Indonesia biểu tình rầm rộ, gay gắt phản đối lao động Trung Quốc

Nhiều cuộc biểu tình của người dân Indonesia đã nổ ra nhằm phản đối sự xuất hiện của lao động Trung Quốc trên hòn đảo Sulawesi. Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại khi nhóm biểu tình tiết lộ sẽ huy động hàng nghìn người tiếp tục xuống đường phản đối trong những ngày tới.

Video: Sinh viên Indonesia biểu tình phản đối lao động Trung Quốc hôm 30/6. Nguồn: SCMP

Tờ SCMP hôm 2/7 dẫn tin từ CNN Indonesia cho biết, 2 cuộc biểu tình rầm rộ phản đối lao động Trung Quốc tới Indonesia đã được tổ chức hồi tháng 6, bao gồm cuộc biểu tình hôm 30/6 khi hơn 100 lao động Trung Quốc đã tới thành phố Kendari, ở phía đông nam tỉnh Sulawesi, Indonsia.

Hàng trăm sinh viên đã "bao vây" sân bay của thành phố khiến các lao động Trung Quốc phải nhờ tới sự giúp đỡ của cảnh sát địa phương.

"Chúng tôi dự kiến tổ chức các cuộc biểu tình tiếp theo vào ngày 6 và 7/6. Từ nay cho tới hôm đó, Indonesia vẫn tiếp nhận rất nhiều lao động Trung Quốc. Chúng tôi dự tính huy động 2.000 người, bao gồm học sinh, sinh viên và người dân, tham gia vào sự kiện sắp tới", Sulkarnain, người đứng đầu nhóm Kendari, thuộc Hiệp hội sinh viên hồi giáo (HMI), cho hay.

Sulkarnain cho biết thêm, các lao động Trung Quốc không phải chuyên gia kỹ thuật và công việc của họ có thể được người dân địa phương đảm đương. Sự xuất hiện của lao động Trung Quốc khiến người dân địa phương bị mất "miếng cơm manh áo".

"Nhiều lao động địa phương không có việc làm hoặc bị yêu cầu ở nhà trong suốt đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 nhưng tại sao lao động Trung Quốc lại được đưa đến đây?", Sulkarnain nói.

Các lao động Trung Quốc mới tới Indonesia được các công ty khai khoáng VDNI (do Trung Quốc đầu tư) và sản xuất thép không gỉ OSS, thuê để lắp đặt 33 thiết bị luyện kim ở tỉnh Sulawesi.

Tờ Jakarta Post dẫn lời các công ty này cho hay, họ cần lao động Trung Quốc vì thiếu lao động địa phương có chuyên môn. Và khi các thiết bị luyện kim được lắp đặt, họ có thể thuê 3.000 lao động Indonesia vào làm việc. Nhóm lao động Trung Quốc dự kiến ở lại Indonesia trong 6 tháng và sẽ trở về Trung Quốc sau khi hoàn thành công việc.

Ông Indrayanto, giám đốc đối ngoại của VDNI cho biết, nếu 500 lao động Trung Quốc không được nhập cảnh vào Indonesia, 3.000 công việc của lao động địa phương sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Sulkarnain cho biết nhóm biểu tình không có ý định phản đối lao động nước ngoài tới Indonesia. Họ chỉ muốn làm rõ sự thiếu minh bạch của chính phủ và 2 công ty khi thuê lao động Trung Quốc.

"Tới bây giờ, 2 công ty vẫn không có sự minh bạch về số lượng lao động và kỹ năng cụ thể mà họ cần", Beny Putra Lamangga, sinh viên Viện hồi giáo Kendari và là người tham gia biểu tình, chia sẻ.

Ngoài việc phản đối về sự thiếu minh bạch, Sulkarnain còn cáo buộc hoạt động khai khoáng của các công ty phá hủy môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại các con sông và khu vực nuôi cá.

"Các công ty không có bất kỳ động thái nào để đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh khu công nghiệp", Sulkarnain nói.

Theo Kompas TV, người đứng đầu khu vực đông nam Sulawesi, Ali Mazi, hôm 16/6 đã cho phép 500 lao động Trung Quốc tới làm việc tại các dự án luyện kim ở khu Konawe dù trước đó nói không với các lao động nước ngoài này. Ali cho biết ông thay đổi quyết định sau khi nhận được yêu cầu từ Jakarta.

Hồi tháng 4, giới chức Sulawesi buộc phải trì hoãn quá trình nhập cảnh của 500 lao động Trung Quốc sau khi người dân địa phương biểu tình phản đối dữ dội.

Các nhà phân tích an ninh cảnh báo sự trở lại của lao động Trung Quốc ở Indonesia những tuần gần đây có thể châm ngòi cho các cuộc tấn công khủng bố.

Các nhóm thánh chiến đã kêu gọi "các cuộc tấn công lớn" nhằm vào người Trung Quốc ở Indonesia, theo một cựu thành viên cấp cao của mạng lưới al-Qaeda ở Đông Nam Á.

Tính tới tháng 5/2020, Indonesia có 98.900 lao động nước ngoài, chiếm 0,1% trong tổng số 124 triệu lao động. Trung Quốc là nhóm lao động nước ngoài đông nhất tại quốc gia Đông Nam Á với số lượng 35.781 người. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn thứ 2 ở Indonesia. Năm 2019, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 4,7 tỷ USD vào thị trường Indonesia.

Nguồn: [Link nguồn]

Lao động Trung Quốc bị ”hắt hủi” tại Indonesia do dịch Covid-19

Tình trạng khan hiếm việc làm cho người bản xứ cùng những thông tin trái chiều liên quan đến nguồn gốc của Covid-19 đang...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Indonesia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN