Điểm sáng Việt Nam trong bức tranh kinh tế toàn cầu 2024

Các tổ chức và định chế tài chính hàng đầu trên thế giới cùng có chung quan điểm về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 này, theo đó đều cho rằng tăng trưởng sẽ giảm tốc. Tuy nhiên, bên cạnh những khoảng sẫm màu đó, vẫn nổi lên những điểm sáng tăng trưởng, trong đó có nền kinh tế Việt Nam.

Chuỗi 5 năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới 2024 của Liên hợp quốc công bố đầu năm 2024, tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,7% trong năm 2023 xuống 2,4% trong năm nay. Liên hợp quốc cho rằng, mức tăng trưởng toàn cầu vượt mong đợi trong năm 2023 vừa qua đã không phản ánh rõ những rủi ro ngắn hạn cùng các lỗ hổng cơ cấu, và điều đó để lại “dư chấn” cho năm nay.

Triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu năm 2024 và những năm tiếp theo

Triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu năm 2024 và những năm tiếp theo

Theo Liên hợp quốc, nguyên nhân chính khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc trong năm 2024 là do thương mại toàn cầu suy yếu, chi phí vay cao, nợ công tăng cao, đầu tư liên tục thấp và căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến tăng trưởng toàn cầu gặp rủi ro. Cùng với đó là tăng trưởng thấp hơn năm 2023 của các nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ được dự đoán sẽ giảm tốc trong năm nay do lãi suất cao, chi tiêu tiêu dùng chậm lại và thị trường lao động yếu hơn. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 có thể chỉ là 1,4%, thấp hơn khá nhiều so với mức ước tính 2,5% năm 2023. Nền kinh tế Nhật Bản lớn thứ ba thế giới dự báo sẽ tiếp tục chậm lại, từ 1,7% vào năm 2023 xuống còn 1,2% trong năm 2024. Nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới được dự báo tiếp tục đà suy giảm, từ mức 5,3% năm ngoái xuống còn 4,7% trong năm nay.

Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tăng từ mức khoảng 0,5% trong năm 2023 lên 1,2% trong năm nay. Song mức tăng trưởng này chưa đủ bù đắp cho sự sụt giảm của các nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản. Với nhóm các nước đang phát triển, báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của nhiều nước trong nhóm này, đặc biệt là ở Đông Á, Tây Á, Mỹ Latinh và Caribe cũng giảm do điều kiện tài chính thắt chặt, không gian tài chính bị thu hẹp và nhu cầu bên ngoài trì trệ. Dự báo tăng trưởng các quốc gia này giảm nhẹ từ 4,1% năm 2023 xuống còn 4,0% trong năm nay.

Đáng chú ý, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới 2024 của Liên hợp quốc, các nền kinh tế có thu nhập thấp và dễ tổn thương đang phải đối mặt với áp lực cán cân thanh toán ngày càng tăng đi đôi với rủi ro nợ dai dẳng. Đặc biệt, triển vọng kinh tế đối với các quốc đảo nhỏ đang phát triển sẽ bị hạn chế do gánh nặng nợ nần chồng chất, lãi suất cao và tình trạng dễ tổn thương ngày càng gia tăng liên quan đến khí hậu.

Ngay sau báo cáo của Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB) ngày 9-1 cũng công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024, giảm xuống 2,4% từ mức 2,6% của năm 2023. Theo định chế tài chính này, dù nền kinh tế toàn cầu tỏ ra kiên cường khi đối mặt với rủi ro suy thoái năm 2023, nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ đặt ra những thách thức mới trong ngắn hạn mà WB cho rằng khiến hầu hết các nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024 và 2025 so với thập kỷ trước.

WB cho rằng, năm 2024 có thể sẽ khép lại chuỗi 5 năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây - một con số đáng buồn. Tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế lớn chậm lại, thương mại toàn cầu đình trệ và các điều kiện tài chính bị thắt chặt nhất trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, triển vọng trung hạn trở nên u ám hơn đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển. Nhìn nhận của WB cũng tương tự như đánh giá của Liên hợp quốc trước đó khi cho rằng, thế giới đang quay trở lại mức tăng trưởng trung bình hàng năm 3% trong giai đoạn 2000-2019, phản ánh những năm tăng trưởng dưới trung bình.

Nền kinh tế Việt Nam có năng lực “nhảy vọt”

Nhìn vào bức tranh kinh tế toàn cầu được dự báo sẫm màu năm nay vẫn nổi lên những điểm sáng tích cực. Trong đó có nền kinh tế Việt Nam được các tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế cho rằng đạt tốc độ tăng trưởng năm 2024 cao hơn so với năm 2023.

Theo báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam “Vietnam - Stronger but not easier” (Việt Nam - Vững mạnh hơn nhưng không dễ dàng hơn) vừa được công bố đầu năm, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của nước ta đạt mức 6,7% trong năm 2024, trong đó dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm. Mức tăng trưởng này cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng ước đạt 5,05% trong năm 2023.

Các chuyên gia cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra. Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam thuộc Ngân hàng Standard Chartered, cho biết: “Triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng và giảm lượng khí thải carbon”.

Cuộc khảo sát mới nhất của hãng Bloomberg công bố ngày 8-1 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý I-2024 và 6,5% trong quý II-2024. Tăng trưởng GDP của Việt Nam được hãng tin kinh tế hàng đầu thế giới này dự báo sẽ đạt mức 6% trong năm 2024 và 6,4% trong năm 2025.

Chia sẻ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS Bank) Han Teng Chua nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể vẫn tiếp tục tăng vì Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư trong những năm tới trong bối cảnh các công ty đang đa dạng hóa và giảm rủi ro chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Chi phí lương cạnh tranh, mạng lưới hiệp định thương mại rộng khắp và môi trường kinh doanh thuận lợi là những lợi thế quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Không chỉ đạt tăng trưởng ở mức cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới trong ngắn hạn, kinh tế nước ta còn duy trì tốc độ này trong trung và dài hạn. Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá, Việt Nam là một trong 2 nền kinh tế Đông Nam Á (cùng với Philippines) có năng lực “nhảy vọt” trong bảng xếp hạng World Economic League Table (WELT) trong giai đoạn từ nay đến năm 2038. Theo Trung tâm nghiên cứu này của Anh, Việt Nam hiện ở vị trí 34 trên WELT, năm 2024 Việt Nam sẽ tăng 1 hạng lên thứ hạng 33 và sau đó sẽ tiếp tục lên nhanh, lên vị trí 24 vào năm 2033, trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038.

Theo CEBR, Việt Nam đang đứng trước viễn cảnh 15 năm tiếp theo rất khả quan. Với ưu thế dân số có sẵn, nhiều khả năng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Với dân số đông và còn tương đối trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các quốc gia xếp trên hiện nay trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia, để vươn lên đứng thứ hai khu vực vào 2038, chỉ đứng sau Indonesia trong số Top 25 nền kinh tế thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong tiến trình APEC

Thành công của các Năm APEC 2006 và APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức cùng những đóng góp quan trọng khác của Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hà ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN