Ông Tập viết bài vạch trần "âm mưu đen tối" trong nội bộ

Ít ngày sau phiên họp toàn thể quan trọng, Chủ tịch Trung Quốc có bài viết đáng lưu ý nhằm vào những cán bộ "hám quyền lực và tiền tài".

Ông Tập viết bài vạch trần "âm mưu đen tối" trong nội bộ - 1

Địa vị chính trị hiện nay của ông Tập Cận Bình được cho là ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Mới đây trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã có bài xã luận đáng chú ý. Chủ tịch Trung Quốc đã công kích “âm mưu đen tối” trong nội bộ và nói rằng tham nhũng, gian lận bầu cử đã khiến sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc bị suy yếu.

Ông Tập cũng yêu cầu siết chặt hơn nữa mặt tư tưởng của cán bộ cấp cao để tránh suy thoái, biến chất.

Bài xã luận của ông Tập xuất hiện ít ngày sau phiên họp toàn thể quan trọng ở Bắc Kinh. Tại kì họp này, ông Tập Cận Bình được tôn vinh là “lãnh đạo cốt lõi” và ông cam kết sẽ cải cách “quy chuẩn đời sống chính trị”.

Kể từ năm 2012 nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc tới nay, ông Tập đã rất mạnh tay trong chiến dịch chống tham nhũng. Ít nhất 100 quan chức cấp cao đã sa lưới và phải ngồi tù. Tiêu biểu trong số này có Chu Vĩnh Khang, nguyên Bộ trưởng Công an hay Từ Tài Hậu, phó chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương.

Trên tờ Nhân dân Nhật báo đăng hai văn kiện quan trọng đạt được sau phiên họp toàn thể lần 6. Ngoài ra còn một bài bình luận của ông Tập Cận Bình.

“Một bộ phận cán bộ cấp cao bị lòng tham chính trị và quyền lực che mắt đã sử dụng những âm mưu đen tối nhằm theo đuổi lợi ích cá nhân”, ông Tập nhấn mạnh. “Chủ nghĩa gia đình trị và gian dối bầu cử vẫn còn diễn ra”.

Theo Chủ tịch Trung Quốc, “lạm quyền, tham nhũng và vi phạm kỉ luật đảng đang tràn lan”. Ông Tập cũng nhắc tới Chu Vĩnh Khang, người từng bị cáo buộc âm mưu thách thức quyền lực người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Tập viết bài vạch trần "âm mưu đen tối" trong nội bộ - 2

Ông Tập và Vương Kì Sơn, "cánh tay phải" của Chủ tịch Trung Quốc trong chiến dịch chống tham nhũng.

Ông Tập Cận Bình khẳng định hành vi của họ không chỉ gây ra vấn đề với nền kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống chính trị ở Trung Quốc.

Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” và “săn cáo” của ông Tập đã trừng phạt hơn 1 triệu cán bộ, quan chức từ bé tới lớn. Người đứng đầu chiến dịch này là Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của ông Tập trong Ban thường vụ Bộ chính trị.

Trong bài viết của mình, ông Tập so sánh hệ sinh thái chính trị giống hệ sinh thái tự nhiên, đều rất dễ bị ô nhiễm: “Một khi vấn đề nảy sinh, chúng ta sẽ phải trả giá đắt để phục hồi nguyên trạng”.

Một loạt quy định mới được ông Tập kí lệnh ban hành, trong đó nhấn mạnh “không đảng viên nào được phép làm trái đường lối, nguyên tắc, chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc”. Tuy nhiên, quy định mới không cho phép kiểm tra tài sản những lãnh đạo cấp cao hay thanh tra độc lập nếu cán bộ vi phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh – Guardian ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN