Quái thú khổng lồ sống ở rừng rậm Amazon, sở hữu bộ móng vuốt cực kỳ nguy hiểm

Nhiều thế hệ thổ dân Amazon vẫn thường truyền tai nhau về một loài quái vật đi bằng hai chân như người, thân thể phủ đầy lông lá, sống trong những cánh rừng rậm Nam Mỹ.

Lười đất cướp mồi của đàn hổ răng kiếm.

Loài sinh vật bí ẩn này được gọi là mapinguari. Khi di chuyển, chúng bò bằng bốn chân. Mapinguari được cho là có lông màu đỏ nhạt, móng vuốt dài cuộn vào bên trong. Các miệng của nó đủ lớn để ăn bất cứ sinh vật nào nó gặp.

Chúng được cho là thường lang thang trong rừng rậm Nam Mỹ, xé nát cây cối trong khi đi tìm thức ăn, Những tin đồn về mapinguary nhiều đến mức các nhà khoa học từng đổ xô đến rừng rậm Amazon để tìm kiếm manh mối.

Một trong số đó là Tiến sĩ David Oren, nhà sinh vật học người Mỹ gốc Brazil, cựu giám đốc Viện Goeldi. Ông Oren từng dẫn một nhóm thám hiểm vào rừng rậm để tìm kiếm bằng chứng cho những câu chuyện về mapinguari.

Kết thúc cuộc tìm kiếm, tiến sĩ nói ông không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy mapinguari là một loài sinh vật còn tồn tại. “Tôi nghĩ rằng truyền thuyết về mapinguari bắt nguồn từ lần cuối cùng con người tiếp xúc với loài sinh vật khổng lồ đó. Những sinh vật được coi là tuyệt chủng vẫn có thể sống sót sau hàng trăm năm, nhưng mapinguari thì tôi không chắc”, ông Oren nói trên New York Times.

Quái thú khổng lồ có thật

Con người cổ đại có thể đã từng chạm trán quái thú megatherium.

Con người cổ đại có thể đã từng chạm trán quái thú megatherium.

Các nhà khảo cổ từng tìm thấy hóa thạch có niên đại cách đây 11.000 năm về megatherium, một trong những loài động vật có vú lớn nhất trên Trái đất. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện những người đầu tiên sống trong hang động, hàng ngày đi săn bắn và hái lượm.

Rất có thể mapinguari là sinh vật giả tưởng do người xưa kể lại về những lần chạm trán megatherium. Thậm chí, các nhà khảo cổ cho rằng, sự trỗi dậy của con người là nguyên nhân những sinh vật to lớn như megatherium tuyệt chủng.

Tồn tại ở Bắc và Nam Mỹ từ 2,6 triệu năm trước cho đến 10.000 năm trước, megatherium có hình dạng giống như con lười ngày nay, nhưng lại to lớn khổng lồ như voi.

Khi đứng bằng hai chân, chúng cao tới 6 mét và có trọng lượng cơ thể lên tới 5 tấn. Kích thước to lớn và khả năng đứng bằng hai chân cho phép megatherium có thể dễ dàng kiếm được thức ăn trên cây mà một số loài động vật ăn cỏ khác không thể với tới.

Chiếc đuôi lớn cứng cáp cũng là một trong những bộ phận quan trọng giúp megatherium cân bằng cơ thể khi đứng. Nhờ kích thước khổng lồ, megatherium gần như không có đối thủ trong tự nhiên.

Nhưng chúng cũng là loài sinh vật khá hiền lành, thường chỉ ăn lá cây. Nếu không gặp phải kẻ thù có ý định xấu, loài động vật này sẽ không ra tay.

Bộ vuốt sắc và dài của megatherium như những con dao găm cực kỳ nguy hiểm. Chỉ một cú vả của loài sinh vật khổng lồ này cũng đủ để gây trọng thương cho kẻ thù.

Lười đất khổng lồ tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm.

Lười đất khổng lồ tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm.

Ngày nay, vẫn còn nhiều người bản địa Amazon tin rằng megatherium vẫn còn tồn tại. Lucas Karitiana, một thành viên của bộ tộc Karitiana ở Brazil khẳng định con trai ông đã nhìn thấy loài sinh vật khổng lồ này và may mắn trốn thoát. Chúng to lớn và khoẻ đến mức dễ dàng quật nát những cây cối xung quanh.

Không chỉ biết ăn thực vật

Năm 1796, Đại tá John Stuart gửi tới Thomas Jefferson, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, một vài mẫu xương hóa thạch, bao gồm cả một bộ móng vuốt lớn, theo National Geographic.

Các hóa thạch này được tìm thấy trong hang động ở West Virginia. Jefferson mô tả những mảnh xương này cho thấy một sinh vật ăn thịt lớn hơn cả sư tử.

“Tôi có thể gọi nó với tên Móng vuốt Vĩ đại, hoặc đơn giản hơn là megalonyx”, Jefferson nói, theo National Geographic.

Đến khi có một cuộc trưng bày hóa thạch lười đất khổng lồ ở Madrid, Tây Ban Nha, Jefferson nhận ra rằng sinh vật mình từng phát hiện không phải là họ mèo, mà thuộc về lười đất.

Gần 200 năm sau mô tả của Jefferson, hai nhà khoa học Richard Farina and Ernesto Blanco công bố nghiên cứu cho rằng lười đất megatherium cũng biết ăn thịt.

Hổ răng kiếm thời tiền sử.

Hổ răng kiếm thời tiền sử.

Nghiên cứu của Farina và Blanco tập trung vào cách megatherium sử dụng cánh tay. Sinh vật khổng lồ này không chỉ biết dùng cánh tay để kéo cành cây xuống ăn lá.

Sau khi tái hiện phần cánh tay, hai nhà khoa học phát hiện cánh tay của megatherium phù hợp để đâm hoặc chém hơn là dùng sức mạnh bẻ cành cây.

Nghiên cứu kết luận rằng megatherium rất biết cách dùng cánh tay và móng vuốt để đâm hoặc vả kẻ thù.

Chúng biết dùng tay chiến đấu với những đồng loại khác để tranh giành lãnh thổ, biết lật loài thú có mai (glyptodont) để ăn lấy phần dinh dưỡng và biết dùng móng vuốt rạch lấy thịt từ xác những con vật đang phân hủy.

Farina và Blanco đồng tình rằng megatherium không phải là kẻ săn mồi đáng gờm, mà giống kẻ săn mồi cơ hội.

Trong môi trường khan hiếm thực vật, megatherium chuyển sang ăn thịt. Chúng biết tận dụng kích thước khổng lồ, móng vuốt sắc nhọn để cướp mồi của những loài thú ăn thịt, ví dụ như hổ răng kiếm.

“Hổ răng kiếm là loài thú săn mồi tiền sử khét tiếng. Nhưng vì có trọng lượng chỉ khoảng 400kg, nếu megatherium muốn cướp mồi, hổ răng kiếm chỉ còn biết chấp nhận”.

Nguồn: [Link nguồn]

Quái vật đại dương khổng lồ nặng 40 tấn, đối thủ đáng gờm nhất của siêu cá mập Megalodon

Liopleurodon là quái vật biển khổng lồ sống đơn độc, ẩn mình dưới dòng nước, lao đến tấn công con mồi với vận tốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thế giới động vật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN