Ông Biden chọn con đường riêng về vấn đề Trung Quốc

Đã trải nghiệm hai chính sách về Trung Quốc dưới hai đời tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ tự tạo con đường riêng, bắt đầu bằng việc chọn những nhân vật phù hợp cho nội các của mình.

Một trong những vấn đề cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm là quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ vào năm sau. Hiện mọi thông tin đều chỉ là phỏng đoán dựa trên những phát biểu và lịch sử hoạt động của ông, song nhìn vào những nhân vật có thể sẽ là thành viên nội các chính phủ của ông phần nào hình dung được lập trường của Washington về Bắc Kinh trong bốn năm tới.

Ông Joe Biden (giữa) tham gia một hội thảo do Viện Chính sách Brookings (Mỹ) tổ chức hồi tháng 10-2019. Ảnh: REUTERS

Ông Joe Biden (giữa) tham gia một hội thảo do Viện Chính sách Brookings (Mỹ) tổ chức hồi tháng 10-2019. Ảnh: REUTERS

Ông Biden sẽ dung hòa hai cách tiếp cận Trung Quốc

Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama (2009-2017), quan hệ Mỹ - Trung nhìn chung tương đối tích cực vì Trung Quốc (TQ) chỉ mới bắt đầu giai đoạn trỗi dậy trở thành cường quốc thứ hai thế giới. Đường lối đối ngoại của ông Obama lúc này chú trọng hợp tác cùng phát triển chứ không đối đầu trực diện vì ông nhận định Mỹ - Trung là hai quốc gia sẽ định hình cục diện quốc tế ở thế kỷ 21.

Việc giữ quan hệ hai nước trong tầm kiểm soát không chỉ là yêu cầu cần thiết cho Mỹ mà còn cho cả thế giới nói chung. Những mâu thuẫn về lợi ích vì vậy được chính quyền Tổng thống Obama hạn chế ở mức tối thiểu, chỉ tập trung các vấn đề an ninh - quốc phòng như việc quân sự hóa Biển Đông hay những chiến dịch tấn công mạng của TQ.

Dù vậy, cách tiếp cận nói trên càng về cuối nhiệm kỳ của ông Obama càng tỏ ra thiếu hiệu quả khi không ngăn được TQ tăng tốc độ mở rộng quy mô kinh tế, quân sự và ảnh hưởng. Khi tổng thống kế nhiệm Donald Trump nhậm chức thì quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu trên đà xuống cấp nghiêm trọng, mâu thuẫn lợi ích lan ra thêm những lĩnh vực khác như thương mại hay công nghệ. Ông Trump còn đẩy thêm một bước xa hơn khi công khai gọi TQ là đối thủ chiến lược của trật tự thế giới nói chung và Mỹ nói riêng. Hàng loạt động thái nhằm kìm hãm Bắc Kinh cũng được chính quyền ông Trump tiến hành, trong đó nổi bật là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và cuộc thương chiến Mỹ - Trung kéo dài gần hai năm. 

Là người từng phục vụ dưới quyền của một tổng thống và quan sát nỗ lực cải cách của một tổng thống khác, giới chuyên gia cho rằng ông Biden sẽ tìm cách dung hòa hai đường lối đối ngoại của ông Trump và ông Obama, theo đài CNBC. Cụ thể, chính quyền ông Biden vẫn sẽ tiếp tục coi TQ là đối thủ chính và là mối đe dọa lớn nhất với vị thế siêu cường số một của Mỹ. Tuy nhiên, để ngăn chặn mối đe dọa này như thế nào đòi hỏi ông Biden phải có cách giải quyết mềm dẻo hơn ông Trump, thể hiện trước hết qua việc sử dụng lại bộ máy từng làm việc cho ông Obama.

Hé lộ nội các mới của ông Biden

Tờ The New York Times cho biết hiện những nhân vật được cho sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng liên quan đến việc hoạch định chính sách đối ngoại trong nội các ông Biden là cựu thứ trưởng Quốc phòng Michele Flournoy, cựu thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, cựu đại sứ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell, Phó giám đốc Trung tâm An ninh Mỹ mới Ely Ratner cùng các cựu cố vấn an ninh quốc gia như Jake Sullivan, Susan Rice và Thomas Donilon.

Trong số này, bà Rice được xem là ứng viên hàng đầu cho chức ngoại trưởng Mỹ. Bà được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với ông Biden và từng được ông cân nhắc mời làm liên danh tranh cử trước khi quyết định chọn thượng nghị sĩ Kamala Harris. Dưới thời ông Obama, bà cũng từng vận động để ngồi vào ghế ngoại trưởng nhưng bị Thượng viện lúc đó do đảng Cộng hòa kiểm soát phản đối vì cho rằng cách xử lý vụ tấn công khủng bố năm 2012 vào cơ sở ngoại giao Mỹ ở TP Benghazi (Libya) là quá nhún nhường, tờ South China Morning Post cho biết. Tuy nhiên, chính quan điểm ôn hòa này khi áp dụng vào thời điểm hiện tại sẽ giúp Mỹ cải thiện được quan hệ với TQ. “Bà Rice là người ôn hòa, ủng hộ hợp tác và bà ấy nhìn thấy giá trị của việc hợp tác với TQ. Hai nước cần tiếp tục đối thoại và đạt được đồng thuận trên một số vấn đề chung” - chuyên gia Wang Yong thuộc ĐH Bắc Kinh nhận định.

Ngoài bà Rice, hai nhân vật đáng chú ý khác là cựu cố vấn an ninh quốc gia Donilon và cựu thứ trưởng Ngoại giao Blinken. Vào năm 2019, ông Donilon đã đăng tải một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs nhận định việc Tổng thống Trump phát động thương chiến là “phương cách sai lầm để cạnh tranh với TQ” và Mỹ nên tập trung vào đổi mới, lan tỏa các giá trị tự do phương Tây thay vì theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Trong khi đó, ông Blinken nhiều lần cho rằng ông Trump làm suy yếu vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, tạo ra khoảng trống quyền lực nguy hiểm mà TQ đang lăm le lấp đầy. Ông cũng khẳng định Mỹ trong nhiệm kỳ tới cần nhanh chóng cải thiện và siết chặt quan hệ với các đồng minh châu Âu vì những nước này sẽ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ Mỹ cạnh tranh với TQ.

Một nhân vật khác cũng quan trọng không kém và có thể sẽ là tân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là cựu thứ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Obama - bà Flournoy. Bà này hồi tháng 6 có một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy cảnh báo nguy cơ nổ ra chiến tranh Mỹ - Trung hiện ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua. Bà đề xuất Mỹ cần răn đe TQ bằng cách tăng cường năng lực quân sự để “cho Bắc Kinh thấy lời đe dọa đánh chìm tất cả tàu chiến, tàu ngầm và tàu buôn của TQ ở Biển Đông trong vòng 72 giờ không phải là nói suông”.

“Những người như bà Rice hay ông Blinken muốn duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trong một trật tự thế giới tự do và xây dựng liên minh để cạnh tranh với TQ. Nhưng nếu ông Biden chọn thêm bà Flournoy thì điều đó có nghĩa là ông Biden đang chịu áp lực phải cứng rắn hơn với TQ” - theo chuyên gia Wang Yong.

Ông Biden có thể sẽ tiếp tục đối đầu thương mại với Trung Quốc

Trong cuộc họp báo ngày 17-11 ở bang Delaware (Mỹ), khi được hỏi về khả năng Mỹ sẽ gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được 15 nước ký kết, ông Biden cho biết ông không thể thảo luận về các chính sách thương mại của Mỹ vì chưa phải là tổng thống, theo hãng tin Reuters. Dù vậy, ông Biden cũng tiết lộ đã có một kế hoạch chi tiết trong lĩnh vực thương mại và sẽ công bố vào ngày 21-1-2021, một ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức. Theo ông, “Mỹ chiếm 25% nền kinh tế thế giới” và “cần liên kết với các nền dân chủ khác, cần thêm 25% hoặc hơn nữa để thiết lập luật chơi thay vì để TQ và các nước khác quyết định như thể một mình một thế giới”. Ý tưởng của ông Biden được Reuters nhận xét là một nỗ lực đưa nước Mỹ trở lại thế giới và tập hợp lực lượng để đối trọng với các tổ chức, hiệp định do TQ dẫn dắt. 

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Trump đang đưa ông Biden vào thế khó trước Trung Quốc?

Sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ làm ăn với các đối tác Trung Quốc có liên quan tới quân đội,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN