Khi Nhật Bản muốn giải tán giáo hội Nhà thờ Thống nhất

Sự kiện: Tin tức Nhật Bản

Tháng 10-2023, Quốc hội Nhật Bản đã bỏ phiếu giải tán chi nhánh của giáo hội Thống nhất vốn có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Quyết định này được đưa ra sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 7-2022. Nhưng người ta lo ngại đây mới là lúc giáo phái làm những điều thực sự cực đoan để chống bị giải thể.

Giáo chủ Sun Myung Moon chủ trì đám cưới tập thể của 2.000 cặp đôi tại thành phố New York (Mỹ) năm 1998

Giáo chủ Sun Myung Moon chủ trì đám cưới tập thể của 2.000 cặp đôi tại thành phố New York (Mỹ) năm 1998

Quan hệ phức tạp với xã hội Nhật Bản

Liên đoàn Gia đình vì sự thống nhất và hòa bình thế giới (gọi tắt là Nhà thờ Thống nhất) được mục sư Sun Myung Moon thành lập tại Hàn Quốc năm 1954 và trở nên nổi tiếng với các hoạt động gây quỹ và đám cưới tập thể. Nhưng trong quá trình hoạt động, Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng trong cả học thuyết lẫn nghi thức hàng ngày của giáo hội này. Theo giáo chủ Sun Myung Moon (người sinh ra trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc), Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Hàn Quốc. “Hàn Quốc cần truyền giáo cho Nhật Bản để nước này có thể trở thành đối tác cấp cao trong mối quan hệ song phương và chứng tỏ là những công dân toàn cầu yêu chuộng hòa bình” - giáo chủ Sun Myung Moon viết trong cuốn tự truyện của mình.

Trên thực tế, điều đó có nghĩa là các thành viên Nhật Bản của giáo hội Nhà thờ Thống nhất bị đối xử bất bình đẳng và cảm thấy như họ phải chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ đối với Hàn Quốc. Cụ thể, các thành viên người Nhật Bản phải trả 700.000 yên (tương đương hơn 5.000 USD) để “giải phóng” linh hồn tổ tiên của họ - một tục lệ phổ biến trong nhà thờ. Trong khi đó, các thành viên ở Mỹ chỉ phải trả 700 USD.

Tháng 7-2022, Nhật Bản chấn động bởi vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Thủ phạm sau đó khai anh ta căm thù giáo hội Nhà thờ Thống nhất, bởi mẹ anh ta đã phá sản sau khi quyên góp tiền cho nhà thờ. Người này còn đổ lỗi cho ông Shinzo Abe vì đã thúc đẩy giáo hội. Thực tế, giáo hội Nhà thờ Thống nhất đã có mối quan hệ sâu sắc với chính trị Nhật Bản kể từ cuối những năm 1950, khi ông nội của ông Abe là ông Nobusuke Kishi làm Thủ tướng. Ông Nobusuke Kishi và giáo chủ Sun Myung Moon đã phát triển mối quan hệ có lợi cho cả hai, đó là thúc đẩy sự hiện diện của nhà thờ ở Nhật Bản đồng thời củng cố quyền lực chính trị của đảng Dân chủ Tự do mà ông Abe đã tiếp quản vào năm 2006. Năm 2021, chính ông Abe có bài phát biểu tại sự kiện do một tổ chức liên kết với nhà thờ tổ chức.

Vụ ám sát ông Shinzo Abe đã làm dấy lên những cảm xúc phức tạp với những người thuộc thế hệ thứ hai, tức những người mà đời trước trong gia đình họ đã tham gia giáo hội này. Một số người dường như đồng cảm với kẻ xả súng bởi cảm thấy phẫn uất vì lớn lên trong môi trường bị lạm dụng và kiểm soát. “Việc nhà nước bắt tay với nhóm tôn giáo này đã hủy hoại cuộc đời anh ta và gia đình anh ta. Họ bị lấy đi tiền bạc, sinh kế, người thân. Sự tức giận đó có thể hiểu được. Tình cảnh bị lạm dụng khiến người ta đôi khi làm những điều phi lý” - cô Alisa Mahjoub, một người thuộc thế hệ thứ hai đã rời bỏ giáo hội này từ khi 17 tuổi chia sẻ.

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã mở ra cuộc điều tra của Nhật Bản vào hoạt động của nhóm tôn giáo Nhà thờ Thống nhất

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã mở ra cuộc điều tra của Nhật Bản vào hoạt động của nhóm tôn giáo Nhà thờ Thống nhất

Giữa thời kỳ khủng hoảng

Sau khi xảy ra vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe cùng mối liên quan với giáo hội Nhà thờ Thống nhất bị tiết lộ, giáo hội này thề sẽ cải cách các hoạt động tuyển dụng và quyên góp. Đầu tháng 11-2023, họ tuyên bố sẽ chi 67 triệu USD để trang trải cho những người yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thông báo được đưa ra sau cuộc điều tra của Nhật Bản về các hoạt động của nhóm này vào cuối năm ngoái.

Cần nói thêm, ở Nhật Bản, Nhà thờ Thống nhất vẫn được công nhận là một tổ chức “pháp nhân tôn giáo”, hoạt động với tư cách công ty và được hưởng các lợi ích về thuế. Tình trạng pháp lý của nhóm này đã trở thành chủ đề được đồn đoán kể từ khi chính phủ mở cuộc điều tra nói trên. Nếu bị phát hiện vi phạm pháp luật hoặc gây nguy hiểm cho phúc lợi công cộng, nhà thờ có thể bị giải tán, mất tư cách pháp nhân tôn giáo. Nếu giải thể, nhà thờ sẽ mất tư cách chính thức và không được miễn thuế, nhưng vẫn có thể tiếp tục hoạt động.

Kể từ khi ông Sun Myung Moon qua đời vào năm 2012, giáo hội Nhà thờ Thống nhất bắt đầu có dấu hiệu suy tàn. Nhiều người thuộc thế hệ thứ hai vỡ mộng và đã rời bỏ phong trào. Nhà thờ từ lâu dựa vào sự quyên góp và gây quỹ từ các thành viên thì nay đã phải bán tài sản từng là nơi tụ tập của các tín đồ và bất động sản của gia đình ông Sun Myung Moon, bao gồm khu đất ở Barrytown (New York) và khách sạn Quốc gia Sheraton ở Arlington (Virginia).

Theo Người phát ngôn của nhóm tôn giáo này, ước tính có hơn 2 triệu thành viên trên toàn thế giới. Nhưng cái chết của giáo chủ cũng để lại khoảng trống quyền lực trong nhà thờ khi vợ ông (là bà Hak Ja Han) tiếp quản nhóm. Hai con trai của ông đã thành lập các nhóm của riêng mình, bao gồm cả nhà thờ Rod of Iron Ministries cực hữu, lấy súng làm trung tâm. Vào năm 2019, một trong số người con đã kiện mẹ mình về việc thừa kế nhưng vụ việc đã bị tòa án Hàn Quốc bác bỏ vào các năm 2019 và 2021.

Phản ứng quyết liệt và cực đoan hơn?

Trong quá trình chờ đợi quyết định của Chính phủ Nhật Bản, Nhà thờ Thống nhất đã có động thái phản ứng. Vào tháng 10-2023, giáo hội Nhà thờ Thống nhất đã công khai chỉ trích Chính phủ Nhật Bản về việc giải tán chi nhánh giáo hội Nhật Bản và cho rằng điều đó vi phạm quyền tự do tôn giáo. Trong nội bộ, nhà thờ đã hướng dẫn các thành viên cầu nguyện suốt đêm và tăng cường kêu gọi quyên góp.

Trong một cuộc họp bị rò rỉ ngày 26-9 được đăng trực tuyến, ông Demian Dunkley - Chủ tịch chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương tiết lộ, nhà thờ có những người trong nội bộ Chính phủ Nhật Bản. “Tín đồ của chúng ta, những nghị sĩ giống như chúng ta, đang cung cấp thông tin nội bộ nói rằng có lẽ không có cách nào thoát khỏi việc nhà thờ bị giải tán” - ông Dunkley nói và kêu gọi các thành viên ký đơn phản đối đề nghị giải thể cũng như tăng cường tự nguyện quyên góp khi nguồn tiền chính của họ ở Nhật Bản đã bị cắt.

Trước thách thức mới, người ta lo lắng rằng phong trào tôn giáo này thậm chí có thể chuyển sang các hoạt động quyết liệt hơn. Vào tháng 9-2023, đài truyền hình Nhật Bản Asahi News đưa tin, bà Hak Ja Han đã nói chuyện với hơn 6.000 người Nhật tại trụ sở Cheongpyeong của nhà thờ ở Hàn Quốc, kêu gọi họ trở thành “đơn vị tấn công đặc biệt giải cứu Nhật Bản”. Việc sử dụng thuật ngữ “đơn vị tấn công đặc biệt” khiến nhiều người lo ngại rằng áp lực lên các thành viên của phong trào sẽ trở nên tồi tệ đến mức cực đoan.

Năm 2021 và 2002, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự hội nghị do nhà thờ tổ chức, trong đó ông ca ngợi nhà thờ này vì “nguồn cảm hứng mà họ đã tạo ra cho cả hành tinh”. Hồ sơ tài chính vào năm 2023 tiết lộ, ông Trump đã được trả khoảng 2 triệu USD từ Liên đoàn Hòa bình toàn cầu (một nhóm trực thuộc Nhà thờ Thống nhất). Điều đó chứng tỏ, nhóm tôn giáo này đã gây dựng cơ sở lớn mạnh ở nhiều nơi, thậm chí họ nhận được sự o bế của bởi các chính trị gia. Bất chấp những lo ngại này, nhiều người vẫn hy vọng rằng quyết định giải tán giáo hội Thống nhất của Nhật Bản báo hiệu một sự thay đổi rất cần thiết, nhưng điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ các bên liên quan.

Hồ sơ tài chính vào năm 2023 tiết lộ, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được trả khoảng 2 triệu USD từ Liên đoàn Hòa bình toàn cầu (một nhóm trực thuộc Nhà thờ Thống nhất). Điều đó chứng tỏ, nhóm tôn giáo này đã gây dựng cơ sở lớn mạnh ở nhiều nơi, thậm chí họ nhận được sự o bế của các chính trị gia. Bất chấp những lo ngại này, nhiều người vẫn hy vọng rằng quyết định giải tán giáo hội Thống nhất của Nhật Bản báo hiệu một sự thay đổi rất cần thiết, nhưng điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ các bên liên quan.

Nguồn: [Link nguồn]

Cá koi trở thành vấn đề mới giữa Trung Quốc và Nhật Bản

1/5 lượng cá koi xuất khẩu của Nhật Bản được đưa sang Trung Quốc. Song gần đây Trung Quốc không gia hạn các hợp đồng kiểm dịch cá koi, đồng nghĩa với việc ngưng nhập khẩu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Chi ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN