Người dân Thụy Điển xuống đường, phản đối gia nhập NATO

Không ít người dân Thụy Điển đã xuống đường phản đối việc Stockholm gia nhập NATO. Họ cảnh báo rằng quyết định trên là vội vàng và tốt hơn hết là Thụy Điển nên trung thành với truyền thống trung lập của mình.

Người dân Thụy Điển tuần hành phản đối gia nhập NATO (ảnh: DW)

Người dân Thụy Điển tuần hành phản đối gia nhập NATO (ảnh: DW)

“Điều tốt nhất cho an ninh Thụy Điển là gia nhập NATO”, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu hôm 16.5.

Việc Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 18.5 được cho là động thái đánh dấu sự kết thúc hành trình trung lập dài gần 200 năm của nước này. Quyết định trên khiến không ít người dân Thụy Điển tiếc nối và cho rằng không nên, DW đưa tin hôm 19.5.

Nhiều người dân Thụy Điển, đặc biệt là các nhóm thanh niên đã xuống đường phản đối việc nước này gia nhập NATO. Họ lên án việc Thụy Điển từ bỏ trung lập và lo ngại nước này sẽ bị kéo vào những cuộc xung đột trong tương lai.

“Gia nhập NATO sẽ gây nhiều đổ máu. NATO là tổ chức chiến tranh chứ không phải tổ chức vì hòa bình. Chúng tôi chỉ muốn hòa bình”, Ava Rudberg – chủ tịch đảng Cánh tả Trẻ ở Thụy Điển – nói khi đang tuần hành phản đối quyết định gia nhập NATO của Stockholm.

“Đối với nhiều người dân, quyết định đó là điều khó chấp nhận. Nhiều năm qua, Thụy Điển đóng vai trò là tiếng nói mang lại hòa bình cho thế giới. Tôi nghĩ rằng nhiều người Thụy Điển cảm thấy gia nhập NATO là điều không cần thiết khi chúng tôi không bị đe dọa”, Linda Akerstrom – chuyên gia tại Hiệp hội Trọng tài và Hòa bình Thụy Điển – nói với DW.

“Thụy Điển chưa tổ chức đủ những cuộc thảo luận quan trọng để đi đến một quyết định lớn như vậy”, bà Linda Akerstrom nói và lưu ý, chính phủ Thụy Điển không tổ chức trưng cầu dân ý trước khi nộp đơn xin gia nhập NATO.

Tỷ lệ người dân Thụy Điển ủng hộ gia nhập NATO qua các cuộc thăm dò gần đây chỉ ở mức trung bình (khoảng 50%), theo RT.

Đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan được công bố (ảnh: DW)

Đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan được công bố (ảnh: DW)

Năm 1834, dưới thời hoàng đế Karl XIV Johan, Thụy Điển đã bắt đầu thực hiện quy chế trung lập, không liên kết quân sự và duy trì tới ngày nay. Trong Thế chiến II, do bị Đức Quốc xã uy hiếp, Thụy Điển cho phép một số đơn vị Đức di chuyển qua lãnh thổ, nhưng vẫn cam kết trung lập.

“Thế hệ của chúng tôi giờ không còn nhiều ký ức về một cuộc chiến tranh ở châu Âu. Đất nước chúng tôi cũng không có cùng lịch sử với các quốc gia xung quanh. Chúng tôi, những đảng viên trẻ của đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền, bắt đầu sự nghiệp chính trị khi Thụy Điển còn là đất nước ưa chuộng hòa bình, luôn đấu tranh với chạy đua vũ trang. Thật khó để chấp nhận việc Thụy Điển gia nhập NATO”, Lisa Nabo, 27 tuổi – chủ tịch Liên đoàn thanh niên của đảng Dân chủ Xã hội – nói.

Theo một số chuyên gia, việc Thụy Điển gia nhập NATO mang tới lợi ích nhất định, nhưng cũng không phải không có hạn chế.

“Ưu điểm của việc từ bỏ trung lập là Thụy Điển sẽ được bảo đảm an ninh bằng điều 5 của NATO. Nhưng nhược điển của điều này là Thụy Điển phải gấp rút điều chỉnh chính sách an ninh, bao gồm cả tăng chi phí quốc phòng”, Alina Engstrom – chuyên gia phân tích tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển – nhận xét.

Thanh niên Thụy Điển với khẩu hiệu “không chiến tranh” và “không NATO” (ảnh: DW)

Thanh niên Thụy Điển với khẩu hiệu “không chiến tranh” và “không NATO” (ảnh: DW)

Sara Andersson – một nghệ sĩ trẻ thuộc cộng đồng người Sami bản địa, sống ở khu vực phía Bắc Thụy Điển (khu vực Thụy Điển gần lãnh thổ Nga nhất) – cho rằng, việc Stockholm gia nhập Thụy Điển sẽ khiến các nhóm thiểu số bị ảnh hưởng.

“Vùng đất phía Bắc của Thụy Điển sẽ sớm trở thành nơi NATO thường xuyên tổ chức tập trận. Đó là khu vực sinh sống của nhiều cộng đồng bản địa. Khi Thụy Điển chưa gia nhập NATO, cuộc sống của chúng tôi và quần thể tuần lộc đã thường xuyên bị quấy nhiễu bởi hoạt động của quân đội”, Sara Andersson nói.

Nguồn: [Link nguồn]

NATO nhận đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển: Thổ Nhĩ Kỳ ”nóng mặt”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – người duy trì quan điểm phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO – cho biết, ông hy vọng các thành viên của khối tôn trọng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – DW ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN