Khủng bố ở Pháp: Vì sao IS “tắm máu” thủ đô Paris

Có một dòng ổn định các loại vũ khí, đặc biệt là súng đổ vào đất nước kiên quyết theo đuổi lập trường chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan.

Khủng bố ở Pháp: Vì sao IS “tắm máu” thủ đô Paris - 1

Vụ tấn công khủng bố Paris đẫm máu đêm 13.11 đã khiến người dân Pháp nói riêng và cả thế giới nói chung bàng hoàng, chấn động.

Vụ tấn công khủng bố liên hoàn đẫm máu ở Paris khiến hàng trăm người thương vong đêm 13.11 đã khiến cả thế giới bàng hoàng, đau xót và phẫn nộ. Vì đâu, một lần nữa, Pháp lại bị khủng bố “tắm máu”?.

Báo Telegraph của Anh nhận định, trước khi vụ tấn công khủng bố liên hoàn xảy ra tại nhiều địa điểm Paris khiến 129 người thiệt mạng, các chính phủ phương Tây đều nhận thức được rằng, những kẻ cực đoan và cuồng tín Hồi giáo vẫn luôn không ngừng tìm cách tấn công vào “trái tim” của đất nước họ.

Nhưng Paris thì quả là một mục tiêu trớ trêu và đáng buồn bởi giới chức Pháp ai cũng nhận thức rõ về những mối đe dọa an ninh mà đất nước họ đang phải đối mặt.

Khủng bố ở Pháp: Vì sao IS “tắm máu” thủ đô Paris - 2

Một người đàn ông áo dính đầy máu, may mắn sống sót sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris đêm 13.11.

Trước khi vụ khủng bố liên hoàn đêm 13.11 xảy ra, nước Pháp gần đây đã phải hứng chịu những vụ tấn công chết người kinh hoàng.

Vụ xả súng đẫm máu ở tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris (Pháp) hồi tháng 1.2015 đã khiến 12 người chết, trong đó có 2 cảnh sát và 11 người bị thương. Thêm 1 cảnh sát và 4 con tin ở một siêu thị mất mạng sau đó khi các tay súng trên đường tẩu thoát và bị cảnh sát Pháp rượt đuổi gắt gao. 

Khủng bố ở Pháp: Vì sao IS “tắm máu” thủ đô Paris - 3

Sàn nhà bên trong tòa soạn báo Charlie Hebdo dính đầy máu.

Tháng 6.2015, một nạn nhân bị chặt đầu trong vụ tấn công nhà máy ở Pháp. Ngày 22.12.1014, một tài xế hô khẩu hiệu Hồi giáo và lái xe đâm thẳng vào người đám đông người đi bộ trên phố ở miền Đông Pháp làm 11 người bị thương nghiêm trọng…

Ông Shaun Gregory, chuyên viên về an ninh quốc tế thuộc Đại học Durham nhận định, Pháp là "tuyến đầu" của khủng bố Hồi giáo cực đoan ở châu Âu và trên thực tế đã ở trong tình trạng này từ nhiều thập niên.

“Vào thời kỳ giữa thập niên 1990, nước Pháp từng phải chịu đợt tấn công đầu tiên của khủng bố Hồi giáo cực đoan ở châu Âu. Một làn sóng khủng bố Hồi giáo cực đoan đã báo trước về vụ 11.9 và sau đó, các vụ khác tiếp diễn", ông Shaun Gregory nhấn mạnh.

Những vụ tấn công khủng bố gần đây đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh nước Pháp về vấn đề an ninh. Chính quyền Pháp cũng đã tuyên bố thắt chặt an ninh và thông báo tăng ngân sách quốc phòng lên 4 tỷ euro cho giai đoạn từ 2016 đến 2019 và 7.000 quân nhân sẽ thường trực được huy động để bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa khủng bố. 

Khủng bố ở Pháp: Vì sao IS “tắm máu” thủ đô Paris - 4

Lực lượng an ninh Pháp dường như đang trở nên bất lực trước các mối đe dọa khủng bố. Trong ảnh, cảnh sát Pháp tại hiện trường một vụ tấn công khủng bố ở Paris đêm 13.11.

Tuy nhiên, bình luận trên tờ Newsweek ông Richard Barrett, cựu sĩ quan tình báo Anh nhấn mạnh rằng, tất cả những nỗ lực trên của Pháp không đủ để ngăn chặn tất cả những âm mưu khủng bố trên khắp nước này.

Tại sao?

Câu trả lời ngắn gọn là: Thứ nhất, Pháp tham gia vào nhiều cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới, từ Trung Đông đến châu Phi; thứ 2, Pháp là đất nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu và một xã hội bị phân chia nhất ở châu Âu; thứ 3, có một dòng ổn định các loại vũ khí, đặc biệt là súng đổ vào Pháp qua các biên giới an ninh yếu của lục địa châu Âu; thứ 4, các chiến binh thánh chiến người Pháp đang chiến đấu trên khắp thế giới.

“Đây là vì Syria" - một trong những kẻ tấn công Paris đêm 13.11 tuyên bố, theo nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường. Nhưng hắn có thể tuyên bố rằng đó là vì Mali, hay Libya, hoặc Iraq. Hiện hơn 10.000 quân Pháp đang được triển khai ở nước ngoài – 3.000 quân ở Tây Phi, 2.000 quân ở Trung Phi và 3.200 quân tại Iraq.

Pháp đã kiên quyết theo đuổi lập trường chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh Anh và Mỹ có vẻ chùn chân, bắt đầu rút lui.  

Tuần trước, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố rằng, Pháp sẽ triển khai một tàu sân bay ở vùng Vịnh Ba Tư để hỗ trợ liên quân trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (IS).

Tuy nhiên, việc đưa quân tới những quốc gia có đa số công dân là người Hồi giáo khiến Pháp trở thành "kẻ thù” trong mắt những kẻ cực đoan.

Nửa tháng trước, lãnh đạo của một nhóm Hồi giáo cực đoan có liên kết với al-Qaeda ở khu vực Hồi giáo Maghreb (AQIM) đã kêu gọi các chiến binh dưới quyền và người ủng hộ tấn công Pháp để trả thù cho sự hiện diện của nước này trong khu vực. 

Khủng bố ở Pháp: Vì sao IS “tắm máu” thủ đô Paris - 5

Sau vụ khủng bố liên hoàn ở Paris, Nhà nước Hồi giáo đã tung video nhận trách nhiệm gây ra thảm kịch đẫm máu này đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục tấn công nhắm vào nước Pháp.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn xuất phát từ vấn đề nội bộ của nước Pháp. Nước này là nhà của cộng đồng Hồi giáo đông đảo nhất Tây Âu, ước tính khoảng từ 5 triệu đến 6 triệu người.

Tuy nhiên, một số chính sách và thái độ của Pháp – một nhà nước thế tục - đối với cộng đồng Hồi giáo trong nước chưa thỏa đáng trong đó có lệnh cấm đeo mạng che toàn gương mặt nơi công cộng, cấm đội khăn trùm đầu trong các trường công…

Những chính sách trên có thể làm nảy sinh cảm giác bị cô lập và bị bài trừ mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo, trong khi Mặt trận Quốc gia Pháp không đủ sức xoa dịu căng thẳng giữa các cộng đồng, đoàn kết dân tộc.

Nhiều người Hồi giáo tại Pháp chỉ trích rằng, họ bị phân biệt đối xử tại trường học và nơi làm việc. Sự phẫn nộ của người Hồi giáo ở Pháp từng bùng nổ thành bạo loạn ở vùng ngoại ô nghèo xung quanh Paris và các thành phố khác trong năm 2005.

Vụ thảm sát đẫm máu ở tạp chí biếm họa Charlie Hebdo do anh em Chérif Kouachi và  Amedy Coulibaly thực hiện là minh chứng tiêu biểu nhất cho xu hướng cực đoan hóa đang ngày càng tăng trong lòng nước Pháp.

Ngoài ra, ước tính, khoảng 500 công dân Pháp đang chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria, 250 người đã trở về nước và trở thành mối đe dọa an ninh sau khi ngấm các tư tưởng cực đoan, âm mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố trên chính quê hương.

Trong khi đó, có khoảng gần 1.600 người đang sống ở Pháp có mối liên hệ với các tổ chức khủng bố và sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công khi được khuyến khích. Như Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 14.11 đã tuyên bố, các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris được IS dàn dựng ở bên ngoài với sự hỗ trợ từ bên trong nước Pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Khủng bố đẫm máu ở Pháp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN