Nguyên nhân khiến quốc gia láng giềng của Ấn Độ chìm trong đợt lây nhiễm Covid-19 tồi tệ

Sự lây lan nhanh chóng của virus đã làm dấy lên những lo ngại rằng Nepal đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng Covid-19 không kém gì Ấn Độ, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn.

Khung cảnh vắng lặng trong ngày đầu tiên phong tỏa ở thủ đô Kathmandu, Nepal.

Khung cảnh vắng lặng trong ngày đầu tiên phong tỏa ở thủ đô Kathmandu, Nepal.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Nepal tăng cao nhất trong ngày 5.5, các bệnh viện quá tải bệnh nhân, trong khi Thủ tướng nước này đang kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Nepal hiện đang phát hiện mỗi 20 ca nhiễm Covid-19 mới trong 100.000 người dân. Tỉ lệ này khá tương đồng với Ấn Độ cách đây 2 tuần.

Trong số các trường hợp xét nghiệm Covid-19 ở Nepal, có tới 44% cho kết quả dương tính. “Những gì xảy ra ở Ấn Độ hiện tại chính là Nepal của tương lai trong vài tuần tới, nếu như chúng ta không thể kiềm chế số ca bệnh”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nepal, Tiến sĩ Netra Prasad Timsina, nói.

Sự lây lan nhanh chóng của virus đã làm dấy lên những lo ngại rằng Nepal đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng Covid-19 không kém gì Ấn Độ, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn, theo CNN.

Tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn mỗi ngày và có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát trong tương lai”, Tiến sĩ Samir Adhikari, phát ngôn viên Bộ Y tế Nepal, nói.

Sự chủ quan ở biên giới

Chỉ một tháng trước, quốc gia trên dãy Hiamalaya với khoảng 29 triệu dân, ghi nhận trung bình 100 ca nhiễm mỗi ngày. Đến ngày 5.5, con số này đã tăng lên hơn 8.600 ca.

Một phần nguyên nhân được cho là do vấn đề kiểm soát biên giới giữa Ấn Độ và Nepal. Người Nepal quay trở về nước bằng đường bộ không cần phải cung cấp giấy tờ tùy thân. Nhiều người Nepal sang Ấn Độ làm ăn và ngược lại, hoạt động giao thương ở biên giới rất nhộn nhịp.

Khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát, một số người Ấn Độ đã sang Nepal để trông cậy vào hệ thống y tế ở quốc gia này, hoặc làm bàn đạp sang một nước thứ ba, ông Adhikari cho biết.

“Rất khó để ngăn người dân Nepal và Ấn Độ qua lại giữa biên giới”, ông Adhikari, nhấn mạnh.

Gần đây, Nepal đã có động thái siết chặt kiểm soát biên giới. Công dân Nepal chỉ có thể quay về từ 13 chốt kiểm soát giữa hai nước, thay vì 35 như trước đây.

Chính phủ Nepal cũng đang sắp áp đặt quy định người quay về từ Ấn Độ phải xét nghiệm Covid-19 ngay tại biên giới. Những ca dương tính sẽ được đưa đi cách ly ngay lập tức. Người có kết quả âm tính sẽ được về nhà.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Sameer Mani Dixit, nhà nghiên cứu y tế công ở Nepal, nói các biện pháp trên là quá muộn. Bởi virus đã tìm được cách len lỏi trên khắp đất nước.

Các hoạt động tụ tập đông người

Người dân Nepal tham gia một sự kiện tín ngưỡng vào ngày 10.4.

Người dân Nepal tham gia một sự kiện tín ngưỡng vào ngày 10.4.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu ở Nepal từ tháng 4, khi Thủ tướng K. P. Sharma Oli ca ngợi một phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 chưa được khoa học chứng minh. Ông Oli cũng cho rằng, người Nepal có hệ miễn dịch tốt nhờ các gia vị được hấp thụ hàng ngày.

Trong tháng 4, người dân Nepal ở nhiều nơi đã tham gia các hoạt động tín ngưỡng, đặc biệt là Kumbh Mela, một lễ hội quan trọng của người theo đạo Hindu.

Cựu vương Nepal Gyanendra Shah và hoàng hậu Komal Shah sang Ấn Độ tham dự sự kiện siêu lây nhiễm trên. Khi quay trở về Nepal, cả hai có kết quả dương tính với Covid-19.

Hàng ngàn người Nepal cũng tập trung ở thủ đô để tham dự lễ hội truyền thống Pahan Charhe, bất chấp khuyến cáo của chính phủ.

Đến ngày 24.4, Nepal bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt với 2.400 ca nhiễm mới trong ngày. 5 ngày sau, số ca nhiễm đã tăng lên 4.800. Bộ Y tế Nepal đến lúc này thừa nhận, tình trạng lây nhiễm đang vượt tầm kiểm soát.

“Số ca nhiễm đã tăng lên ngoài tầm kiểm soát của hệ thống y tế, việc cung cấp giường bệnh điều trị người nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện đang trở nên khó khăn”, tuyên bố của Bộ Y tế Nepal cho biết.

Chuyên gia y tế Suresh Panthee, một trong những người sáng lập Viện Nghiên cứu Bền vững ở Nepal, nói người dân đã có phần chủ quan sau khi vượt qua đợt lây nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Khi số ca nhiễm tăng lên ở biên giới, Nepal có thể áp đặt quy định cách ly, nhưng lại chậm trễ. “Chúng tôi đã có thời gian chuẩn bị, nhưng lại chưa sẵn sàng”, ông Panthee nói.

Hệ thống y tế còn hạn chế

Người thân đau buồn sau khi đưa thi thể bệnh nhân Covid-19 đi hỏa táng ở Nepal.

Người thân đau buồn sau khi đưa thi thể bệnh nhân Covid-19 đi hỏa táng ở Nepal.

Nepal là một trong số các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Điều này phản ánh hệ thống y tế còn hạn chế của quốc gia này.

Theo con số thống kê của chính phủ Nepal tính đến năm ngoái, quốc gia này chỉ có 1.595 giường chăm sóc tích cực (ICU) và 480 máy thở với số dân lên tới 29 triệu người.

Nepal cũng rất thiếu đội ngũ y bác sĩ, với tỉ lệ chỉ 0,7 trên 100.000 người dân. Một số bác sĩ và nhân viên y tế mới nghỉ hưu ở Nepal đã được yêu cầu quay trở lại hỗ trợ chống dịch. Đội ngũ bác sĩ quân y ở Nepal cũng được lệnh sẵn sàng.

Tiến sĩ Paras Shrestha, bác sĩ tại một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Nepal, nói rằng hầu hết bệnh viện đều quá tải. Ông khuyến cáo các bệnh nhân có triệu chứng ở dạng nhẹ hãy tự cách ly tại nhà.

Trước mắt, chính phủ Nepal đã đặt mua thêm 20.000 bình oxy y tế từ nước ngoài do nhu cầu sử dụng oxy ở bệnh viện đã tăng gấp 3 lần so với bình thường.

Quân đội Nepal cũng bắt đầu xây dựng các bệnh viện dã chiến ở biên giới với Ấn Độ để làm nơi điều trị người quay trở về từ biên giới, cũng như gấp rút bổ sung thêm giường bệnh ở những nơi có virus lây lan mạnh nhất.

Một vấn đề khác là số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn hạn chế. Tính đến cuối tháng trước, chỉ 7,2% số dân Nepal tiêm vaccine mũi đầu tiên, thấp hơn mức 10% ở Ấn Độ.

“Tôi muốn nói là chính phủ đang cố gắng hết sức”, ông Adhikari nói. “Nhưng phải thừa nhận rằng chúng tôi có hệ thống chăm sóc sức khỏe hết sức hạn chế”.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Đám đông nghìn người Ấn Độ tụ tập tới đền thờ để ”xua đuổi Covid-19”

Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ nhiều người liên quan tới vụ việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN