Rắn hổ đột biến to gấp đôi bình thường thống trị hòn đảo Úc

Một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển bang Tasmania, Úc, đã bị những con rắn hổ "đột biến" xâm chiếm. Đặc biệt, loài rắn độc này chỉ ăn “một bữa lớn” cho cả năm. 

Rắn hổ là loài gây ra số vụ rắn cắn nhiều thứ 2 ở Úc. Ảnh: ABC News

Rắn hổ là loài gây ra số vụ rắn cắn nhiều thứ 2 ở Úc. Ảnh: ABC News

Đảo Hummocky là nơi trú ngụ của của loài rắn hổ lớn và độc nhất ở Úc. Những con rắn hổ ở đây được xem là "đột biến" vì kích thước của chúng lớn gấp đôi so với đồng loại ở đất liền Úc.

Rắn hổ được tìm thấy trên khắp đảo Hummocky và nhiều nhất ở dải đất dài 200 mét có tên gọi "Snake Alley" (Hẻm Rắn). 

Các truyền thuyết về rắn hổ trên đảo kể rằng đây là loài có kích thước lớn đáng kinh ngạc, sở hữu nọc độc chết người. Nhà bò sát học Simon Fearn, thành viên nhóm Khoa học Tự nhiên tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Nữ hoàng Victoria (Úc), cho biết, rắn hổ đảo Hummocky có thể không lớn như truyền thuyết nhưng chúng dài, nặng và có phần đầu to hơn đồng loại trên đất liền ở Úc. 

"Số lượng lớn quần thể rắn hổ mắc cạn trên đảo khi nước biển dâng cao", ông Fearn cho hay. "Với các đảo nhỏ như Hummocky, nguồn thức ăn của rắn hổ bị ảnh hưởng lớn". 

Chim hải âu đuôi ngắn là "món khoái khẩu" của rắn hổ đảo Hummocky nhưng con mồi này chỉ vừa miệng rắn khi dưới 6 tuần tuổi. 

"Có khoảng 20.000 con rắn hổ con được sinh ra mỗi năm trên đảo Hummocky. Chỉ dưới 1% có thể sống sót đến khi trưởng thành", ông Fearn cho biết. "Chỉ những con rắn lớn nhất, phát triển nhanh nhất mới có thể tận dụng được nguồn chim non". 

Nhờ sự sống sót của những con khỏe nhất, rắn hổ đảo Hummocky đã tiến hóa qua hàng nghìn năm để có phần đầu lớn hơn. 

Đảo Hummocky. Ảnh: ABC News

Đảo Hummocky. Ảnh: ABC News

Những con rắn hổ nặng nhất vào tháng 2 hàng năm, thời điểm mà chúng ngấu nghiến những con chim hải âu dưới 6 tuần tuổi. Sau đó, chúng giảm dần về trọng lượng cũng như các hoạt động cho tới mùa chim hải âu tiếp theo. 

Không thể ăn những con chim hải âu trên 6 tuần tuổi, rắn hổ vẫn tận dụng chúng làm nguồn cấp nhiệt trong mùa đông. Những con rắn sẽ quấn quanh lũ chim trong tổ để giữ ấm. 

"Trong thời gian còn lại của năm, rắn hổ duy trì hoạt động nhờ đốt cháy chất béo dự trữ. Chim hải âu đuôi ngắn là nguồn thức ăn duy nhất của rắn hổ đảo Hummocky", ông Fearn cho biết.  

Rắn hổ đột biến to gấp đôi bình thường thống trị hòn đảo Úc - 3

Rắn hổ đảo Hummocky có phần đầu lớn hơn so với đồng loại ở đất liền Úc. Ảnh: Wikipedia Commons

Rắn hổ đảo Hummocky có phần đầu lớn hơn so với đồng loại ở đất liền Úc. Ảnh: Wikipedia Commons

Rắn hổ đảo Hummocky còn được biết đến là loài có nọc độc mạnh nhất trong tất cả các loài rắn hổ đen và xếp thứ 10 trong những loài rắn độc nhất thế giới. Theo Daily Mail, lượng nọc độc trung bình của một con rắn hổ đảo Hummocky là 74 mg, nhiều hơn gấp đôi so với lượng nọc trung bình của đồng loại ở đất liền Úc. 

Rắn hổ là loài gây ra số vụ rắn cắn nhiều thứ 2 ở Úc. Nếu không được cấp cứu kịp thời, vết cắn có thể gây tử vong vì nọc độc nhanh chóng lan trong máu và ảnh hưởng tới hệ thần kinh. 

"Mọi người hay nhầm lẫn giữa độc tính (độ mạnh của nọc độc) và lượng nọc", ông Fearn nói. "Rắn hổ đảo Hummocky là một trong những loài rắn hổ ít nọc độc nhất nhưng vì chúng quá lớn và có phần đầu to nên khi cắn tiết ra nhiều nọc hơn". 

Fearn từng bị rắn hổ đảo Hummocky cắn vào năm 1991. Vết cắn bị hoại tử, để lại sẹo lớn trên tay của nhà bò sát học. Tuy nhiên, vết rắn cắn không phải là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong chuyến đi tới hòn đảo năm đó. 

Một cơn mưa rào tới vào thời điểm khô hạn nhất đã giúp ông Fearn chứng kiến một điều thú vị.  

"Hòn đảo khô cằn và một trận mưa rào 10-15 phút chỉ đủ để làm ướt cỏ. Nhưng hàng nghìn con rắn hổ sau đó đã bò lên mặt đất và uống nước mưa. Đó là một trong những cảnh khó tin nhất mà tôi từng được chứng kiến trong đời", ông Fearn chia sẻ. 

Nguồn: [Link nguồn]

Tự tin miễn nhiễm với nọc độc, ”người rắn” Philippines ”hôn” hổ mang chúa và cái kết thảm

"Nụ hôn" của hổ mang chúa khiến người đàn ông hét lên đau đớn rồi gục xuống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BẰNG LÂU - TỔNG HỢP ([Tên nguồn])
Thế giới động vật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN