Không phải Amazon, đây mới là hệ sinh thái đang bị tàn phá nghiêm trọng nhất ở Brazil

Vụ cháy rừng Amazon đã thu hút sự chú ý của dư luận và các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới vì một lý do chính đáng – nó sẽ phá hủy một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất thế giới, cùng với nơi ở và sinh kế của nhiều cộng đồng bản địa tại đây.

 Cerrado đang là khu dự trữ sinh quyển bị phá hủy với tốc độ khủng khiếp nhất Brazil (Ảnh: GETTY)

 Cerrado đang là khu dự trữ sinh quyển bị phá hủy với tốc độ khủng khiếp nhất Brazil (Ảnh: GETTY)

Nhưng chỉ cách đấy có vài dặm, một vùng thiên nhiên khác của Brazil, cũng là một khu dự trữ sinh quyển và nhà của gần 5% thực vật, động vật trên hành tinh này, đang bị hủy hoại với một tốc độ còn khủng khiếp hơn thế.

Cerrado – “bức tranh khảm" của thiên nhiên Brazil với một hệ sinh thái đa dạng gồm thảo nguyên, đồng cỏ và rừng rậm - là khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới với diện tích trải dài tới 200 triệu ha.

"Người ta ước tính rằng quần xã sinh vật tại đây có tới 837 loài chim, 120 loài bò sát, 150 loài lưỡng cư, 1.200 loài cá, 90.000 loài côn trùng, cùng với 199 loại động vật có vú", Mercedes Bustamante, nhà sinh vật học tại Đại học Brasilia, cho biết với CNN.

Theo thống kê từ Tổ chức Động vật hoang dã Thế giới (WWF), có hơn 4.800 loài động vật ở đây là đặc hữu - bao gồm rái cá khổng lồ, heo vòi và báo đốm. Và trong số hơn 11.000 loài thực vật được tìm thấy ở Cerrado, gần một nửa trong số chúng không thể được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất.

Theo Ceregar de Oliveira Rosa, giám đốc bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái của WWF chi nhánh Brazil, tuy chỉ bằng một nửa diện tích của Amazon, song có tới 50% diện tích rừng tại Cerrado đã bị phá hủy.

"Khoảng 700.000 ha diện tích rừng tại Cerrado đang bị mất đi mỗi năm," ông Rosa cho biết với CNN.

Hơn 1 nửa diện tích rừng tại Cerrado đã bị phá hủy để làm đất nông nghiệp (Ảnh: GETTY)

Hơn 1 nửa diện tích rừng tại Cerrado đã bị phá hủy để làm đất nông nghiệp (Ảnh: GETTY)

Giống như ở Amazon, môi trường sống của Cerrado đang bị xóa sổ vì nhu cầu thịt trên toàn cầu, để mở đường cho các trang trại gia súc, và sau đó bị chuyển đổi thành đất trồng đậu nành dùng để nuôi gia súc hoặc xuất khẩu sang các nơi khác trên thế giới.

Phá rừng không phải là vấn đề mới mẻ, và nó không chỉ xảy ra ở Brazil. Nhưng khi nhu cầu thịt trên toàn cầu tăng vọt, và khi Trung Quốc đang biến Brazil thành nguồn cung cấp đậu nành chính trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, các chuyên gia lo ngại rằng sự bùng nổ nông nghiệp của Brazil sẽ phải trả giá bằng môi trường sống như tại Cerrado.

Phân tích từ TRASE, một sáng kiến ​​theo dõi tính minh bạch trong chuỗi cung ứng hàng hóa, cho thấy tính riêng trong năm 2018, cả Brazil, Argentina và Paraguay đã sản xuất tới 50% số lượng đậu nành trên toàn thế giới, tăng gần gấp 20 lần so với mức 3% của hơn nửa thế kỷ trước.

"Trong 10 năm qua, gần như toàn bộ hoạt động mở rộng diện tích đất trồng đậu nành trong lãnh thổ Brazil đều xảy ra ở Cerrado," Toby Gardner, giám đốc của TRASE, cho biết với CNN, "Thực sự diện tích tự nhiên còn sót lại của Cerrado giờ không còn nhiều,"

Khu vực này có ít sự bảo vệ hơn hẳn so với Amazon, nơi mà theo ông Rosa có tới khoảng 50% diện tích vẫn được bảo vệ. Ngược lại, con số này tại Cerrado chí có khoảng 8%.

"Về lý thuyết, thì cả 2 nơi bị phá hủy với diện tích như nhau, nhưng trên thực tế, Cerrado bị đe dọa nhiều hơn, với tổn thất gấp 3 lần so với Amazon," ông Gardner cho biết với CNN.

Văn phòng của Tổng thống Jair Bolsonaro cùng giới chức Brazil cho đến nay vẫn chưa ra bình luận gì về vấn đề trên.

'Khí hậu không có biên giới'

Trong 10 năm qua, gần như toàn bộ hoạt động mở rộng diện tích đất trồng đậu nành trong lãnh thổ Brazil đều xảy ra ở Cerrado (Ảnh: GETTY)

Trong 10 năm qua, gần như toàn bộ hoạt động mở rộng diện tích đất trồng đậu nành trong lãnh thổ Brazil đều xảy ra ở Cerrado (Ảnh: GETTY)

Sự hủy hoại môi trường sống tại Cerrado cũng là một tin dữ cho quá trình chống biến đổi khí hậu, vì nơi này, theo WWF, đang lưu trữ một "lượng lớn carbon giả định" trong các hệ thống rễ ngầm của nó.

"Đây là một khu rừng rất khác biệt - một khu rừng lộn ngược vì rất nhiều sinh quyển của nó đều nằm ở dưới lòng đất", ông Rosa cho biết với CNN.

Trong một báo cáo gần đây, tổ chức môi trường Greenpeace cho rằng thảm thực vật nguyên bản còn lại của Cerrado chứa một lượng carbon tương đương với 13,7 gigaton carbon dioxide trên Trái Đất.

Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo rằng trong khi các khu rừng là những bể chứa carbon quan trọng, tác động của con người có thể khiến khả năng thu giữ carbon của chúng tiếp tục suy giảm.

Các hoạt động phá rừng và nông nghiệp đang làm đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu, bằng cách làm suy yếu khả năng của đất đai trong việc giảm lượng carbon dioxide ở ngoài khí quyển, và tạo ra một số lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

"Khí hậu là không có biên giới. Việc đa dạng sinh học bị ảnh hưởng, số loài bị mất đi, lượng carbon bị giải phóng từ các hành động chặt phá và đốt rừng để làm đất trồng trọt sẽ làm tăng thêm sự khủng hoảng khí hậu và gây ảnh hưởng đến tất cả chúng ta", Daniela Montalto, một nhà vận động của Greenpeace, cho biết với CNN.

Tài nguyên nước cũng đang bị đe dọa, bởi Theo WWF, trong số 12 vùng thủy văn lớn nhất ở Brazil, 6 trong số chúng đều bắt nguồn từ Cerrado.

"Rừng nhiệt đới Amazon vốn đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều người trong hàng thập kỷ qua và đúng như vậy, nó đang lâm vào cảnh tuyệt vọng", ông Gardner cho biết CNN, "Nhưng cũng có những hệ sinh thái khác đang biến mất, và chúng ta chỉ mới bắt đầu biết về chúng khi mọi thứ đã quá muộn."

Điều gì xảy ra nếu rừng Amazon không còn tồn tại?

Các chuyên gia cho rằng các loài động vật, thực vật và con người sẽ phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc nếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh - CNN ([Tên nguồn])
Cháy rừng Amazon Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN