Lý do voi và lừa trở thành biểu tượng bầu cử Mỹ

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Voi và lừa từ lâu đã được coi như biểu tượng của đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ trong các cuộc bầu cử, bắt nguồn từ những bức tranh châm biếm.

Mỗi mùa bầu cử đến, hình minh họa về những con lừa và voi lại ngập tràn trên các bộ phim hoạt hình chính trị, các điểm vận động tranh cử, hình ảnh châm biếm trên Internet...

Lừa, hình ảnh đại diện cho đảng Dân chủ, và voi, đại diện cho đảng Cộng hòa, từ lâu đã ăn sâu vào văn hóa Mỹ, với mức độ nhận biết sánh ngang ông già Noel hay chú Sam.

Biểu tượng voi của đảng Cộng hòa và lừa của đảng Dân chủ. Ảnh: Britannica

Biểu tượng voi của đảng Cộng hòa và lừa của đảng Dân chủ. Ảnh: Britannica

Câu chuyện con lừa trở thành biểu tượng cho đảng Dân chủ bắt đầu từ 196 năm trước, trong chiến dịch tranh cử của Andrew Jackson.

Cố tổng thống Mỹ Jackson là một đảng viên Dân chủ theo chủ nghĩa dân túy, với khẩu hiệu tranh cử năm 1828 là "Hãy để người dân nắm quyền". Jackson cam kết gạt sang bên lề giới tinh hoa mà ông cho rằng đang hủy hoại nền dân chủ Mỹ.

Lúc bấy giờ, các đối thủ đảng Cộng hòa gọi Jackson bằng biệt danh "jackass", từ vừa có nghĩa là kẻ khờ, vừa có nghĩa là con lừa. Tuy nhiên, Jackson không tỏ ra khó chịu, mà nhận ra đây là cơ hội để tăng nhận diện cá nhân cũng như cho đảng Dân chủ trong bầu cử.

Jackson quyết định đưa hình ảnh con lừa vào áp phích tranh cử. Cuối cùng, ông đã đánh bại tổng thống đương nhiệm John Quincy Adams và trở thành tổng thống Dân chủ đầu tiên của nước Mỹ.

Vài năm sau đó, hình ảnh con lừa vẫn được sử dụng để chỉ Jackson, như trong bức tranh biếm họa "Hãy để mọi người tự lo" năm 1833 của tác giả Anthony Imbert. Tác phẩm này mỉa mai những nỗ lực của Jackson nhằm trao cho Ngân hàng Mỹ quyền tái phân bổ ngân sách tới các ngân hàng chi nhánh ở nhiều bang.

Tranh biếm họa "Hãy để mọi người tự lo" năm 1833. Ảnh: Universal History Archive

Tranh biếm họa "Hãy để mọi người tự lo" năm 1833. Ảnh: Universal History Archive

Trong tranh, Jackson bị mô tả là con lừa gây hỗn loạn với việc lao vào đàn gà con, đại diện cho hệ thống tài chính Mỹ. Jackson vốn luôn kiên quyết đối đầu với Ngân hàng Mỹ, tổ chức sau này trở thành Bộ Tài chính, bởi ông cho rằng đây là một cơ quan tham nhũng, cáo buộc họ cản trở đầu tư vào kế hoạch mở rộng về phía tây của Mỹ.

Đảng Cộng hòa được thành lập vào năm 1854 và 6 năm sau, Abraham Lincoln trở thành thành viên đầu tiên được bầu vào Nhà Trắng. Hình ảnh con voi được dùng làm biểu tượng cho đảng Cộng hòa trong ít nhất một bức tranh biếm họa chính trị và một ảnh hình minh họa trên báo thời kỳ Nội chiến, khi "nhìn thấy con voi" là cách diễn đạt được binh lính sử dụng để ám chỉ trải nghiệm chiến đấu.

Nhưng hình ảnh con voi chỉ bắt đầu trở thành biểu tượng cho đảng Cộng hòa sau khi Thomas Nast, người được coi là cha đẻ của tranh biếm họa chính trị hiện đại, dùng trong các bức vẽ đăng trên tạp chí Harper's Weekly.

Tranh biếm họa "Cơn hoảng loạn nhiệm kỳ ba" năm 1874. Ảnh: Kean Collection

Tranh biếm họa "Cơn hoảng loạn nhiệm kỳ ba" năm 1874. Ảnh: Kean Collection

Bức tranh Cơn hoảng loạn nhiệm kỳ ba đăng năm 1874 thường được cho là cội nguồn biến hình ảnh con voi trở thành biểu tượng cho đảng Cộng hòa.

Trong những tháng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tờ New York Herald, lúc đó đang ủng hộ một số ứng viên đảng Dân chủ, đã tung tin đồn rằng tổng thống Ulysses Grant, người thuộc đảng Cộng hòa, đang dự tính tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 1876. Điều này không bất hợp pháp vào thời điểm đó, trước khi Tu chính án thứ 22 ra đời, nhưng chắc chắn không được tán thành.

Nast, người ủng hộ đầy tự hào của đảng Cộng hòa, đã vẽ tờ New York Herald như một con lừa bên trong lớp da và lông sư tử, khiến những con vật khác sợ hãi bằng những câu chuyện hoang đường về chính quyền Grant. Trong số những loài động vật đang hoảng sợ này có một con voi khổng lồ trên thân có ghi dòng chữ "lá phiếu của đảng Cộng hòa" đứng bên vách đá.

Trong những bức tranh biếm họa khác, Nast cũng mô tả đảng Dân chủ là con lừa, làm nổi bật trở lại biểu tượng phần lớn bị lãng quên sau khi Jackson rời nhiệm sở.

Nast không phải họa sĩ đầu tiên so sánh con người với động vật. Ông thậm chí không phải nghệ sĩ đầu tiên so sánh đảng Cộng hòa với loài voi hay đảng Dân chủ với con lừa.

Nhưng cái nhìn sâu sắc của Nast khi thể hiện nền chính trị Mỹ như một bầy thú lớn, lộn xộn, hỗn loạn đã gây ấn tượng đặc biệt với công chúng.

Vào những năm 1880, Nast là nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất Mỹ, kẻ thù không đội trời chung với những kẻ lừa đảo ở cả cánh hữu và cánh tả. Nhưng sau đó, như trò đùa của số phận, Nast đánh mất hết tài sản vào một mô hình đa cấp, dù ông đã dành cả đời cảnh báo về nó. Năm 1890, ông gắng gượng dậy bằng cách xuất bản một cuốn sách minh họa Giáng sinh.

Tranh biếm họa năm 1879 của Nast mô tả đảng Dân chủ bằng hình ảnh con lừa và đảng Cộng hòa là con voi. Ảnh: Kean Collection

Tranh biếm họa năm 1879 của Nast mô tả đảng Dân chủ bằng hình ảnh con lừa và đảng Cộng hòa là con voi. Ảnh: Kean Collection

Tuy nhiên, Nast dường như đã mất đi một phần động lực sáng tạo mà ông từng có được ở Harper's và ông trải qua thập kỷ cuối đời trong tình trạng sức khỏe yếu, đau đớn nhận ra rằng hào quang của mình đã ở lại phía sau.

Nhưng hình ảnh voi và lừa vẫn giữ được sức hút trong nền chính trị Mỹ nhờ ngòi bút khéo léo của Nast. Cho đến nay, chúng vẫn được công chúng nhớ đến như là biểu tượng cho đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Cả hai đảng cũng nhiệt tình đón nhận linh vật của họ, bất chấp việc chúng thường xuyên xuất hiện với hình ảnh kém cỏi, ngu ngốc trong những bức tranh biếm họa do Nast chắp bút.

Hình ảnh con voi và con lừa ngày càng trở nên phổ biến trong bầu cử Mỹ, nhưng không phải lúc nào cũng giống nhau và hai đảng cũng không có quy chuẩn cụ thể cho các biểu tượng đó.

Năm 2008, Sean Cairncross, tư vấn viên trưởng của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, cho hay biểu tượng con voi của đảng được cách điệu với hai màu đỏ và xanh cùng ba ngôi sao trên lưng. Trong khi đó, biểu tượng con lừa của đảng Dân chủ có 4 ngôi sao trên lưng nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ, do kích cỡ những ngôi sao này bé hơn so với đảng Cộng hòa.

Nguồn: [Link nguồn]

Chính sách của hai ứng viên hàng đầu cho ghế tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim phó Tổng thống Kamala Harris ra sao đối với hai cuộc chiến lớn ở Ukraine và Gaza?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Hoàng (History, CNN) ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN