Những sự thật về cháy rừng Amazon

Cháy rừng tại Amazon hiện đang nghiêm trọng đến mức nào? Bao nhiêu người đang lo sợ về nó và cá nhân mỗi chúng ta có thể làm những gì? Đó là những điều sẽ được giải thích trong bài viết dưới đây của tờ báo Anh Guardian.

Ảnh vệ tinh chụp lại một phần rừng Amazon bị cháy rụi ở khu vực bang Rondônia, Brazil (Ảnh: Reuters)

Ảnh vệ tinh chụp lại một phần rừng Amazon bị cháy rụi ở khu vực bang Rondônia, Brazil (Ảnh: Reuters)

Điều gì đang xảy ra tại Amazon?

Hàng nghìn vụ cháy rừng hiện đang diễn ra tại Brazil, rất nhiều trong số chúng đến từ rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Những đám cháy này đã tạo ra những cột khói đen bao phủ vùng trời của cả một khu vực rộng lớn, và đưa một số lượng carbon đáng báo động vào tầng khí quyển của Trái Đất.

Thảm họa này có xảy ra hàng năm hay không?

Có, nhưng một số vùng có mức độ cháy rừng xảy ra nghiêm trọng hơn bình thường. Ở bang Amazonas của Brazil, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ngày đỉnh điểm của tháng này đạt tỉ lệ cháy rừng cao hơn tới 700% so với cùng kỳ trong suốt 15 năm qua. Ở những nơi khác, lượng tro bụi thải ra trong tháng 8 đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2010.

Nguyên nhân đến từ đâu?

Hầu hết nguyên nhân của các vụ cháy rừng đều đến từ quá trình sản xuất nông nghiệp, do các hộ sản xuất nhỏ thường tiến hành đốt các gốc rạ sau mỗi vụ thu hoạch, hoặc do các hoạt động đốt rừng lấy đất canh tác của nông dân. Ngoài ra, những người chiếm đất bất hợp pháp cũng phá hủy rừng nhằm tăng giá trị cho số đất mà họ chiếm đoạt.

Không như những vụ cháy rừng quy mô lớn tại Alaska hay Siberia, các vụ cháy tại rừng Amazon không bị gây ra bởi sét đánh hay các nguyên nhân tự nhiên khác. Chúng phần lớn do con người và đều bị tác động một cách có chủ ý.

Toàn bộ rừng Amazon liệu có đang cháy?

Rừng Amazon đang cháy với tỉ lệ cao nhất trong hơn 15 năm qua (Ảnh: Reuters) 

Rừng Amazon đang cháy với tỉ lệ cao nhất trong hơn 15 năm qua (Ảnh: Reuters) 

Thật ra thì không phải vậy. Các chuyên gia vệ tinh cho biết những hình ảnh về vụ cháy diễn ra ở toàn bộ rừng Amazon thực chất chỉ mang tính thổi phồng. Rất nhiều thông tin đã bị lan truyền một cách sai lệch trên mạng xã hội, gồm cả những hình ảnh gây “chấn động” về vụ cháy rừng từ…năm ngoái. Trong tuần này, nhiều vụ cháy lớn khác còn bị phát hiện ở cả Colombia lẫn phía Đông Brazil, chứ không riêng gì khu vực rừng Amazon. Dù hầu hết các vụ cháy xảy ra ở các khu vực phá rừng làm nông nghiệp, nhưng hỏa hoạn cũng bùng phát ở một số khu vực đã được bảo tồn.

Vấn đề oxy có thực sự đáng lo hay không?

Không. Dù có một số thông tin khẳng định rừng Amazon sản xuất tới 20% lượng oxy trên Trái Đất, vẫn chưa rõ số liệu này bắt nguồn từ đâu. Theo các nhà khoa học khí hậu nổi tiếng như Michael Mann and Jonathan Foley, con số chính xác thậm chí còn không vượt quá 6%. Kể cả khi số liệu trên có thật đi chăng nữa, lượng nông sản được trồng ở những khu đất trống vẫn có thể sản xuất oxy – thậm chí ở mức độ cao hơn. Vì thế, dù việc đốt rừng nhiệt đới là điều đáng báo động với nhiều lý do khác nhau, chúng ta cũng không cần thiết phải lo lắng về việc bị thiếu hụt oxy.

Vậy vấn đề cháy rừng tại Amazon có thực sự đáng lo?

Đương nhiên là vẫn cực kỳ đáng lo ngại. Hầu hết các vụ cháy rừng đều diễn ra một cách bất hợp pháp, và chúng đang làm suy giảm bể chứa carbon lớn nhất và ngôi nhà quan trọng nhất đối với đa dạng sinh học trên thế giới. Chúng còn đóng góp vào một xu hướng nghiêm trọng hơn, đó là sự gia tăng đáng báo động của nạn chặt phá rừng. Các nhà khoa học cho rằng vụ cháy rừng tại Amazon hiện đã đạt mức kịch trần, mà hậu quả sẽ khiến diện tích rừng bị suy giảm một cách không thể cứu vãn. Ở thời điểm thế giới đang rất cần hàng tỷ cây xanh nữa để có thể hấp thụ carbon và ổn định khí hậu, hành tinh chúng ta lại đang mất đi khu rừng nhiệt đới lớn nhất của mình.

Đã có bao nhiêu diện tích rừng bị mất đi?

Vào tháng Bảy vừa qua, tình trạng chặt phá rừng đã đạt đến mức độ lớn chưa từng thấy trong hơn 1 thập kỷ. Theo các dữ liệu ban đầu từ cơ quan không gian Brazil, số lượng cây xanh bị mất đi đang đạt tỉ lệ ngang với 5 sân bóng đá sau mỗi phút. Chỉ trong có 1 tháng, 2.254 km vuông rừng đã bị mất đi, tăng 278% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà khoa học cảnh báo năm nay sẽ là thời điểm đầu tiên có tới 10.000 km vuông rừng Amazon bị mất đi.

Tình trạng chặt phá rừng tại Brazil hiện đang ở tốc độ lớn chưa từng thấy (Ảnh: Reuters)

Tình trạng chặt phá rừng tại Brazil hiện đang ở tốc độ lớn chưa từng thấy (Ảnh: Reuters)

Tình cảnh trên còn tồi tệ hơn rất nhiều so với thời điểm những năm 1990 hay đầu 2000. Brazil đã từng ghi điểm lớn trong mắt quốc tế bằng việc giảm tỉ lệ phá rừng xuống tới 80% trong khoảng giữa các năm 2005 và 2014. Điều này đạt được nhờ Chính phủ nước này đã thực hiện việc giám sát chặt chẽ, đề ra những chính sách tiến bộ và các hình phạt quyết liệt hơn. Nhưng hệ thống này đang dần bị xói mòn trong những năm gần đây, và rất nhiều ngoài lo sợ tỉ lệ rừng bị mất đi sẽ quay trở lại mức đáng báo động như đã từng xảy ra ở 2 thập kỷ trước.

Tổng thống Brazil là người có lỗi?

Tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đang khiến mọi thứ trở nên xấu đi bằng việc làm suy yếu các cơ quan môi trường, công kích các tổ chức bảo tồn thiên nhiên phi chính phủ, và đang thức đẩy việc mở toang rừng Amazon cho việc khai khoáng, canh tác nông nghiệp và khai thác gỗ. Nhà lãnh đạo cực hữu này đã phớt lờ các dữ liệu vệ tinh về vấn nạn chặt phá rừng và thậm chí còn sa thải người đứng đầu cơ quan không gian của Brazil.

Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là lỗi của riêng của ông Bolsonaro. Các hoạt động mang tính vận động nông nghiệp tại Brazil vẫn đang diễn ra rất mạnh mẽ, và điều này đang làm xói mòn dần hệ thống bảo vệ rừng của nước này, vốn từng rất thành công trong giai đoạn 2005 – 2014. Nạn chặt phá rừng vốn có dấu hiệu phát triển dưới thời các Tổng thống Dilma Rousseff và Michel Temer, nhưng tỷ lệ này đã tăng một cách nhanh chóng sau 8 tháng đầu cầm quyền của Tổng thống Bolsonaro.

Dù vậy, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho riêng ông Bolsonaro, hay hệ thống chính trị của Brazil, vì nạn cháy rừng còn xảy ra ở những nước như Bolivia, nơi có Tổng thống là một người dân túy cánh tả.

Thế giới bên ngoài hiện đang làm những gì?

Tổng thư ký Liên hợp quốc, các nguyên thủ thế giới và rất nhiều ngôi sao giải trí đều đã bày tỏ những quan ngại của mình. Rừng Amazon đã trở thành vấn đề nghị sự chính của hội nghị thượng đỉnh G-7 trong năm nay. Các lãnh đạo khối G–7 đều đã mạnh mẽ lên án tình trạng chặt phá rừng gia tăng trong thời gian gần đây, và thúc giục Brazil khôi phục các biện pháp bảo vệ rừng vốn từng đưa nước này trở thành “thủ lĩnh” môi trường trên toàn cầu.

Liệu điều đó đã đủ chưa?

Nhiều thổ dân tại Amazon sẽ bị đẩy vào cảnh "màn trời chiếu đất" khi nơi ở của họ đang bị phá hủy (Ảnh: Reuters)

Nhiều thổ dân tại Amazon sẽ bị đẩy vào cảnh "màn trời chiếu đất" khi nơi ở của họ đang bị phá hủy (Ảnh: Reuters)

Chưa. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta vẫn là phải tạo ra bước đệm để ngăn chặn thời điểm kịch trần của nạn cháy rừng, và làm giảm lượng khí thải. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không chỉ bảo vệ rừng Amazon, mà còn phải ngăn chặn nạn phá rừng trên diện rông. Nó đòi hỏi sự hỗ trợ về mặt tài chính hơn bất kỳ thứ gì khác cho đến nay. Để điều này có được hiện thực hóa, các chính phủ cần phải tuân theo các chính sách về môi trường và thương mại của nước họ. Hiện tại, các nước như Anh vẫn đang chi một số tiền quá khiêm tốn cho việc bảo tồn rừng ở nước ngoài, trong khi vẫn trao đổi hàng tỷ đô la Mỹ cho các sản phẩm thịt bò, đậu nành, gỗ, khoáng sản và những sản phẩm khác đang làm suy yếu các nỗ lực bảo vệ rừng Amazon. Các chính trị gia cũng cần phải lắng nghe nhiều hơn tới tiếng nói của những người đang sống dựa vào lá phổi xanh của Trái Đất, như những bộ lạc thổ dân trong rừng và dân cư sống ven bìa rừng.

Mỗi cá nhân chúng ta có thể làm gì?

Những hành động mang tính chính trị và tập thể bao giờ cũng có nhiều trọng lực nhất. Hãy tham gia một nhóm chiến dịch có mục tiêu bảo vệ rừng Amazon làm ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, hãy quyên góp cho những tổ chức hỗ trợ việc bảo vệ rừng, các dân cư sống trong rừng và sự đa dạng sinh học, như Socioambiental, Amazon Watch, WWF, Greenpeace, Imazon, International Rivers hay Friends of the Earth.

Bộ lạc nguyên thủy quyết bảo vệ rừng Amazon đến “giọt máu cuối cùng”

Các thành viên bộ lạc nguyên thủy Mura sơn lên cơ thể màu đỏ cam, cầm cung tên dài và đi vào rừng, chuẩn bị cho một trận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Anh - The Guardian ([Tên nguồn])
Cháy rừng Amazon Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN