Liban: Chính phủ giải tán sau vụ nổ kinh hoàng

Toàn bộ nội các Liban đã từ chức đồng nghĩa với việc chính phủ nước này sẽ giải tán và chỉ đảm nhiệm việc điều hành, giám sát đất nước tạm thời cho đến khi một chính phủ mới được thành lập, AP đưa tin hôm 10.8.

Vụ nổ kinh hoàng ở Beirut đẩy Liban vào khủng hoảng mọi mặt (ảnh: AP)

Vụ nổ kinh hoàng ở Beirut đẩy Liban vào khủng hoảng mọi mặt (ảnh: AP)

Trước sức ép ngày càng lớn từ người biểu tình và hậu quả sau vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut hôm 4.8, các bộ trưởng thuộc chính phủ của Thủ tướng Liban Hassan Diab đã đồng loạt từ chức.

“Toàn bộ nội các đã từ chức. Thủ tướng sẽ đến gặp Tổng thống để đệ đơn xin từ chức với chữ ký của tất cả các bộ trưởng”, Bộ trưởng Y tế Liban Hamad Hassan tuyên bố trước các phóng viên tại thủ đô Beirut.

Thủ tướng Diab sẽ có bài phát biểu trước người dân, thông báo về việc chính phủ giải tán nhưng vẫn tạm thời điều hành, giám sát đất nước cho đến khi chính phủ mới được thành lập, theo AP.

Việc chính phủ giải tán là kết quả của cuộc họp khẩn cấp được tổ chức sáng ngày 10.8 theo giờ địa phương, trong bối cảnh các quan chức cao cấp Liban từ chức hàng loạt.

Theo hiến pháp Liban, nếu có 7 trong số 20 bộ trưởng từ chức, chính phủ sẽ bị giải tán và một chính phủ mới sẽ được thành lập. Ít nhất 9 nghị sĩ ở Liban cũng từ chức, bày tỏ sự thất vọng đối với chính quyền hiện tại.

Tính đến thời điểm trước khi cuộc họp diễn ra, 4 bộ trưởng Liban đã từ chức.

Cùng hôm 10.8, tòa án Liban đã triệu tập và thẩm vấn hàng loạt quan chức đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia có liên quan đến vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut.

Tướng Tony Saliba – Bộ trưởng An ninh Liban là người đầu tiên bị thẩm vấn. Hàng loạt quan chức cấp cao và tướng lĩnh khác ở Liban cũng sẽ nhận trát của tòa án trong thời gian tới, theo AP.

Bộ An ninh Liban phân trần, cơ quan này đã gửi báo cáo về sự nguy hiểm của kho số 12, trữ hơn 2.700 tấn amoni nitrat cho Văn phòng Tổng thống và Văn phòng Thủ tướng từ ngày 20.7, nhưng không được phản hồi.

Khoảng 20 nhân viên, quan chức hải quan Liban đã bị bắt giữ sau vụ nổ.

Một cô gái bị thương trong vụ nổ ở Liban được đưa đi cấp cứu (ảnh: AP)

Một cô gái bị thương trong vụ nổ ở Liban được đưa đi cấp cứu (ảnh: AP)

Người dân Liban tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình, đổ hoàn toàn trách nhiệm về vụ nổ ở Beirut cho nạn tham nhũng và sự vô trách nhiệm của giới lãnh đạo. Thiệt hại từ vụ nổ lên tới 15 tỷ USD, Liban đang rất cần viện trợ từ quốc tế để tái thiết thủ đô.

Ngày 10.8, Bộ trưởng Tư pháp Liban Marie Claude Najm đã đệ đơn từ chức. Bà Najm cho biết, khi cố gắng đến thăm một khu dân cư bị thiệt hại ở Beirut, bà đã bị người dân mắng mỏ, phun nước vào người và đuổi đi.

Bộ trưởng Tư pháp nói sự phẫn nộ của người dân đối với chính quyền là nguyên nhân khiến bà từ chức.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Liban Ghazi Wazni – người có vai trò rất quan trọng trong các cuộc đàm phán về kế hoạch viện trợ cho Liban – đã từ chức.

Trước đó, Bộ trưởng Môi trường và Bộ trưởng Thông tin Liban cũng từ chức với lý do chính phủ không chịu thay đổi, không làm tròn trách nhiệm với người dân.

Hôm 9.8, các nhà lãnh đạo quốc tế đã nhóm họp và thông qua gói viện trợ khẩn cấp gần 300 triệu USD cho Liban nhưng nhấn mạnh chính quyền phải cam kết cải cách.

Vụ nổ hôm 4.8 ở cảng Beirut đã khiến ít nhất 220 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương. Thống đốc Beirut cho biết, có nhiều công nhân, nhân viên nước ngoài làm việc tại cảng khi vụ nổ xảy ra và nhiều người chưa thể xác định danh tính còn đang mất tích.

Nguồn: [Link nguồn]

Video hiếm về hiện trường ”như tận thế” ở tâm vụ nổ Liban

Cảnh quay hiếm, ghi nhận tại hiện trường chỉ vài giờ sau khi vụ nổ khủng khiếp xảy ra ở thành phố Beirut, cho thấy các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – AP ([Tên nguồn])
Vụ nổ như bom nguyên tử ở Lebanon Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN