Ngoại trưởng TQ bất ngờ tới Ấn Độ: Xích lại gần nhau do xung đột Nga - Ukraine?

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Ấn Độ diễn ra vào thời điểm New Delhi đang đối mặt với áp lực ngoại giao lớn từ phía Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm thuyết phục Ấn Độ thay đổi lập trường về xung đột Nga - Ukraine. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Ảnh: Tân Hoa xã

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo CGTN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ấn Độ tối 24/3 (giờ địa phương). Đây là chuyến thăm cấp bộ trưởng đầu tiên kể từ khi quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ đi xuống do các cuộc đụng độ quân sự hồi tháng 6/2020 dọc khu vực biên giới tranh chấp Himalaya. 

Hãng ANI của Ấn Độ đưa tin, ông Vương Nghị sẽ gặp người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval vào ngày 25/3 (giờ địa phương).

Hãng tin của Ấn Độ cho biết, chuyến bay của Ngoại trưởng Trung Quốc hạ cánh xuống New Delhi, Ấn Độ, lúc 19h40 (khoảng 21h10 theo giờ Việt Nam) hôm 24/3 từ sân bay ở thủ đô Kabul, Afghanistan.  

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị chủ yếu nhằm mục đích đưa quan hệ song phương, vốn vẫn lạnh nhạt trong 2 năm qua, trở lại đúng quỹ đạo trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới có thể cần đến quyết định của Trung Quốc và Ấn Độ - 2 trong số các nền kinh tế và cường quốc lớn nhất ngoài phương Tây. 

Chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Trung Quốc cũng diễn ra vào thời điểm New Delhi đang đối mặt với áp lực ngoại giao lớn từ phía Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm thuyết phục Ấn Độ thay đổi lập trường về xung đột Nga - Ukraine, đồng thời thúc giục New Delhi cắt đứt quan hệ quốc phòng và trừng phạt Moscow.  

Ngoài việc thảo luận về các vấn đề song phương và tiến trình đàm phán biên giới, ông Vương Nghị và các quan chức Ấn Độ cũng sẽ trao đổi về tình hình ở Ukraine. 

Trung Quốc và Ấn Độ có quan điểm giống nhau về xung đột Nga - Ukraine: Đó là giữ lập trường trung lập, từ chối hùa theo Mỹ và các đồng minh của Washington trừng phạt Nga, đồng thời kêu gọi chấm dứt bạo lực và tìm kiếm giải pháp hòa bình bằng đàm phán. Bắc Kinh và New Delhi cũng gửi viện trợ nhân đạo tới Ukraine với mục đích cứu trợ kịp thời cho dân thường. 

Wang Dehua, một chuyên gia về các vấn đề Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, chia sẻ với SCMP: "Lập trường của Ấn Độ về khủng hoảng Ukraine cũng tương tự như Trung Quốc. Đây có thể là điểm chung để đôi bên hàn gắn quan hệ vốn lạnh nhạt suốt 2 năm qua".

Sudheendra Kulkarni, nhà bình luận chính trị và phụ tá thân cận của cựu Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine khiến Trung Quốc và Ấn Độ giữ một vai trò như lực lượng gìn giữ hòa bình theo cách khá độc đáo. 

"Chính sách đối ngoại độc lập và việc thực hiện quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ như từ chối ngả theo Mỹ để trừng phạt Nga chắc chắn thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc và Ấn Độ có cơ hội và trách nhiệm chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Nếu điều đó trở thành hiện thực, châu Á lần đầu tiên đóng vai trò thúc đẩy hòa bình ở châu Âu", tờ Tribune dẫn lời ông Kulkarni. 

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ đặt ”lằn ranh đỏ” với Trung Quốc nếu giúp Nga né trừng phạt

Lời cảnh báo được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đưa ra ngay trên chuyên cơ Air Force One đang tới Brussels (Bỉ) - nơi Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - CGTN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN