Không phải quân đội, lực lượng phóng ồ ạt tên lửa vào Israel có quyền lực lớn ra sao ở Iran?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhiều người thường nhầm lẫn quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) với quân đội chính quy nước này. IRGC hoàn toàn tách biệt với quân đội chính quy Iran. Dù có ít quân số hơn quân đội, nhưng IRGC có tầm ảnh hưởng cũng như quyền lực vượt trội hơn.

Thiếu tướng Hossein Salami (cầm điện thoại) ra lệnh phóng tên lửa vào Israel hôm 1/10/2024. Ảnh: IRIB

Thiếu tướng Hossein Salami (cầm điện thoại) ra lệnh phóng tên lửa vào Israel hôm 1/10/2024. Ảnh: IRIB

Đêm 1/10/2024, một video từ truyền thông Iran đã gây chấn động thế giới khi ghi lại hình ảnh Thiếu tướng Hossein Salami - Tư lệnh IRGC - xuất hiện lạnh lùng trong phòng chiến tranh.

Ông đứng trước một tấm poster lớn, tay cầm điện thoại và dứt khoát ra lệnh phóng 200 tên lửa, bao gồm cả tên lửa siêu thanh Fattah (theo tuyên bố của Iran), nhắm thẳng vào Israel. Mệnh lệnh như một thông điệp sắc lạnh: Đòn thù đã bắt đầu.

Trên tấm poster, hình ảnh của 3 nhân vật cấp cao bị sát hại hiện lên đầy ám ảnh. Thiếu tướng Salami không giấu giếm ý đồ cuộc tấn công của Iran – một đòn trả thù cho cái chết của 3 người trên poster. 

Người đầu tiên là Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hamas, thiệt mạng tại thủ đô Tehran của Iran vào tháng 7/2024 trong một vụ ám sát mà Tehran cáo buộc Israel đứng sau. Hai người tiếp theo là Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah, và Chuẩn tướng Abbas Nilforoushan của Lực lượng Quds thuộc IRGC. Cả 2 thiệt mạng trong cuộc không kích ác liệt của Israel vào Beirut (Lebanon) ngày 27/9/2024.

Hàng loạt tên lửa gầm rú xé toạc bầu trời đêm, vút thẳng về phía Israel. Theo IRGC, chỉ trong 12 phút, các tên lửa Fattah đã đánh trúng 3 căn cứ không quân và trụ sở tình báo Mossad của Israel. 

Theo Times of Israel, mặc dù ban đầu, Israel thông báo hạn chế về quy mô thiệt hại, nhưng các phân tích quốc tế dựa trên hình ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 32 tên lửa đạn đạo đã đánh trúng căn cứ không quân Nevatim của Israel. Một số tên lửa còn rơi gần trụ sở Mossad và các khu vực nhạy cảm khác, làm lộ rõ lỗ hổng trong mạng lưới phòng không của Israel.

IRGC không chỉ nhắm đến các mục tiêu quân sự mà còn khiến dư luận quốc tế kinh ngạc với khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tiên tiến của Israel như Arrow 2 và Arrow 3. Israel chỉ có thể đánh chặn một phần các tên lửa, chủ yếu ưu tiên bảo vệ khu vực dân cư đông đúc, điều này cho thấy quy mô và sức mạnh của cuộc tấn công lớn hơn nhiều so với những gì Israel công bố ban đầu.

Ngay sau đó, tại quảng trường Palestine ở Tehran (Iran), một tấm poster khổng lồ được dựng lên, mô tả hình ảnh loạt tên lửa lao thẳng về phía các tòa nhà mang biểu tượng Do Thái, kèm theo dòng chữ đầy khiêu khích: "Khởi đầu của sự kết thúc đối với chế độ phục hưng Do Thái."

Cuộc tấn công tên lửa đêm 1/10 chỉ là một phần trong chiến lược lớn hơn của IRGC, tổ chức đã tạo dựng thanh thế qua hàng thập kỷ với những hành động quân sự  và sức mạnh ngầm đáng gờm.

Những tình tiết được nhắc đến ở trên cho thấy IRGC không chỉ là một lực lượng quân sự đơn thuần, mà còn là một trung tâm quyền lực chính trị, ngoại giao và kinh tế, có tầm ảnh hưởng bao trùm toàn khu vực Trung Đông.

Vì sao có IRGC?

IRGC chỉ tuân theo mệnh lệnh của lãnh tụ Tối cao Iran. Ảnh minh họa: Arabnews

IRGC chỉ tuân theo mệnh lệnh của lãnh tụ Tối cao Iran. Ảnh minh họa: Arabnews

Theo tổ chức tư vấn CFR (có trụ sở ở Mỹ), không nên nhầm lẫn IRGC với quân đội chính quy Iran. Nói cách khác, IRGC là một tổ chức quân sự tồn tại song song với quân đội Iran.

IRGC được thành lập sau khi chính quyền vua Iran (Shah) Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ bởi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Trong khi chính phủ lâm thời quản lý các cơ quan nhà nước như quân đội, nhiều giáo sĩ và những người trung thành với lãnh tụ Tối cao đầu tiên của Iran - Ruhollah Khomeini - đã thành lập các lực lượng riêng để cân bằng quyền lực với các cơ quan nhà nước đó.

IRGC là một trong số đó. Tổ chức quân sự này có thể thực hiện các hoạt động mà không cần phải thông qua hoặc chịu sự kiểm soát từ tổng thống cũng như chính phủ dân sự.

Thay vào đó, IRGC chỉ chịu trách nhiệm và tuân theo mệnh lệnh của lãnh tụ Tối cao Iran, người nắm giữ quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị và tôn giáo của đất nước.

Theo CFR, ông Khomeini thành lập IRGC để bảo vệ chế độ mới khỏi các cuộc đảo chính, như vụ đảo chính năm 1953 lật đổ chính phủ dân cử của Mohammed Mossadeq, đưa vua Pahlavi trở lại nắm quyền.

IRGC có cấu trúc như quân đội?

Thành viên IRGC trong một buổi duyệt binh. Ảnh: Reuters

Thành viên IRGC trong một buổi duyệt binh. Ảnh: Reuters

Cuộc chiến Iran-Iraq (1980–1988) đã biến IRGC thành một lực lượng chiến đấu với cấu trúc chỉ huy tương tự như quân đội phương Tây. Hiện tại, IRGC có khoảng 190.000 quân, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Khoảng một nửa số nhân sự này là quân nghĩa vụ. Các nhánh của IRGC bao gồm:

Lực lượng mặt đất, hiện diện ở thủ đô Tehran và trên khắp 31 tỉnh của Iran, với hơn 150.000 quân.

Lực lượng hải quân, tách biệt khỏi hải quân chính quy của Iran, với khoảng 20.000 lính thủy, chịu trách nhiệm tuần tra biên giới biển của Iran, bao gồm cả Eo biển Hormuz (nơi khoảng 1/3 lượng dầu thô thế giới được vận chuyển qua mỗi năm bằng đường biển).

Không quân, với 15.000 nhân sự, cũng tách biệt khỏi lực lượng không quân của quân đội chính quy, và phụ trách chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Bộ chỉ huy mạng, hợp tác với các doanh nghiệp liên kết với IRGC để thực hiện các hoạt động gián điệp quân sự và thương mại, cũng như phân phối tuyên truyền, theo IISS.

Lực lượng bán quân sự Basij, tuyên bố có thể huy động khoảng 600.000 tình nguyện viên.

Về quân số, IRGC thua kém so với quân đội chính quy Iran nhưng tầm ảnh hưởng trong nước và khu vực lại vượt trội hơn rất nhiều.

IRGC xây "trục kháng chiến" đối đầu Israel như thế nào?

IRGC được cho là tài trợ hoặc hỗ trợ cho các nhóm vũ trang phi nhà nước ở Lebanon, Syria, Yemen, Iraq. Ảnh: Paul Scott

IRGC được cho là tài trợ hoặc hỗ trợ cho các nhóm vũ trang phi nhà nước ở Lebanon, Syria, Yemen, Iraq. Ảnh: Paul Scott

IRGC lần đầu triển khai ra nước ngoài trong cuộc Chiến tranh Iran-Iraq. Kể từ đó, tổ chức quân sự này được cho là đã tài trợ hoặc hỗ trợ cho các nhóm vũ trang phi nhà nước trong khu vực. Lực lượng Quds, một nhánh của IRGC chuyên về các hoạt động ngoại giao và quân sự nước ngoài, đã phát triển mối quan hệ với các nhóm vũ trang ở Afghanistan, Iraq, Lebanon, Palestine, và nhiều nơi khác. 

IRGC được cho là đã hỗ trợ huấn luyện, cung cấp vũ khí, tài chính và đưa ra những lời cố vấn về quân sự, nhằm tăng cường ảnh hưởng của Iran ra khu vực Trung Đông. Mặc dù một số nhóm này thường hoạt động độc lập, Iran vẫn coi họ là một phần của "trục kháng chiến" chống lại Israel và phương Tây.

"Trục kháng chiến" là một mạng lưới bao gồm các nhóm vũ trang và chính phủ được Tehran hậu thuẫn nhằm mục đích đối phó với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Israel và đồng minh của nước này. Mạng lưới này không chỉ hoạt động tại Dải Gaza, Lebanon, mà còn lan rộng ra Iraq, Syria và Yemen. Các tổ chức trong mạng lưới hoạt động một cách độc lập nhưng có chung một mục tiêu.

Iran được cho là đã dành một khoản tiền lớn để duy trì và phát triển các nhóm vũ trang trong "trục kháng chiến". Theo một số ước tính, Iran đã chi khoảng 16 tỷ USD kể từ năm 2012 để hỗ trợ các lực lượng như Hezbollah, Hamas, và các nhóm dân quân tại Iraq, Syria và Yemen. Đặc biệt, Hezbollah nhận được khoảng 700 triệu USD mỗi năm từ Iran, trong khi các nhóm như Hamas và Jihad Hồi giáo Palestine cũng nhận được hàng trăm triệu USD.

Mặc dù số tiền này là không nhỏ, Iran cho rằng lợi ích mà họ thu được từ các lực lượng trong "trục kháng chiến" vượt xa chi phí đã bỏ ra. Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ali Fadavi, từng nói số tiền Iran chi là "không đáng kể so với những thành tựu đã đạt được trong khu vực".

Nhờ mạng lưới rộng khắp, các nhóm trong "trục kháng chiến" của Iran buộc Israel phải duy trì sự hiện diện quân sự trên nhiều mặt trận, làm giảm khả năng tập trung lực lượng vào một khu vực cụ thể. Điều này tạo ra một thách thức lớn về mặt chiến lược cho Israel trong việc phòng thủ và tấn công.

Tầm ảnh hưởng vượt trội ở trong nước

Ngoài việc xây dựng tầm ảnh hưởng ở nước ngoài, IRGC còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị và kinh tế trong nước.

Về chính trị, IRGC đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chính sách cứng rắn, thường hành động theo đúng lập trường chính sách của lãnh tụ tối cao. Đôi khi, quyền lực của IRGC có vẻ lấn át quyền lực của tổng thống Iran, theo CFR.

Nhiều cựu thành viên IRGC đã giữ các vị trí cao trong chính phủ, thúc đẩy chương trình hạt nhân dân sự và các chính sách ngoại giao cứng rắn.

Về kinh tế, IRGC kiểm soát nhiều lĩnh vực quan trọng, từ dầu mỏ đến cơ sở hạ tầng. Theo báo cáo năm 2020 từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, "IRGC đã trở thành đơn vị kiểm soát quyền lực nhất của tất cả các lĩnh vực kinh tế quan trọng trên khắp Iran".

Một số hoạt động nổi bật của IRGC

IRGC có nhiều thành tựu quân sự đáng chú ý và đã thực hiện các chiến dịch quan trọng trên nhiều mặt trận, cả trong và ngoài nước. Một trong những thành công nổi bật là chương trình tên lửa đạn đạo, với vụ phóng tên lửa vào các căn cứ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria năm 2017, nhằm trả đũa các vụ tấn công khủng bố ở Tehran​.

Theo trang Farnews, vào ngày 18/6/2017, trong chiến dịch Laylat al-Qadr, IRGC đã bắn 6 tên lửa đạn đạo tầm trung từ ​​các căn cứ trong nước nhằm vào các căn cứ của IS ở tỉnh Deir ez-Zor của Syria để đáp trả các cuộc tấn công khủng bố ở Tehran vào đầu tháng đó. 

Ngày hôm sau, IRGC đã công bố các video trên không do máy bay không người lái IRGC có trụ sở tại Damascus ghi lại khi bay qua thành phố trong chiến dịch, xác nhận rằng các tên lửa đã bắn trúng mục tiêu một cách chính xác.

Trong một tuyên bố do IRGC đưa ra liên quan đến cuộc tấn công, họ đã cảnh báo IS và "những người ủng hộ khu vực và xuyên khu vực" của IS về bất kỳ cuộc tấn công khủng bố mới nào vào Iran. IRGC đe dọa sẽ đáp trả với cường độ lớn hơn nếu an ninh của Iran bị kẻ thù của mình đe dọa một lần nữa.

Tên lửa tại một địa điểm của IRGC. Ảnh: Reuters

Tên lửa tại một địa điểm của IRGC. Ảnh: Reuters

IRGC cũng được cho là tham gia sâu vào các hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Quân đoàn này chịu trách nhiệm bảo vệ các cơ sở hạt nhân chiến lược và hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế. 

Mỹ cáo buộc IRGC tham gia vào các hoạt động nhằm phát triển vũ khí hạt nhân, mặc dù Iran phủ nhận điều này và khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ vì mục đích hòa bình​.

Theo CSIS, IRGC đặc biệt tích cực ở Syria, nơi lực lượng Quds (thuộc IRGC) được cho là hỗ trợ quân đội Syria. Từ năm 2011, IRGC đã đóng vai trò chính trong việc cung cấp vũ khí, huấn luyện, và hỗ trợ chiến thuật cho quân đội Syria và các nhóm vũ trang liên minh, bao gồm cả Hezbollah ở Lebanon​.

IRGC cũng tham gia tích cực tại Iraq sau cuộc tấn công của Mỹ năm 2003, hỗ trợ các nhóm dân quân Shiite và thậm chí bị cáo buộc cung cấp các thiết bị nổ giết hại binh sĩ Mỹ. Ngoài ra, IRGC đã giúp quân đội Iraq và các lực lượng dân quân Shiite đánh bại IS​.

Bị chỉ trích

IRGC phải đối mặt với nhiều chỉ trích quốc tế, đặc biệt từ Israel và Mỹ. 

Israel thường xuyên nhắm vào các nhóm liên kết với IRGC ở Syria và kêu gọi EU cũng như các quốc gia khác áp đặt các lệnh trừng phạt tương tự.

Washington đã chỉ định Lực lượng Quds của IRGC là một tổ chức hỗ trợ khủng bố vào năm 2007 và tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt lên IRGC. Năm 2019, Tổng thống Trump chính thức xếp IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO), cáo buộc tổ chức này sử dụng khủng bố làm công cụ chính trị. 

Vài giờ sau khi IRGC bị Mỹ chỉ định vào FTO, Tổng tư lệnh IRGC Mohammad Ali Jafari, tuyên bố quân đội Mỹ trong khu vực sẽ "không được hưởng hòa bình kể từ hôm nay". Theo trang RAND, hàm ý của ông Jafari rất rõ ràng: IRGC sẽ bắt đầu nhắm mục tiêu vào quân nhân Mỹ ở Trung Đông.

Giới chức Iran tuyên bố IRGC không phải là tổ chức khủng bố, mà là một lực lượng bảo vệ đất nước và bảo vệ quyền lợi của người dân Hồi giáo. Họ cho rằng việc IRGC bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố là hành động "không hợp pháp và mang tính chính trị".

----------------------

Nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, cả Trung Đông và thế giới có thể đối mặt với một cuộc tái sắp xếp quyền lực đầy kịch tính. Những toan tính chiến lược của Iran sẽ đặt ra mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực, trong khi Mỹ và Israel có thể sẽ phải điều chỉnh mọi kế hoạch để đối phó với tình hình mới. Xin mời độc giả đón đọc bài kỳ tới về vấn đề này, đăng sáng sớm 15/10.

Nguồn: [Link nguồn]

Dù đang đối mặt với hàng loạt lệnh cấm vận khắc nghiệt, Iran được cho là vẫn kiên quyết tiến gần đến khả năng sở hữu bom hạt nhân. Có thông tin cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Sức mạnh quân sự của Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN