NATO có lãnh đạo mới, Nga lên tiếng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết nước này không mong đợi bất kỳ thay đổi nào về chính sách từ tân Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte.

Ông Mark Rutte phát biểu ngày 1/10 tại trụ sở liên minh ở Brussels (Bỉ). (Ảnh: Reuters)

Ông Mark Rutte phát biểu ngày 1/10 tại trụ sở liên minh ở Brussels (Bỉ). (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố được Nga đưa ra sau khi cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thay thế ông Jens Stoltenberg và chính thức trở thành Tổng thư ký NATO.

"Chúng tôi cho rằng NATO sẽ tiếp tục làm theo những gì họ đang làm", người phát ngôn Điện Kremlin nói với các phóng viên, và cho biết thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin biết rất rõ ông Rutte qua các cuộc gặp trước đây.

"Có thời điểm, từng có hy vọng vào khả năng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Hoặc ít nhất là đã từng có một cuộc đối thoại như vậy. Nhưng sau đó chúng tôi biết rằng Hà Lan có lập trường không thể hòa giải, một lập trường về việc loại bỏ hoàn toàn mọi liên hệ với Nga", ông Peskov nói. "Do đó, chúng tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ điểm mới đáng kể nào trong chính sách của liên minh".

Ông Rutte đảm nhiệm vị trí người đứng đầu NATO vào thời điểm then chốt trong cuộc xung đột ở Ukraine, khi các lực lượng Nga đang đạt được những bước tiến quan trọng ở Donbass, và chỉ hơn một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

"Chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng thế như một quốc gia có chủ quyền, độc lập và dân chủ", ông Rutte nói với các phóng viên tại trụ sở NATO hôm nay.

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bắt tay người kế nhiệm Mark Rutte. (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bắt tay người kế nhiệm Mark Rutte. (Ảnh: Reuters)

Các quan chức và nhà ngoại giao kỳ vọng ông Rutte sẽ tiếp tục duy trì những ưu tiên của người tiền nhiệm, bao gồm: Kêu gọi sự ủng hộ cho Ukraine, thúc đẩy các quốc gia NATO chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, và gắn Mỹ với vấn đề an ninh châu Âu.

Phát biểu sau khi nhậm chức, ông Rutte cũng gạt bỏ mối lo ngại trong liên minh về cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ.

"Tôi không lo lắng. Tôi biết rất rõ cả hai ứng viên", ông Rutte nói. "Tôi đã làm việc bốn năm với ông Donald Trump. Ông ấy là người thúc đẩy chúng ta chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, và ông ấy đã đạt được điều đó. Vì thực tế là, hiện tại, mức chi tiêu của chúng ta đang cao hơn nhiều so với trước khi ông ấy nhậm chức".

"Bà Kamala Harris cũng có thành tích tuyệt vời với tư cách phó tổng thống. Bà ấy là một nhà lãnh đạo được kính trọng. Vì vậy tôi có thể làm việc với cả hai người", ông nói.

Một trong những nhiệm vụ chính của ông Rutte là thuyết phục các thành viên NATO triển khai thêm lực lượng, vũ khí và chi tiêu để hiện thực hóa các kế hoạch phòng thủ mới.

NATO đưa ra quyết định trên cơ sở đồng thuận, vì vậy, vai trò quan trọng của tổng thư ký là tìm ra tiếng nói chung giữa các thành viên.

"Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa về phòng thủ tập thể và răn đe. Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa và thu hẹp khoảng cách về năng lực giữa các quốc gia, cố gắng đạt được tất cả các mục tiêu mà NATO đã đặt ra", tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Khi ông Mark Rutte tiếp quản vị trí của ông Jens Stoltenberg, tân Tổng thư ký NATO sẽ phải vượt qua “cái bóng” rất lớn của người tiền nhiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Hạnh - Reuters ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN