Israel - Iran: Từ bạn hóa thù sau sự kiện “chấn động thế giới”

Tháng 2/1979, một máy bay của hãng hàng không Air France, tới từ Pháp, đã hạ cánh xuống Tehran, chở theo vị chính khách làm thay đổi đáng kể nền chính trị Iran những năm sau đó. Đây cũng là người khiến quan hệ Israel - Iran "từ bạn hóa thù".

Sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, mối quan hệ Israel - Iran không còn "mặn nồng" như trước. Ảnh minh họa: shaqad

Sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, mối quan hệ Israel - Iran không còn "mặn nồng" như trước. Ảnh minh họa: shaqad

Cách mạng Hồi giáo Iran

Sau 3 thập kỷ "mặn nồng", mối quan hệ Israel - Iran đột ngột kết thúc khi cuộc Cách mạng Iran nổ ra năm 1979. Sự kiện chính trị, được nhiều hãng truyền thông quốc tế mô tả là "chấn động thế giới", đã lật đổ vương triều của vua Mohammad Reza Pahlavi, vốn thân phương Tây, để đưa các giáo sĩ Hồi giáo lên nắm quyền, thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Ruhollah Khomeini là đại giáo chủ nắm quyền khi đó và cũng là chính khách ngồi trên chuyến bay của hãng Air France đáp xuống Iran vào tháng 2/1979.

Theo tạp chí Israel Affair, với sự thay đổi chế độ ở Iran, chủ nghĩa bài Do Thái trở thành một phần không thể thiếu trong hệ tư tưởng chính trị của quốc gia này. Và điều đó còn tiếp tục được truyền đến ngày nay.

Ngay trong thập niên 60, giáo sĩ Khomeini, khi còn sống lưu vong ở Pháp, đã xem mối quan hệ của vua Iran với Israel và Mỹ như con át chủ bài để hạ uy tín và làm suy yếu tính hợp pháp của nhà vua. 

Giáo sĩ Khomeini khi đó cáo buộc vua Pahlavi cho phép Israel thâm nhập hoàn toàn vào các vấn đề kinh tế, quân sự và chính trị của Iran khi kêu gọi hàng nghìn người Israel tới Iran làm cố vấn trong nhiều lĩnh vực. 

Theo giáo sĩ này, mối quan hệ của vua Iran với Israel và Mỹ đã vi phạm các nguyên tắc Hồi giáo cũng như đe dọa nền độc lập, các giá trị và sự toàn vẹn của Iran.

Theo quan điểm của giáo sĩ Khomeini, Mỹ là "kẻ thù lớn" vì nước này là mối đe dọa chính với tính chất Hồi giáo và nền độc lập của Iran. Trong khi đó, giáo sĩ này coi Israel là "kẻ thù nhỏ" khi nước này kiểm soát các vùng đất Hồi giáo, "chi phối" người Hồi giáo Palestine và có tầm ảnh hưởng đến các quyết định của Mỹ ở Trung Đông.

Vài tuần sau Cách mạng Iran, Tehran cắt đứt mọi liên kết chính thức với Israel, mở đầu kỷ nguyên mới trong quan hệ 2 nước, đặc trưng bởi sự thù địch sâu sắc còn tồn tại tới ngày nay.

Nhưng ở giai đoạn đầu, trạng thái thù địch giữa Israel và Iran phần nào bị gạt sang một bên khi chiến tranh Iran - Iraq nổ ra. Trong bối cảnh sự xuất hiện của "kẻ thù chung" Iraq có thể gây nguy hiểm cho sự tồn vong của chính quyền Hồi giáo ở Iran, đồng thời có thể khiến Israel gặp bất lợi nếu Iraq chiến thắng và trở thành cường quốc thống trị khu vực, Iran và Israel đã quyết định "bắt tay" với nhau thông qua sự hòa giải của Mỹ. 

Đó cũng là thời điểm vụ Iran - Contras manh nha hình thành. Vụ bê bối này liên quan đến việc Mỹ bí mật bán vũ khí cho Iran thông qua Israel (dù trước đó đã ra lệnh cấm vận vũ khí với Tehran do vụ khủng hoảng con tin năm 1979). Một phần trong số tiền thu được từ giao dịch này được cho là dùng để bí mật tài trợ cho cuộc chiến của phe nổi dậy Contra ở Nicaragua.

Nhưng việc chấp nhận sự hỗ trợ gián tiếp của Israel trong chiến tranh Iran - Iraq không ngăn Tehran bắt tay vào một cuộc đối đầu vũ trang với Israel thông qua các lực lượng ủy nhiệm người Shiite ở Lebanon.

Cuộc chiến ủy nhiệm và tham vọng hạt nhân của Iran

Những người ủng hộ Hezbollah ở Lebanon lắng nghe bài phát biểu trong lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran vào tháng 2/2019. Ảnh: EPA-EFE

Những người ủng hộ Hezbollah ở Lebanon lắng nghe bài phát biểu trong lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran vào tháng 2/2019. Ảnh: EPA-EFE

Khi quân đội Israel tràn vào Lebanon vào tháng 6/1982 và phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở đây, người Hồi giáo Shiite tại Lebanon hoan nghênh điều đó, đặc biệt là ở miền nam Lebanon. 

Tuy nhiên, thái độ này dần thay đổi khi sự hiện diện quân sự của Israel ở miền nam Lebanon kéo dài trong nhiều năm mà không rõ mục tiêu cuối cùng là gì. Theo tạp chí Israel Affairs, điều này đã giúp Iran giành được lòng tin của người Shiite ở Lebanon thông qua việc thành lập Hezbollah. Lực lượng này nhanh chóng khẳng định vị thế tiên phong trong cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt sự hiện diện quân sự của Israel ở miền nam Lebanon.

Tháng 5/2000, khi Israel rút quân khỏi “vùng an ninh” theo cách gọi của nước này khi kiểm soát một số khu vực của Lebanon, Hezbollah đã chuyển hoạt động thành các vụ tấn công không thường xuyên vào miền bắc Israel. Điều này dẫn đến một cuộc chiến tổng lực vào mùa hè năm 2006, và Hezbollah đã nã tên lửa, rocket vào các bản làng, thị trấn ở Israel trong nhiều tuần. Israel cũng đáp trả khốc liệt, phá hủy nặng nề cơ sở hạ tầng ở Lebanon. Hezbollah được cho là giành thắng lợi trong cuộc chiến này dù chịu thiệt hại nặng nề.

Trong những năm tiếp theo, Hezbollah tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự bằng việc xây dựng kho tên lửa, rocket lớn, được cho là có thể tấn công hầu hết mục tiêu chiến lược, kinh tế và cơ sở hạ tầng ở Israel. Đồng thời, lực lượng này cũng dần giành quyền kiểm soát hệ thống kinh tế và chính trị của Lebanon với sự hỗ trợ tài chính của Iran, theo tạp chí Israel Affairs.

Trong lúc Israel bị cuốn vào cuộc chiến với Hezbollah, Iran không chỉ kịp hồi phục sau cuộc chiến kéo dài 8 năm với Iraq mà còn được hưởng lợi từ các sự kiện cả trong và ngoài nước. Tehran cũng được cho là hỗ trợ các nhóm vũ trang trong khu vực như Hamas hay Thánh chiến Hồi giáo Palestine.

Ngoài ra, tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran cũng khiến giới chức Israel lo lắng vì cho rằng đây là mối đe dọa hiện hữu với nước này. Phần lớn người Israel không cho rằng Iran sẽ tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng họ lo ngại rằng một Iran với vũ khí hạt nhân sẽ không ngại thực hiện các hành động nguy hiểm, có thể dẫn đến chiến tranh. Israel cũng lo sợ những người giỏi và thông minh nhất của họ sẽ di cư, thay vì phải sống dưới nỗi lo bị đe dọa hạt nhân.

Ban đầu, Tehran dường như không quan tâm đến việc duy trì chương trình hạt nhân dưới thời vua Iran Pahlavi trong thập niên 50 với sự hỗ trợ của Mỹ. Nhưng sau đó, cuộc chiến với Iraq đã khiến giới chức Iran thay đổi lập trường. Giữa thập niên 80, Tehran nối lại các nỗ lực phát triển hạt nhân.

Kẻ thù của kẻ thù là bạn

Israel ngày nay có xu hướng làm hòa với thế giới Ả Rập và đối đầu với Iran. Ảnh minh họa: JISS

Israel ngày nay có xu hướng làm hòa với thế giới Ả Rập và đối đầu với Iran. Ảnh minh họa: JISS

Theo Viện Brookings (tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ), do sự thay đổi lớn trong quan hệ Israel - Iran, Israel ngày nay có "học thuyết ngoại vi đối nghịch", trái ngược với "học thuyết ngoại vi" (liên minh với Iran để đối đầu thế giới Ả Rập). Theo đó, quốc gia này đã nỗ lực và đạt được thành công đáng kể trong việc tạo dựng mối liên kết với các nước Ả Rập lớn, không chỉ làm hòa với Ai Cập hay Jordan mà còn cả hợp tác với các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh như Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Oman.

Mối quan hệ của Israel với các nước Ả Rập này chưa thể sánh bằng mối quan hệ Israel – Iran dưới thời vua Iran Pahlavi về quy mô và việc thiết lập Đại sứ quán. Nhưng logic của Israel khi thiết lập quan hệ với các nước Ả Rập theo học thuyết "ngoại vi đối nghịch" vẫn là: Kẻ thù của kẻ thù là bạn. Lần này, kẻ thù chung của Israel và Thế giới Ả Rập là Iran.

Theo Viện Brookings, học thuyết "ngoại vi đảo ngược" đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Israel. Nước này giờ đây cùng phe với các nước Ả Rập lớn, hạn chế được thiệt hại ngắn hạn do cuộc xung đột Israel - Palestine, đồng thời cho phép Israel gia nhập nhóm các cường quốc thế giới với vị thế cường quốc trong khu vực.

Dẫu vậy, các lợi ích này cũng đi kèm với một cái giá rất đắt. Iran đã chứng tỏ nước này là một đối thủ đáng gờm. Chính giới chức Israel phải thừa nhận điều này, theo Viện Brookings. Lực lượng tinh nhuệ Quds của Tehran là một minh chứng cho nhận định này. Quds được cho là sẵn sàng theo đuổi bất kỳ sơ hở nào để tận dụng và tạm thời rút lui khi nhận thấy chưa đủ khả năng.

Người Iran cũng cho thấy họ có thể tạo ra các mối đe dọa lâu dài cho Israel và kiên nhẫn để "nuôi dưỡng" các mối đe dọa này, trong đó có việc hỗ trợ cho các lực lượng như Hezbollah, Hamas hay Houthi. Viện Brookings cho rằng, nếu coi Iran là đối thủ, một phần ở Trung Đông có thể đoàn kết lại nhưng đối đầu với Tehran là điều mà ít nước nào lựa chọn.

---------------------

Vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10 được cho là hệ quả từ nỗ lực lâu dài của Iran nhằm hỗ trợ các lực lượng đối đầu với Israel. Hamas chỉ là một phần trong chiến lược đa hướng và rộng lớn của Iran nhằm vào Israel. Vì vậy, rất có thể xung đột Israel - Hamas chỉ là phần nổi của tảng băng. Mời độc giả cùng tìm hiểu về mối quan hệ Israel - Iran và cuộc xung đột ở Trung Đông trong bài kỳ tới, đăng sáng 13/11/2023.

Nguồn: [Link nguồn]

Iran và các lực lượng ủy nhiệm đang “bao vây“ Israel như thế nào?

Các chuyên gia cho rằng, nỗ lực loại bỏ tầm ảnh hưởng của Israel là nền tảng trong chính sách đối ngoại khu vực của Iran. Đây là yếu tố chi phối mọi cuộc xung đột ở Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Mối quan hệ từ bạn hóa thù của Israel và Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN