Khó có khả năng xảy ra xung đột toàn diện Iran – Israel

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì Iran và Israel trong lịch sử luôn duy trì thái độ “hòa hoãn” một cách tinh tế. Mặc dù sự leo thang gần đây được một số người nhìn nhận trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza đang diễn ra, nhưng sự bất đồng cơ bản giữa Iran và Israel không xoay quanh tương lai của Palestine. Thay vào đó, tranh cãi giữa hai bên tập trung vào việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Việc giảm leo thang đã được chuẩn bị từ trước

“Cuộc chiến tranh bóng tối” kéo dài hàng thập niên giữa Israel và Iran đã “lộ diện” vào cuối tuần trước với cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) chưa từng có của Tehran nhằm thẳng lãnh thổ Israel, cho dù phần lớn đã bị lực lượng phòng thủ của Israel và đồng minh vô hiệu hóa. Sự kiện này thể hiện bước leo thang lớn giữa hai quốc gia đối địch địa chính trị.

Các chuyên gia nhận định, cuộc tấn công của Iran khó có thể dẫn đến xung đột toàn diện với Israel.

Các chuyên gia nhận định, cuộc tấn công của Iran khó có thể dẫn đến xung đột toàn diện với Israel.

Cuộc tấn công chỉ gây ra thương vong cho một dân thường và gây thiệt hại nhỏ tại một căn cứ không quân của Israel, nhưng được cho là đã tiêu tốn của Tel Aviv hơn 550 triệu USD chi phí đạn dược phòng thủ. Tuy nhiên, chuyên gia Raghida Dergham, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Viện Beirut, nhận định rằng, hành động của Tehran khó có thể dẫn đến xung đột toàn diện với Israel. Theo đó, cuộc tấn công, dù có quy mô lớn, dường như được thiết kế để tránh leo thang hơn nữa trong khi vẫn thỏa mãn mong muốn của Iran là trả đũa việc Israel giết chết một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) trong vụ không kích khu phức hợp Đại sứ quán ở Damascus, hôm 1/4. Việc giảm leo thang được chuẩn bị từ trước còn dễ dàng thấy được qua tuyên bố của Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) rằng, cuộc trả đũa “được coi là đã kết thúc” nếu Israel không đáp trả. Jordan, Iraq và thậm chí cả Israel ngày 15/4 đều đã mở lại không phận của mình, trong khi Iran đã mở lại các sân bay của họ.

Cùng với đó, dường như Iran hiểu rằng, Mỹ sẽ không đứng ngoài trong trường hợp xảy ra chiến tranh trực tiếp với Israel. Do vậy, bất chấp năng lực quân sự ngày càng tăng, Tehran khó có thể thắng trong cuộc chiến chống lại sức mạnh tổng hợp giữa Washington và Tel Aviv. Một lý do khác để nước Cộng hòa Hồi giáo không tìm cách leo thang hơn nữa với Nhà nước Do Thái là họ không muốn mạo hiểm trong mối quan hệ đang diễn ra với chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Các cuộc đàm phán “phía hậu trường” vẫn đang được tiến hành, với mục đích khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (viết tắt là JCPOA), được biết đến phổ biến hơn với tên gọi Thỏa thuận hạt nhân Iran, và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran. Ngoài ra, Tehran còn thận trọng để tránh thực hiện bất kỳ hành động nào có thể chuyển quan điểm hiện tại của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Israel từ “giận dữ” sang “đồng cảm”. Cuối cùng, các cuộc đàm phán giữa Israel - Hamas vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt và vẫn có thể thành công.

Đồng quan điểm, theo nhận định của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS), Iran rõ ràng luôn cảnh giác với sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông và khả năng xảy ra đối đầu với Washington. Do đó, hành động của Iran trước và trong cuộc tấn công cho thấy nước Cộng hòa Hồi giáo có thể hài lòng với phản ứng của họ và có thể tránh leo thang thêm, trừ khi cần thiết. Thực tế cho thấy, Iran đã cố gắng giảm thiểu khả năng xảy ra cuộc tấn công dẫn đến xung đột khu vực khi Tehran nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự ở xa, cùng với sự thông báo rõ ràng cho cuộc tấn công này. INSS lưu ý, “quả bóng” hiện đang ở trên sân của Israel và phản ứng đối với cuộc tấn công từ Iran sẽ quyết định liệu Tel Aviv sẽ tiến tới một sự leo thang nghiêm trọng hay sẽ kết thúc chu kỳ hiện tại. Israel có thể hài lòng với tỷ lệ đánh chặn UAV và tên lửa chưa từng có, sự hợp tác đặc biệt với Mỹ và Anh, trên hết là bị thiệt hại thực tế tối thiểu. Nhà nước Do Thái có thể chỉ đáp trả một cách hạn chế, đặc biệt khi Mỹ không ủng hộ một cuộc đáp trả của họ. Tuy nhiên, đây là một sự kiện chưa từng có và có thể dẫn đến một phản ứng gay gắt nhằm ngăn chặn những sự kiện như vậy trong tương lai, vạch ra ranh giới đỏ cho Iran để nước này không lặp lại động thái tương tự. Mặc dù vậy, bất kỳ cuộc tấn công nào vào Iran đều làm tăng đáng kể khả năng xảy ra xung đột khu vực, vượt ra ngoài toan tính của Israel và Iran. Vì vậy, Israel có thể sẽ phối hợp mọi phản ứng với Mỹ.

Với các cường quốc trên thế giới, cả Nga và Trung Quốc đều gửi tín hiệu rằng, có rất ít lý do biện minh cho một cuộc xung đột trực tiếp. Cả Moscow và Bắc Kinh đều không muốn một cuộc chiến tranh toàn cầu nổ ra, khi mỗi bên đều có ưu tiên lợi ích kinh tế và chiến lược của mình ở Trung Đông. Trong khi đó, chính quyền Mỹ cũng đang nỗ lực tối đa để kiềm chế xung đột lan rộng. Mỹ muốn Iran hiểu rằng, họ không được thông báo trước về cuộc tấn công ở Damascus hôm 1/4 của Israel và rằng, Washington vẫn cam kết thực hiện các cuộc đàm phán bí mật với Tehran.

Câu hỏi bỏ ngỏ

Sự bất đồng cơ bản giữa Iran và Israel không xoay quanh tương lai của Palestine. Thay vào đó, tranh cãi giữa hai bên tập trung vào việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Israel được cho là một trong 9 quốc gia hạt nhân trên thế giới dù chưa bao giờ thừa nhận. Nhà nước Do Thái luôn từ chối xác nhận việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân và theo đuổi “chính sách mơ hồ” về vấn đề này. Các nhà lãnh đạo Israel nhìn chung giữ im lặng về năng lực nguyên tử, mặc dù Bộ trưởng Nội các theo đường lối cực hữu Amichai Eliyahu đã ngầm thừa nhận điều này vào tháng 11 năm ngoái khi nói rằng, tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Dải Gaza là “một lựa chọn”. Bên cạnh đó, những đánh giá bị rò rỉ của các đồng minh Israel cũng đưa ra một số gợi ý về khả năng hạt nhân của nước này. Trong khi đó, chương trình hạt nhân của Iran đã bị đóng băng bởi JCPOA. Thỏa thuận này được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và được coi là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của ông. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA, trong bối cảnh cả đảng Cộng hòa và Israel đều tuyên bố thất vọng trước việc Iran tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và sử dụng các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực. Điều này khiến Iran phải chịu các biện pháp trừng phạt mới - được gọi là cách tiếp cận “áp lực tối đa” từ Mỹ - nhưng cũng loại bỏ các hạn chế hạt nhân do JCPOA đặt ra đối với Tehran, có thể mở đường cho các nhà lãnh đạo Iran một lần nữa thúc đẩy phát triển chương trình hạt nhân.

Theo báo cáo hằng quý gần đây nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), tổng trữ lượng uranium đã làm giàu của Iran là 5.525,5kg, tăng 1.038,7kg kể từ báo cáo lần trước đó. Trong số này, ước tính có khoảng 121,5kg uranium đã được làm giàu tới 60%, giảm 6,8kg so với ước tính trước đó. IAEA ước tính rằng 42kg uranium được làm giàu tới 60% về mặt lý thuyết là đủ để sản xuất một đầu đạn hạt nhân. Không rõ Iran có thể hoàn thành các bước cuối cùng cần thiết để chuyển từ kho dự trữ uranium đã làm giàu sang sở hữu vũ khí hạt nhân nhanh đến mức nào. Đây được gọi là “thời gian đột phá”. Năm ngoái, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl phát biểu trước Quốc hội rằng “thời gian đột phá” của Iran có thể chỉ là 12 ngày. Trong khi đó, ông Eric Brewer, Phó chủ tịch Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân có trụ sở tại Washington, hồi tháng 2 năm nay cho rằng, Iran đã có đủ 60% nguyên liệu cho khoảng ba đơn vị vũ khí hạt nhân, nếu được làm giàu thêm tới 90%. Vị chuyên gia nhận định, Tehran sẽ chỉ cần vài tuần để sản xuất vật liệu cấp vũ khí đó, nhưng có lẽ lâu hơn nữa - một năm hoặc hơn - để chế tạo một quả bom thực sự.

Nguồn: [Link nguồn]

Iran tấn công với hỏa lực vừa đủ để phòng không Israel đánh chặn, tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực, nhưng vẫn thể hiện được khả năng răn đe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khổng Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Iran tấn công Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN