Không chỉ Ấn Độ "gặp nguy", Covid-19 còn bắt đầu khốc liệt ở những đâu?

Hiện tại, Ấn Độ không còn là điểm nóng duy nhất về Covid-19 trên thế giới. Các làn sóng dịch bệnh khốc liệt đang bao trùm nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, gây áp lực cực lớn tới hệ thống y tế và báo hiệu nguy cơ mất kiểm soát tiềm ẩn. 

Một phụ nữ được tiêm vắc-xin Covid-19 ở Thái Lan. Ảnh: News.cn

Một phụ nữ được tiêm vắc-xin Covid-19 ở Thái Lan. Ảnh: News.cn

Tờ Bloomberg hôm 4/5 đưa tin, một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào hay các nước giáp với Ấn Độ như Bhutan hay Nepal, ghi nhận sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm Covid-19 mới trong vài tuần qua. 

Sự gia tăng chủ yếu do các biến thể Covid-19 dễ lây lan hơn. Ngoài ra, việc chủ quan và thiếu nguồn lực để ngăn dịch lây lan cũng nằm trong danh sách các lý do. 

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Lào đã tìm kiếm sự trợ giúp về điều trị, nguồn vật tư và trang thiết bị y tế khi số ca nhiễm Covid-19 ở nước này tăng hơn 200 lần trong một tháng. 

Tại Nepal, các bệnh viện nước này đang ngày càng chật chội khi số bệnh nhân tăng lên và nguồn oxy y tế cạn kiệt. Các cơ sở y tế tại Thái Lan, nơi 98% số ca nhiễm mới là do một chủng virus dễ lây nhiễm hơn, đang chịu áp lực lớn. Các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 đầu tiên. 

Dù không có quốc gia nào kể trên có mức độ dân số hoặc quy mô lây nhiễm tương đương Ấn Độ, nhưng mức tăng đột biến được ghi nhận ở các quốc gia này có độ bất ngờ hơn, báo hiệu nguy cơ tiềm ẩn của việc lây lan mất kiểm soát. 

Sự bùng phát trở lại và lần đầu tiên bùng phát ở một số nơi đã tránh được "tai họa" vào năm ngoái cho thấy sự cấp thiết của việc cung cấp vắc-xin Covid-19 cho các nước thu nhập thấp hơn. 

Hans Kluge, giám đốc khu vực châu Âu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng: "Điều quan trọng là phải làm cho mọi người hiểu rõ tình cảnh hiện tại ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Đây là một thách thức lớn". 

Xếp hạng theo sự thay đổi về số ca nhiễm mới, được ghi nhận trong tháng 4 so với tháng 3, Lào đứng đầu tiên với mức tăng 22.000%, theo sau là Nepal và Thái Lan - đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt hơn 1.000%. 

Binh sĩ Nepal "chào tiễn biệt" các nạn nhân tử vong vì Covid-19 ở lò hỏa táng Kathmandu hôm 1/5. Ảnh: Getty

Binh sĩ Nepal "chào tiễn biệt" các nạn nhân tử vong vì Covid-19 ở lò hỏa táng Kathmandu hôm 1/5. Ảnh: Getty

Cũng thuộc nhóm đầu là các nước như Bhutan, Trinidad và Tobago, Suriname, Campuchia và Fiji, những nơi ghi nhận số ca nhiễm ở mức 3 con số. 

"Mọi quốc gia đều có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh", David Heymann, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh & Y học nhiệt đới London (Anh), nhận định. "Covid-19 dường như trở thành dịch bệnh luân chuyển. Vì vậy, nó là mối đe dọa với mọi quốc gia trong tương lai không xa". 

Ngày 1/5, Ấn Độ ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Số ca tử vong cũng chạm mốc cao mới vào ngày hôm sau. Các bệnh viện và lò hỏa táng tại quốc gia Nam Á này đang phải hoạt động hết công suất, "chạy đua với thời gian" để tiếp nhận số bệnh nhân cũng như số người chết tăng đột biến. 

Ngoài ra, các cơ sở y tế, bệnh viện còn phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt oxy y tế, không thể điều trị cho số lượng bệnh nhân ngày càng lớn. 

Sự bùng phát đột ngột ở Lào - nơi chỉ ghi nhận tổng số 60 ca nhiễm kể từ khi đại dịch bắt đầu ở nước này cho tới hôm 20/4 và chưa ghi nhận ca tử vong nào - cho thấy các thách thức mà một số quốc gia không giáp biển phải đối mặt. Khó khăn xảy ra trong việc ngăn chặn người vượt biên trái phép qua biên giới đường bộ. 

Lào đã phong tỏa thủ đô Vientiane và cấm đi lại giữa thủ đô và các tỉnh. Bộ trưởng Y tế Lào đã liên hệ với các nước láng giềng như Việt Nam để được hỗ trợ về công tác phòng chống dịch. 

Nepal và Bhutan cũng ghi nhận số ca đột biến, một phần từ việc công dân trở về nước. Nepal, nước có các ca nhiễm với biến thể Ấn Độ, có nguồn lực hạn chế để đối phó với đại dịch. 

"Rất nghiêm trọng"

"Tình hình đang rất nghiêm trọng", theo Ali Mokdad, Giám đốc chiến lược về Sức khỏe Dân số tại Đại học Washington (Mỹ). "Cần có vắc-xin mới để ngăn chặn biến thể mới và việc kiểm soát đại dịch sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi chưa có vắc-xin". 

Ông Mokdad cho biết khó khăn về kinh tế khiến các nước thu nhập thấp gặp trở ngại trong việc phòng chống dịch bệnh. 

Thái Lan, nước đang tìm cách vực dậy ngành du lịch "kiệt quệ", vừa đưa ra quy định cách ly bắt buộc trong 2 tuần với toàn bộ du khách. Dự báo của chính phủ Thái Lan cho năm 2021 cho thấy, doanh thu của du lịch sẽ giảm xuống còn 170 tỷ baht (5,4 tỷ USD) so với 260 tỷ baht như kỳ vọng hồi tháng 1. 

Hệ thống y tế công cộng của quốc gia Đông Nam Á này cũng chịu nhiều áp lực. Các nhà chức trách đang thiết lập các bệnh viện dã chiến để có thể tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân. 

Theo Yong Poovorawan, Giám đốc Trung tâm virus lâm sàng, thuộc đại học Chulalongkorn (Thái Lan), khoảng 98% số ca nhiễm ở Thái Lan là biến thể được phát hiện ở Anh.

"Vùng đỏ"

Tại Campuchia, kể từ khi đợt Covid-19 mới bùng phát, hơn 10.000 ca  nhiễm trong cộng đồng được phát hiện ở hơn 20 tỉnh. Thủ đô Phnom Penh của Campuchia hiện là "vùng đỏ" - khu vực nguy cơ bùng phát dịch cao. 

Tại Sri Lanka, giới chức đã thiết lập các khu vực tách biệt, cấm đám cưới, hội họp và đóng cửa các rạp chiếu phim, quán rượu để ngăn đợt bùng phát kỷ lục sau các lễ hội năm mới vào tháng trước. Chính phủ Sri Lanka cho biết tình hình đang được kiểm soát. 

Trinidad và Tobago đã tuyên bố phong tỏa một phần sau khi số ca nhiễm tại nước này tăng kỷ lục. Các trung tâm thương mại, nhà hàng, rạp chiếu phim phải đóng cửa tới cuối tháng 5. 

Sau khi duy trì tương đối (không có ca nhiễm Covid-19) nhờ kiểm soát biên giới chặt chẽ, một số đảo quốc Thái Bình Dương đang ghi nhận làn sóng Covid-19 đầu tiên. Các thành phố du lịch nổi tiếng ở Fiji đã phải đóng cửa sau khi có ổ dịch trong quân đội. 

"Sự gia tăng gần đây của các ca nhiễm được ghi nhận trên khắp Thái Bình Dương cho thấy mức độ quan trọng của việc có vắc-xin Covid-19. Phong tỏa biên giới là chưa đủ", Jonathan Pryke, người đứng đầu nghiên cứu về khu vực Thái Bình Dương của Viện Lowy (Úc), nhận định. "Ấn Độ là một lời cảnh báo sốc với thế giới về việc đại dịch Covid-19 có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nhanh tới mức nào". 

Theo giáo sư Heymann, các nước phát triển có nhiệm vụ đóng góp vào nỗ lực phân phối công bằng vắc-xin, thuốc điều trị và xét nghiệm chẩn đoán trên thế giới. 

Nguồn: [Link nguồn]

Bằng cách nào Ấn Độ có thể vượt qua 'cơn sóng thần' COVID-19?

Sức càn quét của “cơn sóng thần” COVID-19 ở Ấn Độ vẫn đang rất mạnh khi nước này mấy ngày qua ghi nhận trên dưới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Bloomberg ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN