Mong manh kiềm chế giữa Israel và 'trục kháng chiến' của Iran

Giới quan sát cho rằng căng thẳng gần đây giữa Israel và Iran có thể thúc đẩy một cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và "trục kháng chiến" của Iran ở Trung Đông, đặc biệt với nhóm vũ trang Hezbollah ở biên giới Lebanon.

Trong bảy tháng qua, căng thẳng dọc biên giới Israel-Lebanon đã leo thang đáng kể. Israel hiện đã triển khai 100.000 quân tới biên giới phía bắc để đối đầu với nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah (Lebanon) và giao tranh ở đó ngày càng gia tăng.

Gần 400 người Lebanon đã thiệt mạng, 90.000 người đã phải di dời khỏi khoảng 100 thị trấn và làng mạc dọc biên giới Israel-Lebanon. Trong khi đó, Hezbollah đã cố gắng thể hiện sự ủng hộ với cuộc chiến của Hamas ở Dải Gaza bằng cách bắn rocket gần như hàng ngày vào các thị trấn và mục tiêu quân sự của Israel, khiến gần 80.000 người Israel phải di tản và hàng chục dân thường Israel thiệt mạng.

Dù đụng độ biên giới xảy ra hằng ngày nhưng cả Israel và Hezbollah đều cho thấy sự kiềm chế để tránh một cuộc xung đột toàn diện. Tuy nhiên, các đòn tấn công ăn miếng trả miếng gần đây giữa Israel và Iran sau vụ Đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích đã đảo ngược sự cân bằng mong manh trong khu vực, theo tạp chí Foreign Affairs.

Người Lebanon xem bài phát biểu của Lãnh đạo nhóm Hezbollah - ông Sayyed Hassan Nasrallah ở thủ đô Beirut Lebanon hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS

Người Lebanon xem bài phát biểu của Lãnh đạo nhóm Hezbollah - ông Sayyed Hassan Nasrallah ở thủ đô Beirut Lebanon hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS

Đã qua giai đoạn kiềm chế

Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát vào ngày 7-10-2023, Iran đã thu được lợi ích chiến lược bằng cách cố gắng mở rộng sự ủng hộ từ các nước Ả Rập phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Tehran cũng tìm cách tăng cường hợp tác với Nga ở Syria, nơi các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các vị trí của Iran ngày càng gia tăng.

Dù vậy, Iran đã tính toán cẩn thận hành động để ngăn chặn một cuộc chiến tranh tổng lực. Trong nhiều thập niên, Iran đã xây dựng ảnh hưởng trên khắp Trung Đông bằng mạng lưới thân Iran hay thường được gọi là “trục kháng chiến”. Về lý thuyết, nếu một thành viên của trục này bị Israel tấn công thì các thành viên khác sẽ đứng ra bảo vệ.

Nhưng thực tế cho thấy Iran thời gian qua đã hành động khá kiềm chế. Điều này thể hiện qua thái độ tránh leo thang của Tehran trong xung đột Israel - Hamas. Ngoài ra, kể từ năm 2017, Israel đã tấn công các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Syria, tấn công mạng và ám sát nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Iran nhưng phản ứng của Iran được cho là không quá gay gắt.

Về Hezbollah, đối với Iran, Hezbollah cũng như các nhóm Hồi giáo vũ trang khác không chỉ giúp Tehran thể hiện sự ảnh hưởng trong khu vực mà còn bảo vệ lợi ích và ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào vào lãnh thổ Iran. Thế nên, một cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Hezbollah và Israel sẽ phá hủy tuyến phòng thủ đầu tiên của Iran. Đó là lý do khiến Iran trước đây cố gắng hạ nhiệt Hezbollah.

Bên cạnh đó, trước ngày 7-10-2023, giữa Israel và Hezbollah đã tồn tại một thỏa thuận ngừng bắn giúp giữ cho biên giới Israel-Lebanon bình yên.

Thời thế đổi thay

Giờ đây, sự cân bằng lợi ích, vốn thúc đẩy sự kiềm chế của Iran đang thay đổi và đã có sự chuyển hướng theo hướng cứng rắn trong cả chính phủ Iran và Israel từ sau vụ Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích.

Về phía Iran, nền chính trị trong nước của Iran đang đối mặt với tình trạng hỗn loạn do khủng hoảng kinh tế, các cuộc biểu tình rầm rộ đòi quyền phụ nữ vào năm 2022, và các cuộc xung đột sắc tộc gần đây. Giới cầm quyền ở Tehran hiện có nhu cầu cấp thiết khôi phục khả năng răn đe bên ngoài và giải quyết các thách thức bên trong.

Trong khi đó, Israel đang cố gắng khôi phục khả năng răn đe an ninh sau vụ tấn công ngày 7-10-2023. Trong bảy tháng qua, Israel hiểu rằng nước này có thể thực hiện các hoạt động quân sự quy mô lớn ở Gaza mà không vấp phải phản ứng quá gay gắt từ phương Tây.

Theo Foreign Affair, chính phủ Israel “thoáng nhìn thấy” cơ hội để giải quyết các vấn đề khác ngoài Hamas. Giới lãnh đạo Israel đã nhiều lần tuyên bố sẽ loại bỏ nguy cơ do Hezbollah gây ra.

Biên giới Israel - Lebanon giờ đây trở thành “mặt trận tác chiến” và là “thách thức lớn nhất và cấp bách nhất” đối với Israel - ông Benny Gantz, lãnh đạo đảng đối lập Xanh-Trắng và là một thành viên nội các thời chiến Israel, nhận định cuối tháng 4.

Nội các thời chiến của Israel đã tranh luận về nhiều lựa chọn quân sự khác nhau để yêu cầu Hezbollah thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về việc rút lực lượng ra ngoài sông Litani (Lebanon).

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể sẽ muốn có một cuộc chiến để giải quyết vấn đề ở biên giới Lebanon nhằm củng cố vị thế của ông đang bị suy giảm trong nước.

Đến nay, áp lực ngoại giao của Mỹ với Israel đã giúp ngăn chặn cuộc chiến ở Gaza mở rộng sang Lebanon. Tuy nhiên, Israel hiện tại có đủ động lực cho một cuộc chiến với Hezbollah. Đầu tháng 4, Lực lượng Phòng vệ Israel đã tuyên bố “sẵn sàng chuyển từ phòng thủ sang tấn công” ở biên giới Lebanon. Kể từ đó, các cuộc tấn công có chủ đích của Israel ở Lebanon ngày càng gia tăng.

“Vấn đề có thể không còn là liệu Israel có tấn công Lebanon hay không mà là cuộc tấn công sẽ xảy ra khi nào” - bà Maha Yahya giám đốc viện nghiên cứu về Trung Đông Malcolm H. Kerr Carnegie Middle East Center (Lebanon) viết trên Foreign Affair.

Viễn cảnh xung đột

Hiện trường một địa điểm ở Lebanon nghi bị trúng không kích của Israel hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS

Hiện trường một địa điểm ở Lebanon nghi bị trúng không kích của Israel hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS

Giới quan sát dự đoán nếu thực sự xảy ra, một cuộc tấn công tổng lực của Israel vào Lebanon có thể bao gồm một cuộc đổ bộ hạn chế hoặc toàn diện, đi kèm các đợt oanh tạc trên không nhắm vào các khu vực dân sự.

Bằng chứng là Israel đang đều đặn phân bổ nguồn lực quân sự cho khu vực phía bắc nước này.

Một số đánh giá trong hơn sáu tháng qua của cả tình báo Mỹ và Israel đã chỉ ra rằng nếu chiến tranh nổ ra giữa Hezbollah và Israel, Israel sẽ chịu tổn thất đáng kể về cả cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự.

Một cuộc xung đột như vậy có thể sẽ lôi kéo sự tham gia của các nhóm thân Iran trong khu vực với mức độ phối hợp cao hơn những gì đã chứng kiến trong xung đột Israel-Hamas. Lãnh đạo nhóm Hezbollah - ông Sayyed Hassan Nasrallah Có mối quan hệ cá nhân đặc biệt bền chặt với các nhóm thân Iran khác trong khu vực.

Trong nhiều năm qua, Hezbollah đã tích cực đào tạo, hợp tác và hỗ trợ về chuyên môn cho nhóm thân Iran ở Iraq, nhóm vũ trang Houthis (Yemen) và nhóm Hamas. Tại Syria, Hezbollah tích cực hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và duy trì sự hiện diện quân sự, đặc biệt là gần biên giới Syria với Israel.

Bên cạnh đó, Iran cũng đã thành lập một số nhóm ủy nhiệm nhỏ hơn ở Syria, chủ yếu gồm người Afghanistan và Pakistan theo Hồi giáo Shiite. Iran có thể chỉ đạo các nhóm này tham gia vào cuộc xung đột Israel-Hezbollah nếu xung đột bùng phát.

Chưa dừng lại ở đó, sự leo thang toàn diện hơn trong khu vực cũng gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều cuộc tấn công hơn của các lực lượng thân Iran nhắm vào lực lượng Mỹ đóng quân ở Iraq, Jordan và Syria.

Ở chiều ngược lại, những cuộc tấn công như vậy có thể sẽ dẫn tới nhiều phản ứng nguy hiểm hơn từ Mỹ. Ngay cả khi nhóm thân Iran không có khả năng gây ra mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với Israel, thì việc ngày càng nhiều rocket từ nhiều quốc gia trong khu vực nhắm vào Israel có thể thúc đẩy Mỹ và các đồng minh phương Tây tham gia nhiều hơn về mặt quân sự, không chỉ bằng cách bảo vệ không phận Israel mà bằng cách tấn công trực tiếp vào các đối thủ của Israel.

Trung Quốc và Nga khó có thể trực tiếp bị lôi kéo vào một cuộc xung đột ở Trung Đông, nhưng cũng khó có thể làm gì nhiều để ngăn chặn xung đột này. Hai nước khả năng sẽ sử dụng tư cách thành viên thường trực tại HĐBA LHQ để kiềm chế Mỹ và ngăn chặn các nghị quyết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Iran.

Giải pháp tránh một cuộc xung đột toàn diện

Cách duy nhất mà các bên liên quan, nhất là Mỹ, có thể tránh được vòng xoáy xung đột là tập trung vào đối thoại giảm leo thang. Giữa tháng 4, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã gặp người đứng đầu cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin để nhờ làm trung gian hòa giải giữa Israel và Iran. Vào tháng 4, Oman và Thụy Sĩ đóng vai trò là kênh liên lạc hiệu quả giữa Iran và Mỹ. Qatar đang môi giới một thỏa thuận thả con tin Israel và ngừng bắn ở Gaza.

Tuy nhiên, các bên không nên phớt lờ một cuộc đàm phán giữa Israel và Hezbollah nhằm giải quyết căng thẳng hiện tại cũng như các tranh chấp còn tồn đọng xung quanh vấn đề biên giới. Năm qua, các vòng đàm phán đã giải quyết được 6 trong số 13 tranh chấp biên giới.

Gần đây, Đặc phái viên Mỹ về các cuộc đàm phán giữa Israel và Hezbollah - ông Amos Hochstein đã đề nghị phương Tây giúp xây dựng lại các thị trấn và làng mạc ở Lebanon mà Israel đã phá hủy trong sáu tháng qua. Tuy nhiên, Hezbollah vẫn khẳng định rằng sẽ không tiếp tục đàm phán nếu không có lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Sự leo thang hồi tháng 4 giữa Iran và Israel cũng khiến các cuộc đàm phán giữa Israel-Hezbollah trở nên khó khăn hơn.

Giới phân tích nhận định giải pháp khả dĩ lúc này là tổ chức các cuộc đàm phán về biên giới Lebanon song song với đàm phán ngừng bắn ở Gaza. Trường hợp chỉ có thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể thúc đẩy sự leo thang giữa Israel và Hezbollah nếu Israel coi việc chấm dứt chiến sự ở Gaza là cơ hội để tái tập trung sự chú ý về biên giới phía bắc.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong bối cảnh quan hệ Israel - Iran đang trở nên căng thẳng sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và hàng trăm máy bay không người lái của Iran vào bên trong lãnh thổ Israel hôm 13/4 vừa qua, vụ tấn công bằng máy bay không người lái gần căn cứ quân sự phía Tây Bắc thành phố Isfahan, miền Trung Iran hôm 19/4 đang khiến thế giới lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện lan rộng khắp Trung Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Tin tức Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN