Một phụ nữ Việt từng thoát án tử hình ở Malaysia
Một phụ nữ Việt Nam từng thoát án tử hình ở Malaysia vào năm 2016, sau khi có thêm bằng chứng về việc người phụ nữ này bị lừa mang ma túy.
Đoàn Thị Hương mặc áo chống đạn khi được cảnh sát áp giải ra khỏi tòa. Ảnh: AP.
Theo The Malaysian Online, năm 2012, người phụ nữ Việt Nam có tên Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết bị Tòa án Tối cao thành phố George Town, bang Penang, Malaysia kết án tử hình vì tội vận chuyển hơn 2kg methamphetamine.
Tuyết bị bắt giữ khi mang theo ma túy tại sân bay Quốc tế Penang năm 2011.
Tại phiên tòa xét xử, Tuyết một mực khai rằng mình xách hộ chiếc túi của bạn là Trần Thanh Tâm, mà không biết bên trong có chứa ma túy. Theo lời Tuyết, người bạn nói với cô đó là túi quần áo mẫu.
Ngày 20.3.2015, Tuyết bị mất quyền kháng cáo tại Tòa Phúc thẩm mặc dù hai cảnh sát Việt Nam đã làm chứng về Tuyết bị lừa mang ma túy.
Trong phiên tòa xét xử tại tòa án liên bang Malaysia một năm sau đó, ba nhân chứng người Việt Nam đứng ra bảo vệ cho Tuyết.
Cuối cùng, Chủ tọa phiên tòa cho rằng, với những bằng chứng mới được đưa ra, việc buộc tội buôn bán ma túy và tuyên án tử hình là không phù hợp với trường hợp của Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết.
Ngày 28.3.2016, Tòa án Liên bang Malaysia chính thức hủy bỏ án tử hình bằng hình thức treo cổ đối với Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết. Tuy nhiên, người này vẫn phải lĩnh án 20 năm tù giam do sở hữu ma túy.
Đoàn Thị Hương và nghi phạm người Indonesia đối mặt với mức án tử hình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Tuyết. Trong giai đoạn từ năm 1970-2001, cơ quan thực thi pháp luật ở Malaysia đã tử hình 359 phạm nhân.
Trong trường hợp của Đoàn Thị Hương,nghi phạm người Việt Nam liên quan đến cái chết của công dân Triều Tiên, tòa án Malaysia ngày 1.3 đã buộc tội giết người với Hương. Theo Điều 302 bộ luật hình sự Malaysia, “bất cứ ai phạm tội giết người sẽ phải chịu tử hình”.
Đoàn Thị Hương sẽ có cơ hội bào chữa cho mình trong phiên tòa ngày 13.4 tới. Nếu thành công, có một khả năng là tòa án Malaysia chỉ kết tội Hương theo Điều 304.
Điều này quy định hành vi giết người nhưng chưa cấu thành tội giết người. Theo đó, người bị kết tội có thể bị phạt tù trong thời hạn kéo dài đến 10 hoặc 30 năm, bị phạt tiền hoặc chịu đồng thời cả 2 hình phạt.
Nếu kháng cáo không thành công, khả năng cuối cùng để phạm nhân thoát án tử hình là xin khoan hồng.
Việc ban lệnh khoan hồng là đặc quyền người đứng đầu mỗi bang tại nơi tội ác xảy ra hoặc nhà vua nếu tội ác xảy ra trên lãnh thổ liên bang, bao gồm Kuala Lumpur, Putrajaya và Labuan.
Theo Mục 281 Bộ luật hình sự Malaysia, án tử hình được thực hiện bằng cách treo cổ. Phụ nữ có thai và trẻ em không thể bị kết án tử hình.
Tổ chức Ân xá quốc tế nhiểu lần chỉ trích cách Malaysia đưa ra án tử hình, vì cho rằng chưa phù hợp với Quy ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Tòa án không cân nhắc hoàn cảnh riêng của bị cáo hay hoàn cảnh dẫn đến tội ác trong lúc xét xử.
Hệ thống luật pháp Malaysia được xây dựng dựa trên Hệ thống luật của Anh thời kỳ thuộc địa. Luật Hồi giáo được áp dụng riêng đối với người Hồi giáo.