Vụ bắn tên lửa khiến Đài Loan hoảng loạn và biến cố khiến TQ "thức tỉnh", trở nên hùng mạnh

24 năm về trước, khi Đài Loan chuẩn cho cuộc bầu cử đầu tiên, Trung Quốc đã phô diễn sức mạnh quân sự bằng một loạt cuộc tập trận, phóng tên lửa đạn đạo. Tên lửa rơi xuống khu vực cách cảng Cơ Long (Keelung) và Cao Hùng khoảng 56km, gây ra hoảng loạn ở Đài Loan, theo National Interest.

Kể từ Thế chiến 2, tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh quân sự của Mỹ.

Kể từ Thế chiến 2, tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh quân sự của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3 (năm 1995-1996) làm gián đoạn hoạt động hàng hải, hàng không, gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Đài Loan. Nhiều người dân Đài Loan đã vội vàng đặt vé máy bay sang Mỹ, do lo ngại một cuộc xung đột quân sự sắp xảy ra, sau khi quân đội Trung Quốc rầm rộ tập trận bắn đạn thật, diễn tập tấn công đổ bộ gần quần đảo Bành Hồ.

Mỹ phô trương lực lượng mạnh nhất đến châu Á

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3 xảy ra vào năm 1995, sau khi lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy có chuyến thăm và phát biểu ở Mỹ. Ngày 7.7.1995, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã thông báo quân đội sắp có đợt phóng tên lửa lớn để “đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Cùng thời điểm, Trung Quốc huy động một lực lượng đông đảo binh sĩ tới Phúc Kiến, là nơi gần nhất để đổ bộ sang đảo Hạ Môn do Đài Loan kiểm soát, cách đại lục khoảng 10km. Nhiều đợt phóng tên lửa, tập trận bắn đạn thật diễn ra từ ngày 15.8-25.8.1995. Đến tháng 11, truyền thông Trung Quốc đăng tải chi tiết cuộc diễn tập tấn công đổ bộ quy mô lớn.

Đến tháng 3.1996, khi cuộc bầu cử đầu tiên ở Đài Loan đã gần kề, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Lý Bằng ra tuyên bố cảnh báo Mỹ tránh xa eo biển Đài Loan.

“Nếu ai đó phô trương vũ lực ở eo biển Đài Loan, đó không chỉ là một hành động vô ích mà còn khiến tình hình trở nên phức tạp hơn”, ông Lý nói, không trực tiếp nhắc đến Mỹ, theo New York Times.

Khi đưa lực lượng tên lửa tầm xa đến vùng duyên hải, Trung Quốc được cho là đã vạch ra kế hoạch tấn công Đài Loan bằng tên lửa trong 30 ngày liên tiếp nếu hòn đảo vẫn tổ chức bầu cử, theo National Interest.

Cũng trong thời điểm này, Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận quân sự lần thứ tư kể từ khi eo biển Đài Loan nóng lên. Trung Quốc đã phóng ba quả tên lửa, hai trong số đó đâm xuống biển tại vị trí cách Đài Bắc chỉ hơn 48km và quả còn lại cách thành phố Cao Hùng 56km. Đây là hai trung tâm thương mại lớn của Đài Loan và cuộc thử nghiệm tên lửa trên đã gây chấn động mạnh.

Trung Quốc phóng tên lửa sát Đài Loan được coi là hành động leo thang nghiêm trọng.

Trung Quốc phóng tên lửa sát Đài Loan được coi là hành động leo thang nghiêm trọng.

Ước tính hàng trăm người dân Đài Loan sống trên đảo Mã Tổ đã gấp rút sơ tán. Hòn đảo là một trong những mục tiêu hàng đầu Trung Quốc cần kiểm soát trước nhắm đến đảo Đài Loan. “Chúng tôi phải rời đi để tránh thảm họa", một người sống ở đảo Tong Chu, gần đảo Mã Tổ, nằm ngay gần nơi Trung Quốc tập trận, nói, theo New York Times.

Truyền hình Đài Loan đăng hình ảnh về một cuộc sơ tán quy mô nhỏ, nhưng cũng nhấn mạnh rằng nhiều người quyết ở lại trên đảo.

Quan chức chính quyền Mỹ khi đó nói không có dấu hiệu Trung Quốc sắp phát động chiến dịch đổ bộ, tấn công Đài Loan và các đảo lân cận. Nhưng Nhà Trắng cảm thấy cần điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến eo biển Đài Loan để thể hiện lập trường rõ ràng, rằng Trung Quốc và Đài Loan chỉ được giải quyết rắc rối dựa trên hòa bình.

Các lực lượng Mỹ khi đó đã được huy động đến gần điểm nóng. Tàu tuần dương USS Bunker Hill lớp Ticonderoga có nhiệm vụ theo dõi các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc từ phía nam đảo Đài Loan.

Tàu sân bay USS Independence khởi hành từ Nhật Bản, đến phía đông đảo Đài Loan với 3 tàu hộ tống. Tàu sân bay USS Nimitz cũng gấp rút rời Vịnh Ba Tư đến vùng biển Tây Thái Bình Dương, sẵn sàng hỗ trợ nhóm tàu USS Independence. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz khi đó rất uy lực với sự góp mặt của tàu ngầm hạt nhân và nhiều tàu tên lửa.

Biến cố lịch sử khiến Trung Quốc dè chừng tàu sân bay Mỹ

Đến cuối cùng, cuộc khủng hoảng hạ nhiệt khi Trung Quốc không có thêm bất kỳ động thái leo thang nào khác, có thể là vì Mỹ can thiệp quân sự vào khu vực. Những nỗ lực gây sức ép với lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy cũng thất bại. Ông Lý đắc cử với 54% số phiếu ủng hộ.

Tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ phóng tên lửa chống hạm Harpoon.

Tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ phóng tên lửa chống hạm Harpoon.

Theo các nhà sử học, mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc  đã giúp ông Lý giành thêm 5% số phiếu bầu,  nghĩa là vừa đủ vượt mức 50% để đắc cử.  Trong lần bầu cử sau này ở Đài Loan, Trung Quốc vẫn đưa ra cảnh báo cứng rắn, nhưng không còn sử dụng vũ khí thay lời đe dọa.

Các chuyên gia cũng cho rằng, sự xuất hiện của hai tàu sân bay Mỹ đã khiến Trung Quốc “thức tỉnh”, tập trung hiện đại hóa quân đội với ngân sách quốc phòng luôn đặt mức tăng hơn 2 con số.

Hai năm sau cuộc khủng hoảng, một doanh nhân Trung Quốc đã mua được thân tàu sân bay của Ukraine, với lý do “cải tạo thành khu nghỉ mát”. Trên thực tế, xác tàu được đem về Trung Quốc, lắp đặt động cơ và thiết bị quân sự, trở thành tàu sân bay Liêu Ninh ngày nay. Dựa trên kinh nghiệm đóng tàu Liêu Ninh, Trung Quốc đến nay cũng đã biên chế tàu sân bay Sơn Đông, là phiên bản nội địa của tàu Liêu Ninh.

Ngày nay, Lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc, sở hữu kho vũ khí tấn công chiến lược tầm xa, đã đạt bước tiến vượt bậc, không chỉ về số lượng, mà còn cả chất lượng tên lửa. Một loạt những tên lửa đạn đạo mới Trung Quốc công bố gần đây như DF-21, DF-26 đều có năng lực tấn công tàu sân bay Mỹ.

Hôm 18.10, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn siêu thanh tiên tiến nhất DF-17 tới căn cứ ở Phúc Kiến và Chiết Giang, gần Đài Loan. Nếu trang bị đầu đạn hạt nhân, tên lửa DF-17 với tốc độ tối đa lên tới 6.000 km/giờ, sẽ là vũ khí răn đe mạnh nhất của Trung Quốc với Đài Loan và cả lực lượng Mỹ hiện diện ở khu vực.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 3 không chỉ là biến cố khiến Trung Quốc đặt mục tiêu bằng mọi giá phải có vũ khí đánh chìm tàu sân bay Mỹ mà còn làm thay đổi đáng kể quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan suốt hàng thập kỷ sau, theo National Interest.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiến dịch Trung Quốc nã pháo dữ dội, kéo dài suốt 20 năm nhằm khuất phục Đài Loan

Ngày 23.8, Brent Christensen, giám đốc Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT), đã lần đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm 62 năm ngày Đài Loan...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN