Nguy cơ bùng nổ xung đột ở biên giới Israel - Lebanon

Các quan chức phương Tây và giới quan sát cảnh báo về khả năng xảy ra cuộc đối đầu toàn diện giữa Israel và Hezbollah vào cuối mùa xuân này.

Khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas vẫn đang tiếp diễn trên Dải Gaza khiến hơn 30.000 dân thường Palestine thiệt mạng thì nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột tại biên giới Israel - Lebanon ngày càng hiện rõ.

Từ khi Israel đổ bộ vào Gaza, các cuộc đụng độ xuyên biên giới giữa Israel với nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) xảy ra gần như hằng ngày khiến hàng chục ngàn cư dân Lebanon và Israel phải di dời. Đáng chú ý, động thái leo thang gần đây từ cả Israel và Hezbollah đã làm dấy lên lo ngại rằng sự cân bằng mong manh mà hai bên duy trì từ đầu cuộc chiến có thể bị phá vỡ.

 Làng Kafra (phía Nam Lebanon) ngày 29-2 sau một cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP

Làng Kafra (phía Nam Lebanon) ngày 29-2 sau một cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP

Diễn biến nóng đi kèm phát ngôn rắn

Hôm 26-2, các máy bay chiến đấu của Israel đã ném bom thung lũng Bekaa (miền Đông Lebanon, cách biên giới hai nước khoảng 100 km) khiến hai người thiệt mạng. Vụ không kích là đợt tấn công sâu nhất của Israel vào Lebanon trong nhiều năm qua, theo hãng tin Reuters.

Một ngày sau đó, Hezbollah đã nã một lượng lớn rocket vào lãnh thổ Israel để đáp trả điều mà nhóm này gọi là “sự xâm lược của chủ nghĩa phục quốc Do Thái”. Theo số liệu của nhóm 1701 Lobby (một nhóm vận động chấm dứt chiến tranh có trụ sở tại biên giới Israel - Lebanon), Hezbollah đã bắn 120 quả rocket vào Israel trong ngày 27-2 - số lượng rocket lớn nhất được ghi nhận kể từ khi căng thẳng bùng phát.

Ngoài ra, các tuyên bố từ lãnh đạo hai bên cũng cho thấy Israel và Hezbollah sẵn sàng đấu tới cùng. Hôm 13-2, lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah nói rằng nhóm này sẽ ngừng tấn công nếu cuộc chiến ở Gaza kết thúc nhưng nếu “kẻ thù tiếp tục các hành động thù địch, chúng tôi sẽ hành động theo quy tắc”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm 25-2 tuyên bố dù Israel và Hamas có đạt được thỏa thuận ngừng bắn thì Israel vẫn sẽ tăng cường pháo kích miền Nam Lebanon “cho đến khi Hezbollah rút hoàn toàn khỏi biên giới và người dân được trở về nhà”, theo tờ The Times of Israel.

Một chiến dịch đổ bộ Lebanon vào cuối mùa xuân?

Trước những diễn biến trên, đài CNN hôm 29-2 dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang lo ngại rằng Israel có thể mở chiến dịch trên bộ vào Lebanon để chiến với Hezbollah vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè này nếu các nỗ lực ngoại giao không đem lại kết quả.

Theo ông Steven A. Cook, chuyên gia về Trung Đông và châu Phi tại Viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), việc Hezbollah và Israel đến nay vẫn duy trì xung đột theo kiểu ăn miếng trả miếng thay vì chiến tranh tổng lực là vì cả hai đều vướng phải một số “hạn chế”. Và ông Cook cho rằng những hạn chế này giờ đã không còn.

Đối với Hezbollah, Iran - bên tài trợ của nhóm đã nhiều lần yêu cầu Hezbollah kiềm chế vì không muốn đánh mất khả năng răn đe mà Tehran đã đầu tư cho Hezbollah. Nhưng gần đây, các nguồn tin từ Ả Rập cho biết Tehran đã “bật đèn xanh” cho Hezbollah tăng cường tấn công nếu Israel đổ bộ vào TP Rafah (cực Nam Gaza) - nơi được mệnh danh là “thành trì cuối cùng” của Hamas.

Còn với Israel, ông Cook tin rằng lời kêu gọi kiềm chế của Tổng thống Biden không còn tác động mạnh mẽ tới Tel Aviv khi nỗ lực ngoại giao mà Washington môi giới cho hai bên chưa có tiến triển. Ông Cook lưu ý rằng mâu thuẫn giữa Israel và Hezbollah không đơn thuần là cuộc chiến ở Gaza, mà còn là vấn đề chủ quyền biên giới kéo dài hàng thập niên qua.

“Nếu Israel tuyên bố chiến thắng ở Gaza, họ sẽ chuyển sự chú ý sang việc khắc phục vấn đề an ninh ở phía bắc. Đây là một vấn đề mang tính sống còn với người Israel, bất chấp mong muốn của Nhà Trắng, chiến tranh có thể sẽ xảy ra với Lebanon vào mùa xuân hoặc mùa hè này” - ông Cook viết trên tạp chí Foreign Policy.

Ngày 29-2, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati nói rằng việc Israel và Hamas ngừng bắn có thể kích hoạt các cuộc đàm phán chấm dứt tình trạng thù địch dọc biên giới Lebanon - Israel.

Hậu quả thảm khốc nếu chiến tranh nổ ra

Các chuyên gia cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu một cuộc đối đầu toàn diện giữa Israel và Hezbollah xảy ra.

Đầu tiên, thảm họa nhân đạo có thể xảy đến với Lebanon - quốc gia đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Theo tờ The Washington Post, kể từ năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lebanon đã giảm 50%, đồng nội tệ mất giá 90% và 80% dân số sống trong tình trạng nghèo đói. Bên cạnh đó, Lebanon hiện là nơi sinh sống của gần 1,5 triệu người tị nạn Syria. Nếu chiến tranh nổ ra sẽ đẩy những người này vào cảnh khốn cùng.

Ngược lại, một cuộc chiến với Hezbollah cũng không phải là điều dễ chịu với Israel vì Hezbollah mạnh hơn Hamas rất nhiều. Giới quan sát cho rằng Hezbollah sở hữu gần 100.000 chiến binh thiện chiến và một kho tên lửa khổng lồ mà hầu hết chưa được sử dụng.

Trang Geopolitical Monitor nhận định nếu Israel có năng lực quân sự để san phẳng các TP ở Lebanon thì Hezbollah cũng có khả năng tấn công TP Tel Aviv và các địa điểm quan trọng khác sâu bên trong lãnh thổ Israel.

Cuối cùng, một cuộc chiến như vậy chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm tình hình Trung Đông, châm ngòi cho các cuộc tấn công lớn hơn từ các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Yemen, Iraq, Syria. Điều này sẽ tác động đến thị trường năng lượng và an toàn hàng hải (có thể thấy qua các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthis ở Biển Đỏ để ủng hộ Hamas).

Thậm chí, kịch bản xung đột Israel - Hezbollah có thể đe dọa an ninh quốc tế nếu nó lôi kéo sự tham gia của các nhân tố bên ngoài vào khu vực.•

Mỹ - Pháp nỗ lực môi giới thỏa thuận hòa bình

Kể từ khi các cuộc đụng độ xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah bùng phát, Mỹ và Pháp đã đóng vai trò chính trong việc hòa giải xung đột.

Hôm 4-1, Washington đã bổ nhiệm ông Amos Hochstein - đặc phái viên của tổng thống Mỹ đến khu vực để xoa dịu căng thẳng.

Theo CNN, ông Hochstein đến nay vẫn thường xuyên di chuyển giữa Israel và Lebanon để tham gia các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ông Hochstein làm việc với chính quyền Lebanon thay vì Hezbollah vì Mỹ xem Hezbollah là tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, Pháp làm việc với giới lãnh đạo Israel và Hezbollah. Hôm 25-1, Đại sứ Pháp tại Israel Frederic Journes cho biết Pháp “đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn tình trạng thù địch gia tăng”.

“Chính quyền Pháp đang hợp tác với tất cả các bên liên quan, ở cấp độ chính trị, ngoại giao, quân sự và tình báo” - ông Journes nói với trang tin Breaking Defense.

Nguồn: [Link nguồn]

Cơ quan y tế Dải Gaza cáo buộc lực lượng Israel bắn tử vong hơn 100 người Palestine khi họ đang chờ đợi hàng viện trợ, nhưng Israel nói rằng đám đông vây quanh xe tải viện trợ nên bị giẫm đạp hoặc cán qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN