Vụ Iran tấn công Israel dưới góc nhìn luật quốc tế

Iran viện dẫn Điều 51 Hiến chương LHQ để lý giải mình có quyền tự vệ khi tấn công Israel. Vậy khi nào thì quốc gia được “quyền tự vệ”; khi thực hiện “quyền tự vệ”, quốc gia phải tuân thủ điều kiện gì; thủ tục thông báo cho HĐBA LHQ được thực hiện như thế nào?

Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) đã viện dẫn Điều 51 Hiến chương LHQ để lý giải cho cuộc tấn công này. Liệu việc viện dẫn điều luật này để lý giải cho hành động của Iran có phù hợp với luật quốc tế không?

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về căng thẳng ở Trung Đông tại trụ sở Liên hợp quốc ở TP New York (Mỹ) ngày 14-4. Ảnh: AFP

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về căng thẳng ở Trung Đông tại trụ sở Liên hợp quốc ở TP New York (Mỹ) ngày 14-4. Ảnh: AFP

Trước hết cần hiểu “quyền tự vệ” được quy định tại Điều 51 Hiến chương LHQ. Điều 51 quy định: “Không có một điều khoản nào trong hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên LHQ bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) chưa áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Những biện pháp mà các thành viên LHQ áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho HĐBA và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của HĐBA, chiếu theo hiến chương này, đối với việc HĐBA áp dụng bất kỳ lúc nào những hành động mà hội đồng thấy cần thiết để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.

Với quy định này, quyền tự vệ của quốc gia bao gồm ba nội dung: Khi nào thì quốc gia được “quyền tự vệ”; khi thực hiện “quyền tự vệ”, quốc gia phải tuân thủ điều kiện gì; thủ tục thông báo cho HĐBA LHQ được thực hiện như thế nào?

Hành vi tấn công Đại sứ quán Iran là điều kiện để Iran trả đũa Israel nhưng việc Iran tấn công Israel lại không thỏa mãn các điều kiện theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc.

Quốc gia được quyền tự vệ khi nào?

Theo luật pháp quốc tế, quốc gia chỉ được thực hiện quyền tự vệ khi bị “tấn công vũ trang” và chủ thể thực hiện hành vi tấn công vũ trang phải là quốc gia.

Với định nghĩa “tấn công vũ trang”, theo nhận định của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trong phán quyết vụ Nicaragua cáo buộc Mỹ có những hoạt động quân sự và bán quân sự chống lại chính phủ nước này (năm 1986), tấn công vũ trang “phải được hiểu là bao gồm không chỉ hành động của các lực lượng vũ trang chính quy xuyên biên giới quốc tế, mà còn hành động gửi hoặc thay mặt cho một quốc gia của các băng nhóm, tổ chức vũ trang hoặc lính đánh thuê, thực hiện các hành động của lực lượng vũ trang chống lại một quốc gia khác có mức độ nghiêm trọng như một cuộc tấn công vũ trang thực sự được thực hiện bởi những lực lượng vũ trang thường xuyên, hoặc có sự tham gia đáng kể của lực lượng vũ trang thường xuyên trong đó”.

Đồng thời, kết luận tư vấn vụ Israel xây dựng bức tường trên lãnh thổ Palestine ở Đông Jerusalem (năm 2003), ICJ đã cho rằng: “Điều 51 Hiến chương thừa nhận sự tồn tại quyền tự vệ vốn có của một quốc gia trong trường hợp bị tấn công vũ trang, chủ thể tấn công vũ trang phải là quốc gia, được thực hiện trực tiếp qua hoạt động của lực lượng vũ trang thường xuyên hoặc được thực hiện gián tiếp thông qua các băng nhóm vũ trang, lính đánh thuê được quy cho quốc gia”.

Ngoài ra, ICJ còn xác định “vai trò của quốc gia bị tấn công trong việc xác định hành động tấn công vũ trang. Trong phán quyết vụ Nicaragua (năm 1986), ICJ cho rằng “chính quốc gia là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang phải đưa ra và tuyên bố quan điểm rằng nó đã bị tấn công”. Như vậy, tuyên bố của quốc gia bị tấn công là yêu cầu bắt buộc để xác định có cuộc tấn công vũ trang từ quốc gia khác.

Gần đây, nhiều quốc gia đã viện dẫn “quyền vốn có” trong hiến chương để đối phó với các hành vi đe dọa sử dụng vũ lực, tấn công vũ trang, chống chủ nghĩa khủng bố. Cách hiểu này là không thuyết phục và không phù hợp với quy định của Điều 51, vì các quốc gia chỉ được quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang. Nếu “lạm dụng” quyền tự vệ thì tính tối thượng của nguyên tắc kiềm chế sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực theo luật pháp quốc tế sẽ bị vô hiệu. Đồng thời, nếu hiểu quyền tự vệ theo cách này chính là “cổ vũ” cho hành vi sử dụng vũ lực bất hợp pháp trong quan hệ quốc tế.

Về vụ Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích, theo luật quốc tế, cơ quan ngoại giao được xem như là “lãnh thổ của quốc gia ở nước ngoài”. Do đó, việc một quốc gia, trong trường hợp này có thể là Israel, đã phóng tên lửa vào Đại sứ quán Iran tại Syria được coi là hành vi “tấn công vũ trang” theo quy định của luật pháp quốc tế.

Cần nói thêm rằng hành vi này bị coi là hành vi “xâm lược” theo Điều 1 Nghị quyết 3314 của Đại hội đồng LHQ năm 1974. Theo đó, “hành vi xâm lược là việc một quốc gia sử dụng lực lượng vũ trang chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một quốc gia khác hoặc theo bất kỳ cách nào khác trái với Hiến chương LHQ”.

Do đó, hành vi tấn công vào tòa đại sứ quán của Iran tại Syria là điều kiện để Iran trả đũa Israel. Tuy nhiên, phương thức Iran tấn công Israel lại không thỏa mãn các điều kiện để tự vệ theo Điều 51 Hiến chương LHQ.

Hệ thống phòng không Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Iran ngày 14-4. Ảnh: REUTERS

Hệ thống phòng không Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Iran ngày 14-4. Ảnh: REUTERS

Điều kiện để thực hiện quyền tự vệ

Về điều kiện mà quốc gia phải tuân thủ khi thực hiện “quyền tự vệ” thì hành vi tự vệ phải thỏa mãn nguyên tắc về “sự cần thiết và tương xứng”, như ICJ khẳng định trong Kết luận tư vấn về tính hợp pháp của hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân (năm 1996).

Về yếu tố “sự cần thiết”, quốc gia thực hiện quyền tự vệ phải chỉ ra rằng hành động tự vệ của họ là lựa chọn duy nhất có sẵn để có thể đẩy lùi cuộc tấn công vũ trang. Nếu cuộc tấn công vũ trang đã chấm dứt hoặc chưa diễn ra, việc thực hiện quyền tự vệ của quốc gia được xem là không cần thiết. Điều kiện này đòi hỏi về thời gian, hành vi tự vệ (nếu có) phải được thực hiện ngay sau khi bị tấn công vũ trang.

Hành vi Iran tấn công Israel vào ngày 13-4 “không phải là sự lựa chọn duy nhất có sẵn để có thể đẩy lùi cuộc tấn công vũ trang”. Ngay cả khi Israel được xác định là quốc gia đã tấn công vào Đại sứ quán Iran tại Syria thì “cuộc tấn công vũ trang đó cũng đã chấm dứt” nên việc thực hiện quyền tự vệ của Iran được xem là không cần thiết.

Về nguyên tắc tương xứng, nguyên tắc này được xác định bằng mức độ tương đồng (mang tính tương đối) giữa hành vi tự vệ và hành vi tấn công như: Mục tiêu đẩy lùi hoặc ngăn chặn hành vi tấn công vũ trang của quốc gia khác có đạt được hay không; vũ khí, phương tiện quân sự được sử dụng để tự vệ có tương xứng hay không; cơ sở vật chất, hạ tầng bị thiệt hại, số người bị chết, bị thương do hành động tự vệ gây ra có tương xứng hay không để xác định xem việc sử dụng vũ lực là hành động trả thù hay tự vệ hợp pháp.

Do đó, nếu vũ khí, phương tiện quân sự sử dụng để tự vệ quá lớn, quá chênh lệch so với vũ khí, phương tiện quân sự được sử dụng để tấn công vũ trang trước đó; số thiệt hại, thương vong do hành động tự vệ gây ra lớn hơn đáng kể so với hành vi tấn công vũ trang đã diễn ra thì đó là minh chứng để khẳng định đó không phải là hành vi tự vệ, mà là hành vi trả thù, trả đũa bất hợp pháp.

Xét tới hành vi tấn công của Iran, cuộc tấn công này có phạm vi, mục tiêu, vũ khí, phương tiện quân sự quá lớn, quá chênh lệch so với phạm vi, mục tiêu, vũ khí, phương tiện quân sự đã được sử dụng trong vụ Đại sứ quán Iran tại Syria bị không kích. Cụ thể, Iran dùng 170 máy bay không người lái (UAV), 120 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình tấn công nhiều khu vực ở Israel. Thế nên nếu hệ thống phòng không của Israel không chặn được các vũ khí của Iran, thiệt hại và thương vong do hành vi “tự vệ” của Iran gây ra cho Israel sẽ lớn hơn rất nhiều so với vụ Đại sứ quan Iran trúng không kích.

Do vậy, hành vi tấn công Israel của Iran không đáp ứng “nguyên tắc tương xứng” giữa hành vi tự vệ và hành vi tấn công. Ngoài ra, việc thực hiện “quyền tự vệ” của Iran cũng không nhằm mục tiêu “đẩy lùi hoặc ngăn chặn” hành vi tấn công vũ trang của Israel. Như vậy, hành vi của Iran không phải là “tự vệ”, mà là sự trả thù, trả đũa bất hợp pháp.

Về thủ tục thông báo của quốc gia cho HĐBA LHQ khi thực hiện quyền tự vệ, Điều 51 Hiến chương LHQ quy định quốc gia thực hiện quyền tự vệ phải thông báo ngay cho HĐBA. Trong phán quyết vụ Nicaragua, theo ICJ, thủ tục thông báo cho HĐBA không phải là điều kiện để xác định tính hợp pháp của hành vi tự vệ. Tuy nhiên, việc thông báo đến HĐBA là một trong những căn cứ để chứng minh rằng quốc gia là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang.

Tóm lại, theo quy định tại Điều 51 Hiến chương LHQ, quốc gia được quyền tự vệ khi và chỉ khi quốc gia “bị tấn công vũ trang” bởi một quốc gia khác; quốc gia bị tấn công phải tuyên bố và xác thực mình là nạn nhân của hành động tấn công vũ trang bởi quốc gia khác; quốc gia thực hiện quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang phải đảm bảo nguyên tắc cần thiết và tương xứng và tự vệ là biện pháp duy nhất và cuối cùng để đối phó với việc bị tấn công vũ trang.

Đối chiếu với những phân tích trên, cá nhân tôi cho rằng hành vi tấn công của Iran vào lãnh thổ Israel ngày 13-4 không thỏa mãn các yếu tố cấu thành “quyền tự vệ” hay “quyền tự vệ hợp pháp” theo quy định tại Điều 51 Hiến chương LHQ ngay cả khi Israel là chủ thể thực hiện hành vi tấn công Đại sứ quán Iran tại Syria.

Nguồn: [Link nguồn]

Moscow kêu gọi Israel và Iran kiềm chế, cảnh báo rằng leo thang căng thẳng sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào. Đại biện phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cũng bình luận về vụ Iran tấn công Israel.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PGS-TS NGÔ HỮU PHƯỚC, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật kinh tế Trường ĐH Ki ([Tên nguồn])
Iran tấn công Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN