Liên tục bị Nga nã tên lửa, thành phố "sát vách" NATO quan trọng với Ukraine ra sao?

Cách biên giới Ba Lan chỉ hơn 70 km, Lviv – thành phố ở miền tây Ukraine – nằm ngay “cửa ngõ” NATO. Trong khi quân đội Nga liên tục trút hỏa lực vào Lviv, một số chuyên gia lo ngại điều này có thể gây ra phản ứng quốc tế.

Bản đồ cho thấy trong khi bị bao vây 3 mặt, Ukraine vẫn có thể liên hệ với phương Tây từ Lviv (ảnh: CNN)

Bản đồ cho thấy trong khi bị bao vây 3 mặt, Ukraine vẫn có thể liên hệ với phương Tây từ Lviv (ảnh: CNN)

Hôm 18.3, Lviv bị nã tên lửa dữ dội. Chính quyền thành phố giáp Ba Lan – nước thành viên NATO – cho biết, quân đội Nga bắn tổng cộng 6 quả tên lửa vào Lviv, 2 trong số đó bị bắn chặn. Một số thông tin ban đầu cho rằng tên lửa Nga bắn trúng sân bay quốc tế Danylo Halytskyi ở Lviv. Tuy nhiên, chính quyền thành phố sau đó khẳng định chỉ có một nhà máy sửa chữa máy bay bị hư hại sau vụ tấn công.

Trước đó, hôm 13.3, Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế (IPSC) ở ngoại ô Lviv cũng bị thiệt hại nghiêm trọng do quân đội Nga phóng tên lửa. Thống đốc Lviv Maksym Kozytskyy tuyên bố, Nga phóng 30 tên lửa vào IPSC, khiến 35 người thiệt mạng.

Trong khi đường bờ biển bị Nga kiểm soát và biên giới phía bắc với Belarus bị phong tỏa, Lviv – thành phố rộng hơn 182 km vuông với dân số hơn 760.000 người – được cho là tuyến đường quan trọng nhất giúp Ukraine nhận vũ khí viện trợ từ NATO.

Việc căn cứ IPSC bị tấn công xảy ra ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo các đoàn xe chở vũ khí của phương Tây có thể trở thành “mục tiêu hợp pháp” của lực lượng Nga, TASS đưa tin ngày 12.3.

Theo CNN, nếu sân bay quốc tế Danylo Halytskyi ở Lviv thực sự hư hỏng do quân đội Nga nã tên lửa, đây sẽ là tổn thất lớn đối với Ukraine khi việc tiếp nhận viện trợ quân sự của NATO bị cản trở. Hôm 18.3, chính quyền Lviv cũng kêu gọi người dân và phương tiện truyền thông không đăng ảnh hiện trường vụ tấn công bằng tên lửa của Nga.

Theo một số chuyên gia, Ukraine “gặp may mắn” khi lực lượng Nga chủ yếu tập trung ở phía bắc, phía đông chứ không phải phía tây. Trong khi kiểm soát chặt chẽ đường bờ biển phía nam, Nga dường như “để ngỏ” các thành phố phía tây như Lviv để người tị nạn Ukraine di chuyển sang các nước láng giềng.

Khói đen bốc lên ở Lviv sau khi Nga tấn công bằng tên lửa (ảnh: CNN)

Khói đen bốc lên ở Lviv sau khi Nga tấn công bằng tên lửa (ảnh: CNN)

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Lviv đã tiếp nhận hơn 200.000 người tị nạn đang tìm cách vượt biên sang Ba Lan. Nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Ukraine cũng chuyển trụ sở về đây để đảm bảo an ninh. Lviv được coi là “thiên đường” với người tị nạn ở Ukraine. Tuy nhiên, 2 vụ tấn công gần đây cho thấy thành phố này không an toàn như nhiều người nghĩ ban đầu.

Lviv được xem là “thủ đô văn hóa” của Ukraine. Theo UNESCO, Lviv là thành phố lưu giữ đầy đủ nhất những cổ vật và nét văn hóa Ukraine thời trung cổ. Đây cũng là nơi cất giữ nhiều bản thảo tôn giáo quý hiếm của châu Âu.

Ngày 17.9.1989, Lviv là nơi diễn ra cuộc biểu tình lớn nhất ủng hộ việc Ukraine tách khỏi Liên Xô với hơn 100.000 người tham gia.

“Không thể chối cãi, Lviv là thủ đô văn hóa, tinh thần và bản sắc của Ukraine”, UNESCO miêu tả.

Đầu tháng 3, UNESCO đã liên hệ với nhiều cơ quan ở Ukraine nhằm tìm cách bảo vệ các di sản văn hóa ở Lviv.

Nguồn: [Link nguồn]

Ukraine: Quân đội Nga tuyên bố tiến vào trung tâm Mariupol, TP gần Ba Lan trúng 4 tên lửa

Hôm 18.3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này cùng lực lượng đồng minh ly khai đã tiến vào trung tâm Mariupol – thành phố cảng có vị trí chiến lược ở phía đông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – CNN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN