Nỗi khổ không ngờ của các thiếu gia siêu giàu Trung Quốc

Thế hệ “cậu ấm cô chiêu” đời hai của Trung Quốc thường gắn với nhiều vấn đề nhức nhối.

Nỗi khổ không ngờ của các thiếu gia siêu giàu Trung Quốc - 1

Một "phú nhị đại" nổi tiếng tại Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc cất cánh trong 30 năm kéo theo tầng lớp “phú nhị đại” ăn chơi khét tiếng. Loạt bài sau đây điểm lại những khía cạnh thú vị của giới siêu giàu Trung Quốc.

Dân chơi Bắc Kinh

Ra khỏi một hộp đêm gần sân vận động Công nhân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Mikael Hveem gọi một cuốc taxi Uber. Ông chọn loại xe rẻ nhất và rất bất ngờ khi đỗ trước mặt là con Maserati cáu cạnh màu xanh nước biển. Tài xế là một thanh niên Trung Quốc mặt trẻ măng, búng ra sữa và tự giới thiệu mình là Jason.

Mikael hỏi vì sao tài xế lại đi xe này, Jason nói rằng anh không cần tiền. Anh chỉ cần gặp mọi người, đặc biệt là các cô gái xinh và làm quen. Jason nói, với chiếc xe mới cáu và đi dạo ở Bắc Kinh lúc tối khuya của mình, những cô gái chắc chắn sẽ bị “lóa mắt” bởi siêu xe.

Nỗi khổ không ngờ của các thiếu gia siêu giàu Trung Quốc - 2

Đánh gôn là thú vui của nhiều thiếu gia Trung Quốc.

Khi tác giả Christopher nghe được câu chuyện trên từ người bạn Mikael, ông đã gọi điện xin liên lạc của tài xế Uber kia. Sau vài lần nhắn tin qua ứng dụng Wechat, hai người hẹn nhau cafe ở ngoài.

Jason, tên đầy đủ là Jason Zhang, làm việc ở một công ty truyền thông sản xuất các chương trình truyền hình, không có vẻ gì là quá bận rộn. Anh ta từng học ở Mỹ chuyên ngành đánh gôn nhưng bỏ học sau 2 năm. Cha của Jason là trưởng phòng một công ty tuyển dụng lớn và mẹ của anh ta là một quan chức chính phủ. Khi Chris hỏi Jason anh có bao nhiêu tiền trong tài khoản, Jason đáp gọn lỏn: “Tôi không biết. Nhiều lắm. Tiêu mãi không hết”. Những người như Jason, người Trung Quốc gọi chung là “phú nhị đại”, hay tầng lớp giàu có thứ hai.

Cái bóng của cha mẹ

Nỗi khổ không ngờ của các thiếu gia siêu giàu Trung Quốc - 3

Nhiều thiếu gia bị cái bóng quá lớn của cha mẹ lấn át.

Sau vài tuần làm quen với Jason, Chris thuyết phục để tham gia vào một cuộc gặp gỡ thường xuyên của các phú nhị đại. Lúc mới tới nơi, Chris tưởng mình đến nhầm chỗ vì trông nó tuềnh toàng hơn tưởng tượng. Mọi người ngồi trên những chiếc ghế thấp lè tè, lúc nhìn qua tưởng ngồi xổm và đợi thịt cừu nướng chín.

Những triệu phú Trung Quốc trẻ tuổi ăn mặc như những người khác với áo ba lỗ, quần bò, dép lê. Điều duy nhất làm họ khác biệt là rượu vang Pháp và những chai Mao Đài hảo hạng cầm trong tay.

Buổi tiệc có sự tham gia của những nhân vật cộm cán bậc nhất, chẳng hạn như Vương Đại Kì, 30 tuổi, con trai một nhà tư vấn kinh doanh có tiếng, người chuyên viết sách về giới phú nhị đại Trung Quốc. Albert Tang, 20 tuổi, sinh viên đại học tư thục Bard danh tiếng, có bố là giám đốc nhà xuất bản lớn nhất nhì Bắc Kinh. Chỉ có Sophia Cheng, 27 tuổi, là cô gái duy nhất trong nhóm.

Nỗi khổ không ngờ của các thiếu gia siêu giàu Trung Quốc - 4

Cô gái này không chấp nhận nối nghiệp cha mẹ mà tự mở công ty riêng.

Chủ trì bữa tiệc là Martin Hang nói rằng để được xếp vào hàng phú nhị đại, những người này phải đóng 200.000 tệ (khoảng 70 triệu đồng) và chứng minh công ty gia đình đóng thuế thường niên 50 triệu tệ (khoảng 160 tỉ đồng).

Những thành viên trong hội luôn tìm cách giúp nhau để tiếp tục duy trì sự giàu có sang thế hệ thứ ba. Họ thường tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu, các buổi tham quan công ty khác nhau nhằm rút ra kinh nghiệm kinh doanh.

Hang nói: “Chúng tôi đang giúp mọi người tốt hơn. Chúng tôi đối mặt rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và kinh doanh”. Martin Hang cũng là chủ một tạp chí, xuất bản thường kì từ năm 2011. Mục đích của anh là giúp mọi người có thể kế nghiệp gia đình, hoặc chí ít tham gia quản lý công ty. Hang nói rằng những công ty như vậy rất quan trọng với Trung Quốc, khi có tới 85% tiền ngân sách nhà nước là tới từ những công ty tư nhân này.

Hang nói, khó khăn lớn nhất với phú nhị đại là họ không muốn kế nghiệp. Số liệu năm 2012 của Đại học Vận tải Thượng Hải nói rằng 82% số người được hỏi không sẵn sàng tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ mình. “Họ không thích làm nhưng buộc phải làm”.

Cái bóng của gia đình và bố mẹ là khó khăn nhất với các thiếu gia giàu có. Họ có năng lực, tuy nhiên lúc đó thành tựu sẽ được quy vào gia đình chứ không phải bản thân phú nhị đại. Hang nói rằng, mình luôn được mô tả là “con trai của ông Hang”, một doanh nhân có tiếng trong ngành trò chơi điện tử. Khi Hang muốn viết một số cuốn sách về giới triệu phú Trung Quốc, anh bị nghi ngờ vì các nhà xuất bản sẽ in sách của anh vì danh tiếng của ông Hang.

Nỗi khổ không ngờ của các thiếu gia siêu giàu Trung Quốc - 5

Các bữa tiệc xa hoa với sự tham gia của phú nhị đại.

Bình Phàm, 36 tuổi, phó giám đốc một công ty tư nhân, chuyển tới Thượng Hải lập nghiệp thay vì ở quê nhà tại Liêu Ninh. Anh nói: “Tôi chọn Thượng Hải vì nó xa gia đình tôi”. Cũng chung cảnh ngộ, Evan Jiang tự lập công ty chăm sóc khách hàng của mình thay vì kế nghiệp nghề buôn bán kim cương của mẹ.

Một vấn đề khác mà các phú nhị đại gặp phải là các chấn thương về tâm lý. Bố mẹ họ là những người sinh ra trong thời nghèo khó nên rất lạnh lùng và nghiêm khắc. Điều này khiến con cái họ trở nên rất khó làm bạn với cha mẹ mình.

Xã hội ghét bỏ

Nỗi khổ không ngờ của các thiếu gia siêu giàu Trung Quốc - 6

Chú chó Khả Khả của thiếu gia Vương Tư Thông.

Với đại đa số người Trung Quốc, phú nhị đại là “thứ gì đó đáng căm ghét”. Hình ảnh những thiếu gia ăn chơi khiến phần đông người Trung Quốc không hài lòng. Người dân nước này hẳn chưa quên hình ảnh một cô gái đốt sập tiền dày cộp 100 tệ, các thành viên nhóm siêu xe khoe ảnh xế sang vài chục triệu tệ, các buổi tiệc sex hoành tráng ở khu nghỉ dưỡng Tam Á...

Thậm chí, các phú nhị đại còn đối đầu nhau trong khoản khoe tiền. Khi Quách Mỹ Mỹ đăng tấm hình 5 triệu tệ trong casino thì đối thủ của cô đăng ảnh màn hình tài khoản ngân hàng 3,7 tỉ tệ. Con trai của tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm là Vương Tư Thông cũng gây sốc khi mua 2 chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch để đeo vào chân cho chú chó cưng.

Năm 2012, hai chiếc siêu xe Ferrari đâm nhau ở Bắc Kinh. Đáng chú ý khi ra khỏi xe, những người này đều trong tình trạng thiếu vải. Điều tra của cảnh sát cho biết bố của họ là một quan chức thân cận của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Người trợ lý này sau đó bị bắt vì tham nhũng.

Nỗi khổ không ngờ của các thiếu gia siêu giàu Trung Quốc - 7

Đồ hiệu là thứ không thể thiếu của các thiếu gia.

Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lần coi phú nhị đại là mối nguy lớn về kinh tế, thậm chí là chính trị với cả nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng các thiếu gia Trung Quốc hãy “suy nghĩ về nguồn gốc tài sản và cư xử cho đúng mực”.

Một bài xã luận của Ủy ban Mặt trận Thống nhất cảnh báo: “Phú nhị đại biết khoe tiền nhưng không biết cách kiếm tiền”. Một số chính quyền địa phương đã có biện pháp giáo dục lại các thiếu gia này. Hồi tháng 6.2013, hơn 70 phú nhị đại được mời tới buổi dạy về các giá trị truyền thống và kinh doanh cơ bản.

_________
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thiếu gia Trung Quốc chọn sống ở trời Tây. Đón đọc kì tới xuất bản ngày 20.2.

Hé màn cuộc sống ăn chơi quên ngày tháng của thiếu gia TQ

Sự giàu có của tầng lớp “con nhà giàu Trung Quốc” đang khiến thế giới choáng váng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - Bloomberg ([Tên nguồn])
Giới siêu giàu ăn chơi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN