Nghị sĩ Bernd Lange: Việt Nam là điểm đến ổn định trong thế giới bất ổn

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) tăng khoảng 20% trong 3 năm qua; đầu tư lớn từ EU đang đến với Việt Nam, dù Hiệp định Bảo hộ đầu tư chưa được phê duyệt; Việt Nam trở thành điểm đến ổn định trong một thế giới bất ổn. Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, cho biết như vậy trong cuộc gặp báo chí ngày 18/1 tại Hà Nội.

Trong chuyến công tác đến Việt Nam lần này, Nghị sĩ Lange cho biết ông đã gặp các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, để bàn về quá trình triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nghị sĩ Lange khẳng định, hiệp định này thực sự là câu chuyện thành công. Sau 3 năm thực hiện EVFTA, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU tăng trưởng khoảng 20%. Có tới 71% dòng thuế đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang EU và 65% dòng thuế đối với hàng hoá EU xuất sang Việt Nam đã được xoá bỏ.

Nghị sĩ Bernd Lange (giữa) trong cuộc gặp báo chí ngày 18/1 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Loan

Nghị sĩ Bernd Lange (giữa) trong cuộc gặp báo chí ngày 18/1 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Loan

Nghị sĩ Lange cho biết, trong quá trình triển khai EVFTA, các cam kết nghĩa vụ đang được thực hiện ở cả hai bên. Tuy nhiên, ông cho rằng, quá trình phê chuẩn giấy phép lưu hành thuốc tại thị trường Việt Nam cần thuận lợi hơn; thủ tục hành chính cần được cải thiện để tăng tốc quá trình xử lý hồ sơ xuất nhập khẩu; hai bên cần lưu tâm những khía cạnh khác của Hiệp định, như đảm bảo lợi ích cho người lao động…

Ông cho rằng EVFTA và những hiệp định khác giữa EU với Việt Nam là những cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai bên, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, phức tạp, sự đối đầu và chủ nghĩa bảo hộ vẫn đang hiện hữu.

Trả lời câu hỏi về rào cản đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), khi còn một số quốc gia thành viên EU chưa phê chuẩn hiệp định này, Nghị sĩ Lange cho biết, ông đã thấy có nhiều dòng FDI đến Việt Nam, dù có EVIPA hay không. Ông cho rằng trở ngại hiện nay đối với đầu tư chủ yếu liên quan thủ tục hành chính, quản lý và cấp phép dự án, trong đó có các dự án điện gió. Ông cho biết, trong cuộc họp định kỳ với các bộ trưởng thương mại EU tuần tới, ông sẽ nêu với họ vấn đề phê chuẩn EVIPA.

Nghị sĩ Lange đánh giá, ASEAN hiện nay là trung tâm kinh tế với tốc độ phát triển rất nhanh; Việt Nam là nước dẫn đầu về tăng trưởng ở khu vực, đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế và địa chính trị. Ông cho biết các lãnh đạo EU rất quan tâm đến Việt Nam. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23-24/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo. Ông Lange đánh giá, hợp tác về thương mại đang có sự dịch chuyển dần, đưa EU trở thành đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam. “Việt Nam đang là điểm đến ổn định trong một thế giới bất ổn”, ông nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Các tổ chức và định chế tài chính hàng đầu trên thế giới cùng có chung quan điểm về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 này, theo đó đều cho rằng tăng trưởng sẽ giảm tốc. Tuy nhiên, bên cạnh những khoảng sẫm màu đó, vẫn nổi lên những điểm sáng tăng trưởng, trong đó có nền kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Loan ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN