NATO gửi "thông điệp" về gia nhập cho Ukraine

Cánh cửa của NATO vẫn mở, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu hôm 25/11 (ảnh: CNN)

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu hôm 25/11 (ảnh: CNN)

Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề hội nghị Ngoại trưởng NATO tổ chức tại thành phố Bucharest (Romania) hôm 25/11, ông Stoltenberg cho rằng, Ukraine vẫn có cơ hội gia nhập NATO.

“Cánh cửa của NATO luôn mở và chúng tôi đã chứng minh điều này không chỉ bằng lời nói mà còn cả bằng hành động”, ông Stoltenberg nói, lưu ý rằng trong những năm gần đây, Montenegro và Bắc Macedonia đã gia nhập khối. Phần Lan và Thụy Điển cũng đang trong quá trình gia nhập NATO.

“Chúng tôi đã chứng minh rằng cánh cửa của NATO luôn rộng mở và các nước liên minh sẽ quyết định tư cách của quốc gia có nguyện vọng gia nhập khối. Đây cũng là thông điệp chúng tôi gửi tới Ukraine”, ông Stoltenberg nói.

Hôm 30/9, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố đã nộp đơn xin gia nhập đến NATO. Động thái của Kiev được đưa ra cùng ngày Tổng thống Nga Putin ký thỏa thuận sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine, bao gồm Donetsk, Lugasnk, Kherson và Zaporizhia.

Hôm 2/10, ông Stoltenberg cho biết, đơn xin gia nhập của Ukraine phải được 30 thành viên nhất trí. Trong khi đó, Mỹ thể hiện quan điểm rằng Ukraine chưa phù hợp gia nhập NATO khi đất nước đang có xung đột.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 25/11, ông Stoltenberg nhấn mạnh, NATO sẽ không giảm viện trợ cho Ukraine.

“Hầu hết các cuộc chiến đều kết thúc bằng việc đàm phán. Nhưng những gì xảy ra trên bàn đàm phán lại phụ thuộc lớn vào những gì xảy ra trên chiến trường. Vì vậy, cách tốt nhất để tăng khả năng đạt được giải pháp hòa bình là tiếp tục ủng hộ Ukraine”, ông Stoltenberg nói.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cho tới khi Ukraine còn cần. Chúng tôi sẽ không lùi bước”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Nga đã nhiều lần bác bỏ quan điểm trên, cho rằng việc NATO tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột thêm căng thẳng.

Theo ông Stoltenberg, trong thời gian tới, NATO sẽ tăng hỗ trợ trang bị phi sát thương cho Ukraine, bao gồm cung cấp nhiên liệu, vật tư y tế, máy phát điện, trang phục chiến đấu mùa đông và thiết bị gây nhiễu máy bay không người lái.

Kiev tối tăm vì mất điện khi mùa đông tới (ảnh: CNN)

Kiev tối tăm vì mất điện khi mùa đông tới (ảnh: CNN)

Về vấn đề Ba Lan đề nghị Đức gửi hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, ông Stoltenberg cho rằng điều đó phụ thuộc vào quyết định của riêng Đức.

“Có nhiều cách để Ukraine vận hành các hệ thống vũ khí hiện đại của NATO mà không cần triển khai nhân viên NATO ở nước này. Về việc gửi đi một hệ thống vũ khí cụ thể, đây là quyết định của từng quốc gia”, ông Stoltenberg nói.

Theo ông Stoltenberg, quân đội Ukraine đang vận hành hệ thống phòng không tên lửa NASAMS. Đây là ví dụ cho thấy binh sĩ Ukraine có thể sử dụng các vũ khí hiện đại của NATO mà không cần sự hiện diện của khối này trong xung đột.

Trước đó, hôm 25/11, Đức cho rằng việc gửi Patriot cần sự đồng ý của tất cả 30 nước thành viên NATO.

Sau phát biểu của ông Stoltenberg, Christiane Hoffmann – phát ngôn viên chính phủ Đức – cho biết, Berlin đang thảo luận với các nước đồng minh về việc gửi Patriot cho Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Ba Lan muốn đưa Patriot ra ngoài lãnh thổ NATO để giúp Ukraine: Đức trả lời

Đề nghị chuyển thẳng hệ thống phòng không Patriot của Đức sang Ukraine được cho là nước đi “khôn khéo” của Ba Lan, nhưng Berlin không hài lòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – CNN, TASS ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN