Phương Tây chia rẽ trên mặt trận đối đầu Nga ở Ukraine

Mỹ và phương Tây ngày càng chia rẽ về việc có nên tiếp tục cung cấp cho Ukraine các vũ khí mạnh mẽ hơn để đối phó Nga hay không, trong bối cảnh xung đột đã kéo dài 100 ngày và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Đức và Pháp là hai quốc gia bị chỉ trích nhiều nhất vì hỗ trợ quân sự cho Ukraine chưa tương xứng với tiềm lực.

Đức và Pháp là hai quốc gia bị chỉ trích nhiều nhất vì hỗ trợ quân sự cho Ukraine chưa tương xứng với tiềm lực.

Theo báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ), phương Tây chia rẽ làm hai nhóm, một bên là các nước Tây Âu như Pháp, Đức còn bên kia là Mỹ, Anh và các nước Trung, Bắc Âu.

Phe Tây Âu dẫn đầu là Pháp và Đức, đang ngày càng tỏ ra miễn cưỡng trong việc cung cấp cho Ukraine các vũ khí tấn công tầm xa mà Kiev tuyên bố là cần thiết để giành lại những phần lãnh thổ từ tay lực lượng Nga.

Pháp và Đức cho rằng, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine, Nga không tạo ra mối đe dọa trực tiếp với liên minh NATO.

Ở phía bên kia, Mỹ, Anh và một số quốc gia Trung, Bắc Âu coi chiến dịch quân sự của Nga là dấu hiệu cho thấy Moscow muốn mở rộng ảnh hưởng. Các nước này tin rằng Ukraine là mặt trận chính trong cuộc đối đầu lớn hơn giữa phương Tây với Nga.

Sự chia rẽ giữa hai nhóm trên càng trở nên rõ ràng khi quân đội Ukraine liên tục bị đẩy lùi ở vùng Donbass, cũng như tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) bàn về xung đột ở Ukraine diễn ra tuần qua,

EU vẫn đạt được sự đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, nhưng trong vấn đề xung đột và cơ hội giành chiến thắng của Ukraine, các bên đang có bất đồng sâu sắc.

Ngoài Mỹ, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đang tích cực hỗ trợ Ukraine.

Ngoài Mỹ, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đang tích cực hỗ trợ Ukraine.

Pháp và Đức bày tỏ sự hoài nghi về khả năng Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi lãnh thổ. Berlin và Paris đã kêu gọi Kiev chấp nhận đàm phán để tiến tới một lệnh ngừng bắn.

Đề xuất này đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Kiev. Giới chức Ukraine cho rằng, Pháp và Đức đang thúc ép Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình tạm thời.

Một số quốc gia Tây Âu khác không muốn chứng kiến cuộc xung đột kéo dài mà Ukraine khó có thể giành chiến thắng. Xung đột kéo dài tiềm ẩn nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của châu Âu, khiến các nước châu Âu đối mặt nguy cơ suy thoái.

Trong khi đó, lãnh đạo các nước Baltic, Ba Lan cùng một số quốc gia khác cho rằng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine là nhiệm vụ tối quan trọng nhằm không chỉ giữ vững phòng tuyến, mà còn đảo ngược đà tiến công của Nga.

Với vũ khí được phương Tây cung cấp, Ukraine có thể giáng đòn quyết định, khiến Nga không thể triển khai bất kỳ chiến dịch quân sự tương tự nào trong tương lai.  

"Chiến dịch quân sự này là cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào Ukraine", Artis Pabriks, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia nói. Ông cho rằng, nếu không ngăn chặn ngay từ đầu, Nga có thể sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu.

Với vị trí địa lý gần Ukraine, các quốc gia như Ba Lan hay Latvia có lý do để lo ngại Nga hơn là các nước châu Âu ở cách xa như Đức hay Pháp.

Làn sóng người tị nạn Ukraine đổ dồn sang các nước láng giềng tạo cảm giác cuộc xung đột hoàn toàn có thể vượt khỏi biên giới Ukraine. Trong khi đó, các vấn đề với Đức, Italia hay Pháp chỉ là chi phí sinh hoạt và năng lượng của người dân tăng cao.

Diễn biến quân sự ở miền đông Ukraine đang nghiêng về hướng có lợi cho Nga.

Diễn biến quân sự ở miền đông Ukraine đang nghiêng về hướng có lợi cho Nga.

“Các nước Bắc Âu và Trung Âu ngày càng bất bình bởi sự thờ ơ của một số quốc gia Tây Âu. Điều này làm tổn hại đến sự thống nhất trong liên minh. Nga đang tự do làm điều mình muốn vì Pháp và Đức phản ứng hời hợt”, một quan chức CH Czech nói.

Lãnh đạo Pháp và Đức đến nay vẫn chưa đến thăm Kiev. Đức vẫn chưa gửi xe tăng cho Ukraine, mà mới đồng ý chuyển 7 hệ thống pháo tự hành hạng nặng. 

Ông Scholz gần đây tuyên bố Berlin sẽ chuyển cho Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T hiện đại nhất của nước này. Tuy nhiên, quân đội Đức lại nói rằng, các tổ hợp tên lửa IRIS-T không có sẵn trong kho vũ khí trong khi các công ty quốc phòng Đức chỉ sản xuất với số lượng hạn chế mỗi năm.

Pháp đã gửi cho Ukraine 12 lựu pháo, nhưng không đả động gì đến các hệ thống phòng không hay xe tăng.

Ngược lại, Ba Lan là quốc gia tích cực cung cấp vũ khí nhất cho Ukraine sau Mỹ. Ba Lan đã chuyển cho Ukraine 240 xe tăng T-72, máy bay không người lái, bệ phóng rocket, xe chiến đấu bộ binh và một cơ số đạn dược. CH Czech gửi cho Ukraine trực thăng tấn công, xe tăng, mở xưởng sửa chữa quân sự dành riêng cho Ukraine, cung cấp trang thiết bị cho các máy bay Ukraine.

"Thật đáng thất vọng khi cả chính phủ và cá nhân Thủ tướng Đức đều không dám nói về một chiến thắng cho Ukraine và có hành động tương ứng để hỗ trợ vũ khí hạng nặng hiện đại cho Ukraine", đại sứ Ukraine tại Berlin Andrij Melnyk nói, theo WSJ.

Khoảng 70% người dân Đức ủng hộ cách tiếp cận thận trọng của ông Scholz, theo một cuộc thăm dò hồi đầu tháng 5. 46% người Đức lo ngại rằng chuyển giao vũ khí hạng nặng sẽ làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Các cuộc thăm dò khác cũng cho thấy tâm lý hoài nghi tương tự ở Italia và Pháp.  

Giới chức Pháp và Đức bác bỏ cáo buộc rằng hai nước này phản ứng một cách chiếu lệ, hoặc đang buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải nhượng bộ với Nga.

Ông Macron và ông Scholz thường xuyên điện đàm với cả Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Kiev phải là bên quyết định các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Nguồn: [Link nguồn]

Trừng phạt Nga mạnh tay: Phương Tây đang tự “bắn vào chân mình”?

Moscow đang có những bước đi đúng hướng trong khi châu Âu đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tìm nhà cung cấp năng lượng thay thế Nga, các nhà phân tích nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - WSJ ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN