Iran tấn công tên lửa đạn đạo chỉ tương đương 2 ngày xuất khẩu dầu, Israel đánh chặn tốn kém gấp đôi
Quy tắc bất thành văn trong các cuộc xung đột sử dụng vũ khí công nghệ cao là tên lửa đánh chặn luôn đắt hơn tên lửa tấn công. Cuộc chiến kinh tế tên lửa này đang trở thành một yếu tố quan trọng căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran.
Phần thân tên lửa đạn đạo Iran được tìm thấy trên sa mạc ở Israel hôm 2/10. Ảnh: Reuters.
Kinh tế học tên lửa
Một khái niệm xuất hiện trong các cuộc thảo luận công khai kể từ khi bùng nổ xung đột Israel-Hamas là "kinh tế học tên lửa." Không chỉ đơn giản sở hữu tên lửa hoặc bom tốt nhất là có thể đánh bại đối phương mà còn phải duy trì một kho tên lửa đủ lớn và có khả năng bổ sung liên tục trong trường hợp chiến tranh kéo dài.
Ngay cả trong trường hợp phát triển vũ khí có thể bay với tốc độ hàng nghìn km/giờ và mang đầu đạn cỡ lớn cùng các cảm biến tinh vi, vấn đề cuối cùng vẫn phụ thuộc vào chi phí.
Tên lửa đánh chặn và chi phí khổng lồ
Quy tắc bất thành văn là tên lửa đánh chặn luôn đắt hơn tên lửa bị đánh chặn. Điều này đã xảy ra với hệ thống Patriot chống lại tên lửa Scud trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và tiếp tục với hệ thống Vòm Sắt kể từ năm 2011, tờ Jerusalem Post đưa tin.
Để thay đổi vấn đề này, Israel đang phát triển hệ thống đánh chặn bằng tia laser mang tên "Iron Beam". Hệ thống này dự kiến sẽ được giao cho quân đội Israel (IDF) vào cuối năm 2025. Thay vì sử dụng tên lửa đánh chặn có giá hàng triệu USD, tia laser sẽ giảm chi phí xuống chỉ vài đô la cho mỗi lần bắn, chủ yếu là chi phí điện năng. Ngay cả khi tính thêm chi phí bảo trì và hao mòn, đây vẫn là một cuộc cách mạng lớn về mặt kinh tế và an ninh.
Cuộc tấn công tên lửa của Iran
Theo báo cáo của IDF, Iran đã phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo vào Israel tối 1/10. Mỹ cũng đã tham gia hỗ trợ. Hai tàu khu trục tên lửa của Mỹ đánh chặn 12 tên lửa đạn đạo Iran, theo báo cáo của hải quân Mỹ.
Các tên lửa Iran sử dụng trong cuộc tấn công gồm tên lửa đạn đạo Emad, Kheibar và có thể cả tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 có khả năng thay đổi hành trình ở tốc độ ít nhất gấp 5 lần âm thanh.
Có nhiều báo cáo khác nhau về chi phí sản xuất tên lửa đạn đạo của Iran. Nhưng theo Jerusalem Post, chi phí ước tính lên tới 1 triệu USD/quả. Tổng chi phí Iran tiêu tốn trong cuộc tấn công tên lửa gần đây là khoảng 200 triệu USD.
Với Tehran, đây chỉ là một khoản chi phí nhỏ so với khả năng tài chính của quốc gia này. Theo một báo cáo của Reuters, Iran đã lách và né tránh các lệnh cấm vận quốc tế, thu về 35 tỷ USD giá trị xuất khẩu dầu mỗi năm.
Với cách tính của báo Israel, cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chỉ tiêu tốn của Iran khoảng 2 ngày xuất khẩu dầu. Chi phí này không đáng là bao, cho thấy Iran hoàn toàn có thể tấn công tên lửa với quy mô lớn hơn.
Chi phí phòng thủ tên lửa của Israel
Mảnh vỡ tên lửa đạn đạo Iran trong cuộc tấn công Israel. Ảnh: Jerusalem Post.
Để đáp trả, không quân Israel đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Arrow-2 và Arrow-3 do tổ hợp Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) sản xuất. Tên lửa Arrow-2 có khả năng đánh chặn ở độ cao hàng chục km trong bầu khí quyển, chi phí khoảng 3 triệu USD/quả. Trong khi đó, Arrow-3 đánh chặn các tên lửa đạn đạo khi vật thể còn ở ngoài không gian với chi phí rẻ hơn, khoảng 2 triệu USD/quả.
Quân đội Israel không tiết lộ số lượng tên lửa Arrow đã sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo Iran. Theo Jerusalem Post, không phải tất cả các tên lửa Iran đều bị đánh chặn, nếu IDF phóng 180 tên lửa Arrow thì chi phí tiêu tốn lên tới 450 triệu USD, gấp đôi chi phí mà Iran tiêu tốn để thực hiện cuộc tấn công.
Đó là chưa kể Israel có thể vẫn phải huy động khác hệ thống phòng thủ khác như Vòm Sắt (Iron Dome) để đánh chặn mảnh tên lửa nếu phát hiện nguy hiểm.
Israel phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Mỹ
Hầu hết kinh phí cho việc mua sắm các tên lửa đánh chặn của Israel đến từ Mỹ. Kể từ tháng 10/2023, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất và được Quốc hội Mỹ đã phê duyệt gói ngân sách hỗ trợ Israel trị giá 14,1 tỷ USD, trong đó hơn 4 tỷ USD dành cho việc bổ sung kho đạn và phát triển hệ thống laser.
Tuy nhiên, hệ thống laser này trong tương lai gần chưa đủ mạnh để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ, gánh nặng về ngân sách phòng thủ tên lửa sẽ rất lớn đối với Israel.
Tương lai của cuộc xung đột
Một trong những lý do Israel cân nhắc tấn công các cơ sở dầu khí của Iran là nhằm cản trở hoạt động xuất khẩu dầu, qua đó hạn chế nguồn tài chính Iran sử dụng cho mục đích quân sự.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tại sao đã 3 ngày trôi qua mà quân đội Israelchưa có động đáp trả. Giới lãnh đạo Israel có lẽ vẫn cần thêm thời gian để bàn bạc với Mỹ, theo Jerusalem Post.
Mặc dù đã tấn công dữ dội Israel với khoảng 200 tên lửa, Iran có thể chỉ xem đây là "đòn dằn mặt" vì nước này vẫn bảo toàn hầu hết kho tên lửa đạn đạo...
Nguồn: [Link nguồn]