Quốc gia duy nhất không có quân đội trong NATO, vì sao vẫn được gia nhập?

Việc Iceland gia nhập NATO là quyết định gây nhiều bất ngờ và tranh cãi. Đây là quốc gia duy nhất không có quân đội trong khối quân sự lớn nhất này. Tuy nhiên, sự có mặt của Iceland mang ý nghĩa chiến lược đối với NATO, đặc biệt là Mỹ, Anh và Canada.

Vị trí chiến lược của Iceland ở Bắc Đại Tây Dương (ảnh: DW)

Vị trí chiến lược của Iceland ở Bắc Đại Tây Dương (ảnh: DW)

Iceland là quốc gia duy nhất của NATO không có quân đội nhưng lại là một trong những thành viên sáng lập khối. Người dân Iceland từ lâu đã tự hào về truyền thống ưa chuộng hòa bình của mình. Bằng chứng là năm 1944, nước này đã tuyên bố tách khỏi Đan Mạch (lúc này Đức Quốc xã đang tìm cách xây dựng chính quyền thân phát xít ở Đan Mạch), theo Reuters.

Quyết định gia nhập NATO năm 1949 của Iceland gây nhiều tranh cãi. Trong suốt giai đoạn Iceland gia nhập NATO đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (1949 – 1991), dư luận nước này liên tục đặt câu hỏi về việc có nên rút khỏi NATO để tránh vướng vào xung đột giữa các cường quốc hay không.

Iceland không có quân đội thường trực. Lý do lớn nhất cho vấn đề này là dân số Iceland quá ít để thành lập một lực lượng riêng, cùng với chi phí đắt đó. Để bảo vệ bờ biển, Iceland xây dựng lực lượng bờ biển được trang bị vũ khí nhỏ, pháo hải quân và radar. Ngoài ra, Iceland cũng có một đơn vị cảnh sát.

Theo Euro News, toàn bộ lực lượng phòng thủ bờ biển của Iceland có khoảng 130 người, 3 tàu tuần tra, 1 máy bay và 3 trực thăng. Năm 2015, Iceland đã cử 2 cảnh sát tham gia chương trình Hỗ trợ Kiên quyết của NATO ở Afghanistan.

Iceland có thỏa thuận quân sự với tất cả các quốc gia thành viên NATO. Các nước này có nghĩa vụ bảo vệ Iceland nếu có bất ổn an ninh xảy ra. Đây là một trong những lý do chính khiến đảo quốc này gia nhập NATO.

Việc gia nhập NATO khiến nội bộ Iceland bị chia rẽ nghiêm trọng. Đây là quốc gia duy nhất để xảy ra bạo loạn ở thủ đô vào ngày Quốc hội tổ chức bỏ phiếu quyết định cho gia nhập NATO hay không.

Căn cứ Mỹ ở Iceland (ảnh: NATO)

Căn cứ Mỹ ở Iceland (ảnh: NATO)

Theo History, ngày 30.3.1949, bất chấp việc đã được cảnh báo từ trước, chính phủ Iceland vẫn không thể ngăn cuộc biểu tình biến thành bạo loạn ở thủ đô. Khi có thông tin Quốc hội Iceland dành đa số phiếu ủng hộ gia nhập NATO, bạo loạn đã nổ ra bên ngoài đường phố. Những người biểu tình chống NATO ném đá, trứng và cà chua vào trụ sở Quốc hội Iceland. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Tuy nhiên, bạo loạn vẫn tiếp diễn vài tiếng đồng hồ, ngay cả khi cuộc bỏ phiếu đã kết thúc.

Iceland nằm phía bắc Đại Tây Dương, gần kề phía nam Vòng Cực Bắc. Iceland là hòn đảo rộng thứ 18 trên thế giới và rộng thứ 2 ở châu Âu, sau đảo Anh. Với vị trí trung tâm của các tuyến hàng hải quan trọng nhất nối từ Bắc Mỹ sang châu Âu, Iceland có vị trí chiến lược và là một đồng minh có giá trị được đánh giá cao của NATO, mặc dù không có quân đội, DW nhận định.

“Bất cứ ai kiểm soát được Iceland, đều có thể chĩa súng vào Mỹ, Canada và Anh”, Karl Haushofer – chuyên gia khoa học chính trị Đức – nhận xét.

Dựa trên thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, Iceland cung cấp cơ sở vật chất và lãnh thổ để NATO xây dựng căn cứ quân sự. Keflavik – căn cứ quân sự của NATO trên đất Iceland – là nơi quân đội Mỹ thường xuyên đóng quân. Quân đội các nước Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy cũng thường xuyên hiện diện ở căn cứ này.

Cựu Thủ tướng Iceland Bjarni Benediktsson – người tích cực thúc đẩy Iceland gia nhập NATO (ảnh: NATO)

Cựu Thủ tướng Iceland Bjarni Benediktsson – người tích cực thúc đẩy Iceland gia nhập NATO (ảnh: NATO)

Sau khi mời gọi được Iceland gia nhập NATO, Mỹ, Anh, Canada và nhiều nước Bắc Âu đã có thể tự tin đối phó với bất cứ mối nguy nào từ khu vực Bắc Đại Tây Dương, theo DW.

Sự có mặt của Iceland trong NATO là một trong những ví dụ điển hình về những mâu thuẫn nội bộ khi một quốc gia quyết định trở thành thành viên của khối. Ngay cả khi Iceland đã gia nhập NATO, vẫn còn nhiều ý kiến trong nước cho rằng nước này nên rút khỏi khối.

Một bộ phận chính trị gia và người dân Iceland cho rằng, sự hiện diện của quân đội nước ngoài sẽ làm loãng ngôn ngữ, văn hóa của đảo quốc. Là một quốc gia non trẻ, Iceland không muốn trở thành đối thủ với các quốc gia khác trên giới bằng việc có mặt trong NATO.

Năm 1974, chính phủ Iceland từng tuyên bố ý định đóng cửa căn cứ Keflavik và yêu cầu lính Mỹ rời khỏi nước này. Quyết định này sau đó bị hoãn lại sau khi Washington cam kết hạn chế nghiêm ngặt sự tương tác của binh sĩ ở Keflavik với người dân Iceland. Thêm vào đó, chính phủ Iceland cũng nhận được một bản kiến nghị có chữ ký từ hơn 55.000 người dân (thuộc nhóm ủng hộ NATO), đề nghị cho phép Keflavik tiếp tục hoạt động, theo trang web chính thức của NATO.

Nếu không có Bjarni Benediktsson, Iceland có thể đã không bao giờ gia nhập NATO. Ông là Ngoại trưởng Iceland (1947-1953) trong thời gian nước này chuẩn bị, gia nhập NATO và là Thủ tướng Iceland (1963-1970) khi đảo quốc cần củng cố mối quan hệ với liên minh.

Tàu tuần tra Iceland (ảnh: Reuters)

Tàu tuần tra Iceland (ảnh: Reuters)

Hầu hết người dân Iceland cho rằng, sau Thế chiến II, nước này sẽ trở lại trạng thái trung lập truyền thống. Tuy nhiên, Benediktsson cho rằng, với vị trí chiến lược ở Bắc Đại Tây Dương, Iceland sẽ không tránh khỏi việc chọn phe giữa các cường quốc. Theo ông Benediktsson, một thỏa thuận quân sự có hiệu lực vĩnh viễn với Mỹ sẽ đem lại lợi ích cho Iceland.

“Iceland không thành lập quân đội kể từ những ngày tổ tiên Viking đặt chân đến vùng đất này. Tuy nhiên, đất nước của chúng tôi, trong một số hoàn cảnh nhất định, sẽ có ý nghĩa sống còn đối với an ninh của toàn bộ khu vực Bắc Đại Tây Dương”, ông Benediktsson phát biểu tại lễ ký Hiệp ước thành lập NATO ngày 4.4.1949.

Mặc dù không có quân đội, nhưng Iceland không ngần ngại giao tranh với nước khác nếu những lợi ích quan trọng bị xâm phạm. Từ năm 1958 - 1975, nước này liên tục xảy ra đụng độ với Anh (quốc gia thành viên NATO có vùng biển chung với Iceland). Xung đột Iceland – Anh đã gây ra nhiều tai tiếng cho NATO. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất NATO để 2 thành viên trong khối giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng vũ khí nóng.

____________

Xung đột giữa Anh và Iceland khiến các thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ hết sức "đau đầu". Vì sao một đảo quốc nhỏ bé, không có quân đội như Iceland lại dám đương đầu với một cường quốc quân sự như Anh? Mời bạn đọc tìm hiểu về chuyện này trong bài kỳ sau, xuất bản 19 giờ ngày 9.6.2022 trên mục Thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhượng bộ để gia nhập NATO, quốc gia châu Âu phải đổi cả danh tính

Để gia nhập NATO, một quốc gia có nguyện vọng phải nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong khối. Điều này dẫn đến trường hợp “dở khóc dở cười” khi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN