nhà lãnh đạo địa phương ở Gaza để quản lý dải đất này. Nhiều người cho rằng kế hoạch của ông Netanyahu là chiếm đóng Gaza, song ông Netanyahu bác bỏ quan điểm này.

Về phía Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông này coi những người Palestine có liên hệ Chính quyền Palestine ở Bờ Tây là lựa chọn tốt nhất để quản lý Gaza thời hậu chiến. Những người thân cận với ông Gallant cho biết ông đã nói với mọi người trong các cuộc họp rằng ông thà chấp nhận sự hỗn loạn ở Gaza hơn là để binh lính Israel quản lý khu vực này.

Cuối tháng 3, ông Netanyahu đã hủy chuyến đi của các trợ lý hàng đầu của ông tới Mỹ, để phản đối việc Mỹ không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Gaza. Tuy nhiên, sau đó, ông Gallant vẫn thực hiện chuyến thăm Mỹ.

Ông Gantz (ngồi, bên trái) nói chuyện với ông Gallant (đứng) trong cuộc họp quốc hội Israel hồi tháng 7-2023. Ảnh: REUTERS

Ông Gantz (ngồi, bên trái) nói chuyện với ông Gallant (đứng) trong cuộc họp quốc hội Israel hồi tháng 7-2023. Ảnh: REUTERS

Trước đó, ông Gantz cũng đến thăm Mỹ, bất chấp sự phản đối của ông Netanyahu. Chính quyền ông Biden công khai tiếp đón ông Gantz, đồng thời tỏ ra thất vọng với cách hành xử của ông Netanyahu.

Ba người trong nội các chiến tranh Israel cũng không đồng thuận về cách giải cứu các con tin bị Hamas bắt. Ông Gantz ủng hộ một thỏa thuận với Hamas để thả con tin, cho rằng mạng sống của họ đang gặp nguy hiểm. Trong khi đó, ông Netanyahu và ông Gallant nhấn mạnh rằng chỉ có áp lực quân sự cùng với các cuộc đàm phán mới dẫn đến việc Hamas trả tự do cho các con tin.

Theo một số quan chức Israel, ông Netanyahu đã giấu ông Gallant và ông Gantz về nhiều quyết định quan trọng. Một số quan chức Israel cho biết ông Netanyahu đã cân nhắc bổ nhiệm một quan chức phụ trách viện trợ nhân đạo. Người này sẽ báo cáo trực tiếp với Văn phòng Thủ tướng Israel và không thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng về việc kiểm soát vật tư đi vào Gaza.

Bất đồng thêm nới rộng

Giờ đây, các lãnh đạo này cũng đối mặt với một mặt trận quan trọng, là ứng xử đúng mức sau cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel. Vấn đề này làm bất đồng giữa 3 người thêm nới rộng.

Kể từ cuộc tấn công của Iran khuya 13-4, 3 thành viên nội các chiến tranh Israel đã họp với nhau mỗi ngày. Chuyện ứng xử với Iran không dễ dàng. Nội các chiến tranh đứng trước áp lực phải thiết kế đáp trả sao cho vừa đáp ứng mục tiêu ngăn chặn Iran, tránh gây nên xung đột khu vực và không làm mất lòng Mỹ và các quốc gia Ả Rập.

Ông Raz Zimmt, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, đã rấy lo ngại: “Nguy cơ tính toán sai lầm là khá cao. Chúng tôi đang ở đoạn đầu của một giai đoạn rất nguy hiểm trong cuộc xung đột Iran-Israel”.

Diễn biến cuộc tấn công "chừng mực" nhằm vào Iran sáng 19-4 mà Tehran cho Israel gây ra được đánh giá là phản ứng kiềm chế thống nhất sau nhiều ngày họp của nội các chiến tranh Israel.

Sự thống nhất này không phải dễ đạt được khi trong 3 thành viên chủ chốt của nội các chiến tranh Israel có một thành viên có quan điểm chủ chiến, là ông Gallant. Khi vừa xảy ra cuộc tấn công của Iran vào Israel, ông Gallant đã chủ trương tấn công phủ đầu vào nhóm vũ trang Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, nhưng cũng mong có thể hợp tác với Mỹ trong quá trình này.

Tác động đến nội các chiến tranh Israel

Ông Giora Eiland, cựu cố vấn an ninh quốc gia Isarel nhận định rằng "sự thiếu tin tưởng giữa 3 người này là quá rõ ràng và khá lớn”. Rõ ràng sự bất đồng giữa 3 nhân vật cấp cao trong nội các chiến tranh Israel sẽ có tác động đến việc ra quyết định liên quan an ninh Israel.

Nhận định về thế khó của ông Netanyahu, ông Amir Avivi, người sáng lập nhóm nghiên cứu Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Israel cho rằng: “Thủ tướng rất khó có thể bắt quân đội làm những gì ông ấy muốn nếu bộ trưởng quốc phòng không hợp tác với ông ấy. Sự thiếu liên kết này đang khiến mọi việc đối với ông Netanyahu trở nên vô cùng khó khăn”.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 20/4 đã phản ứng trước khả năng Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm vào một đơn vị quân đội của Israel.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN