Những chuyện kỳ lạ nhất xảy ra ở châu Á trong năm 2021

Đối với nhiều người châu Á, 2021 là một năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng cuộc sống muôn màu vẫn tiếp tục guồng quay và những điều kỳ lạ vẫn luôn xảy ra xung quanh chúng ta. Dưới đây là những chuyện kỳ lạ thu hút nhiều lượt tìm kiếm nhất ở châu Á trong năm 2021:

Nhân viên quán bar ở Nhật Bản ăn mặc theo phong cách sĩ quan Đức Quốc xã để “hút khách” (ảnh: Japan Times)

Nhân viên quán bar ở Nhật Bản ăn mặc theo phong cách sĩ quan Đức Quốc xã để “hút khách” (ảnh: Japan Times)

1. Quán bar kiểu Đức Quốc xã đóng cửa sau 48 giờ

Một quán bar phục vụ theo phong cách Đức Quốc xã ở Osaka, Nhật Bản đã phải đóng cửa chỉ 48 giờ sau khi khai trương do hứng quá nhiều chỉ trích.

Nhằm gây ấn tượng với khách hàng, quán bar tên “Unfair” chọn lối trang trí theo chủ đề phát xít Đức. Nhân viên phục vụ trong quán cũng mặc đồng phục được tạo kiểu giống với quân phục sĩ quan Đức Quốc xã và đeo băng tay có hình dấu thập ngoặc.

Chỉ vài giờ sau khi khai trương, Unfair đã hứng chỉ trích dữ dội từ dư luận vì “cổ vũ phát xít” và “khơi gợi ký ức” về một trong những cuộc chiến tranh tồi tệ nhất lịch sử nhân loại.

“Chúng tôi sẽ nhanh chóng đóng cửa quán này và thành thật xin lỗi vì sự thiếu hiểu biết của mình. Chúng tôi đã khiến nhiều người khó chịu. Chúng tôi sẽ xem xét những đánh giá của khách hàng một cách nghiêm túc và đảm bảo điều tương tự sẽ không xảy ra nữa”, Host X Host – công ty mẹ của quán Unfair – thông báo.

“Đó đơn giản chỉ là vấn đề của sự thiếu hiểu biết. Nhiều người ở Nhật Bản ngày nay không biết những gì từng xảy ra ở châu Âu trong Thế chiến II. Họ đã quên đi nỗi đau chiến tranh và thậm chí còn lợi dụng nó để trở nên khác biệt”, Akio Yoshida – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Holocaust (Nhật Bản) – nhận xét.

Màn thể hiện võ nghệ của binh sĩ Triều Tiên (ảnh: Daily Mail)

Màn thể hiện võ nghệ của binh sĩ Triều Tiên (ảnh: Daily Mail)

2. Lính Triều Tiên khoe võ nghệ phi thường

Tay không đập vỡ gạch, dùng búa tạ đập vào tay, phá vỡ khối bê tông ngay trên ngực… chỉ là một phần trong màn thể hiện sức chịu đựng phi thường của các binh sĩ được đưa vào lễ khai mạc Triển lãm quốc phòng Tự vệ 2021 Triều Tiên diễn ra hồi tháng 10.

Cuộc triển lãm có sự tham gia của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Ung – người được cho là hài lòng với màn thể hiện của những người lính đặc công và liên tục vỗ tay khen ngợi.

Trong màn biểu diễn võ thuật “gây sốt” truyền thông phương Tây, một người lính Triều Tiên cởi trần và đập nhiều chai thủy tinh vào người. Một người lính khác phô diễn khả năng chịu đòn phi thường khi bị vụt lia lịa gậy vào bụng nhưng vẫn đứng vững. Hai binh sĩ Triều Tiên khác thậm chí còn thực hiện tiết mục nguy hiểm hơn khi tì đầu nhọn một thanh kim loại vào cổ họng rồi đẩy cong nó.

Cách cắt tóc “rợn người” ở Pakistan (ảnh: Daily Mail)

Cách cắt tóc “rợn người” ở Pakistan (ảnh: Daily Mail)

3. Cắt tóc kiểu “tay dao tay thớt”

Một thợ cắt tóc ở Lahore, Pakistan tên Ali Abbas đã gây “bão mạng” khi sử dụng lửa, búa, thủy tinh, đèn hàn, dao chặt thịt, thớt, thậm chí cả mảnh kính vỡ để tạo kiểu tóc cho khách hàng.

Abbas sau đó đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi trên mạng xã hội vì cách cắt tóc có phần lập dị

“Mỗi ngày, tôi đều cố gắng tìm ra những cách mới để cắt tóc. Dùng búa, dao hoặc đèn hàn để cắt tóc là trải nghiệm mới với khách hàng nhưng tôi đã tập luyện ít nhất 1 năm để thành thạo”, Abbas nói.

Những vị khách ghé thăm tiệm cắt tóc của Abbas đều không khỏi ngạc nhiên nhưng cũng xen lẫn một chút cảm giác sợ hãi.

“Tôi rất sợ nhưng sau khi cắt tóc xong, tôi hài lòng với diện mạo mới của mình và chắc chắn sẽ quay lại trong tương lai”, một nữ khách hàng của Abbas chia sẻ.

Trong khi cắt tóc bằng kéo chỉ hết 6 USD/lần, Abbas tính phí gấp đôi đối với những khách hàng muốn trải nghiệm cắt tóc kiểu “tay dao tay thớt”.

Thủ tướng Nhật Bản tươi tắn sau một đêm ngủ trong “nhà ma” (ảnh: SCMP)

Thủ tướng Nhật Bản tươi tắn sau một đêm ngủ trong “nhà ma” (ảnh: SCMP)

4. Thủ tướng Nhật Bản dọn vào ở dinh thự “ma ám”

Hôm 12. 11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida là nhà lãnh đạo đầu tiên dọn đến dinh thự bị đồn có "ma ám" ở Tokyo sau 9 năm bỏ trống.

“Tôi ngủ rất ngon. Tôi cảm thấy sảng khoái. Cuộc họp của Ủy ban ngân sách sắp bắt đầu. Tôi hứa sẽ làm việc thật chăm chỉ”, ông Kishida nói với các phóng viên sau một đêm ngủ trong dinh thự.

Hai người tiền nhiệm của ông Kishida – cựu Thủ tướng Abe và Suga – đều lựa chọn ở nhà riêng, thay vì sống trong dinh thủ tướng.

Dinh thủ tướng Nhật bị đồn là “có ma” sau sự kiện một nhóm sĩ quan hải quân nổi loạn ám sát Thủ tướng Nhật Tsuyoshi Inukai tại dinh vào tháng 5.1932. Tiếp đó, năm 1936, khoảng 1.400 phiến quân đã tổ chức đảo chính, tấn công vào dinh thự này và sát hại nhiều quan chức.

Khi được phóng viên hỏi có nhìn thấy bất kỳ “bóng ma” nào trong dinh thự không, Thủ tướng Kishida đáp: “Cho tới bây giờ, tôi chưa thấy gì cả”.

Rani – con bò lùn nhất thế giới – trở thành “ngôi sao” trên mạng xã hội (ảnh: SCMP)

Rani – con bò lùn nhất thế giới – trở thành “ngôi sao” trên mạng xã hội (ảnh: SCMP)

5. Con bò nhỏ nhất thế giới

Hồi tháng 7.2021, con bò Rani sinh ra ở quận Manikganj của Bangladesh “gây sốt” dư luận vì kích thước siêu nhỏ. Nó chỉ nặng 26 kg, chỉ cao 51cm, dài 66cm. Kích thước của cô bò trắng Rani thấp hơn 10 cm so với một con bò ở Ấn Độ được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là nhỏ nhất thế giới.

Rani – cô bò 23 tháng tuổi – sau đó nhanh chóng trở thành “ngôi sao truyền thông” nhờ kích thước đặc biệt của mình. Do là sản phẩm của giao phối cận huyết, Rani không thể lớn thêm nữa.

“Rani dường như biết mình nổi tiếng và cư xử như một nữ hoàng. Nó luôn giữ cơ thể sạch sẽ”, Kazi Mohammed Abu Sufian – chủ của Rani – nói.

Rani là một con bò Bhutti - giống bò được đánh giá cao về chất lượng thịt ở Bangladesh. Những con bò Bhutti thông thường đều có kích thước lớn ít nhất gấp đôi Rani.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là con bò nhỏ nhất thế giới, Rani đã chết vì bệnh dạ dày.

Nguồn: [Link nguồn]

WHO dự báo thời điểm kết thúc giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – đặt nhiều kỳ vọng vào phản ứng của chính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN