Máy bay lần đầu bay cao đến mức máu người sôi “sùng sục”
Máy bay đã bay qua Giới hạn Armstrong - độ cao khiến máu trong cơ thể con người sôi nếu không được bảo vệ.
Máy bay Airbus Perlan Mission II
Một chiếc máy bay thử nghiệm vừa bay đến một độ cao kỷ lục, CNN đưa tin.
Máy bay Airbus Perlan Mission II đạt độ cao hơn 76.000 feet, tức 23.165 mét, bằng cách “lướt trên sóng áp suất khí quyển”. Đây là độ cao kỷ lục đối với một chiếc máy bay có cánh có người lái.
Điều này có nghĩa là máy bay đã vượt Giới hạn Armstrong - độ cao khiến máu trong cơ thể con người sôi nếu không được bảo vệ.
Chuyến bay kỷ lục được thực hiện bởi cơ trưởng Jim Payne và cơ phó Morgan Sandercock.
Theo CNN, máy bay Perlan 2 đã sử dụng một hệ thống thở tái tạo khép kín độc đáo có mục đích giảm thiểu lượng oxy cần thiết cần mang đi.
Tom Perers, CEO của Airbus, cho biết: “Dự án Perlan đang làm được điều dường như là không thể, và sự hỗ trợ của chúng tôi trong dự án này gửi thông điệp tới nhân viên, nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh rằng chúng tôi sẽ luôn hướng tới những điều phi thường”.
Perlan 2 đã đạt độ cao hơn 23.165 mét - độ cao kỷ lục đối với một chiếc máy bay có cánh có người lái.
Được chế tạo ở Oregon nước Mỹ, Perlan 2 có sải cánh dài 26 m và nặng 816 kg.
Perlan 2 được thiết kế để bay lên tới 90.000 feet (27.430 m) ở rìa giáp với vũ trụ. Phi hành đoàn sẽ thực hiện các chuyến bay cao hơn nữa ở Argentina từ nay đến giữa tháng 9.
"Ở độ cao đó, có thể nhìn thấy các ngôi sao ngay cả vào ban ngày", phi công Payne nói với CNN. "Chuyện này sẽ rất vui, chắc chắn là vậy".
Hai ghế ngồi trong buồng lái có kích thước của ghế văn phòng.
"Nó rất thoải mái", phi công nói thêm. "Khi bay những chuyến bay dài, bạn liên tục phân tích những gì xảy ra xung quanh: thời tiết, dòng gió, tình hình kiểm soát không lưu…, vì vậy thời gian trôi qua khá nhanh”.
Các thiết bị khoa học trên máy bay sẽ thu thập dữ liệu để nghiên cứu thời tiết và hiện tượng khí quyển, điều có thể tiết lộ thêm về cách máy bay vận hành ở độ cao này.
Loại máy bay lớn nhất trên thế giới hiện nay dự kiến sẽ lần đầu tiên cất cánh vào năm 2019.